Thời "nét chữ" không còn là "nết người"

Thứ bảy, 29/09/2012, 09:49
Thời gian vừa qua, trên nhiều diễn đàn, các bậc phụ huynh tranh luận nảy lửa xung quanh vấn đề có nhất thiết phải luyện chữ đẹp cho con hay không, khi mà trong đời sống thực tế rất ít sử dụng chữ viết tay. Thậm chí, có người còn bày tỏ một cách cực đoan rằng, "nét chữ" không còn là "nết người", như quan điểm của người xưa nữa.
Chữ đẹp chỉ dùng để viết... bằng khen
 
Việc tạo áp lực để con ngồi hàng giờ viết chữ đẹp, hay chỉ cần yêu cầu chữ rõ ràng để con có thì giờ trải nghiệm nhiều thứ tuỳ ở các bậc cha mẹ và mục tiêu mà các bậc phụ huynh đề ra cho con cái.

Một thực tế thường thấy ở thời đại công nghệ thông tin (IT) bây giờ là chủ yếu dùng bàn phím chứ không mấy ai đi viết tay nữa. Nhiều người cho biết, trước đây chữ mình viết khá đẹp nhưng sau một thời gian không viết nữa mà phần lớn là sử dụng máy tính, chỉ thỉnh thoảng điền form và ký tên thì lại không đẹp như xưa nữa.

 

 
Lớp luyện chữ đẹp Ánh Dương (Trần Tử Bình, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội).
 
Quốc Anh -  nhân viên kinh doanh công ty Thiên Vương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) kể chuyện vui của chính bản thân mình: "Khi đi làm, mình chuyên được nhờ vả ở cái tài viết chữ, viết giấy khen, hợp đồng lao động.

Sau này chán quá, vì 1 năm bị nhờ mấy đợt viết chữ, mình phải ngồi thiết kế mẫu điền giấy khen, hợp đồng lao động in trên máy tính cho bà con thì mới thoát nạn. Nếu là ngày xưa chắc ko cần đi làm, như mấy thầy đồ, tết đến bán chữ kiếm tiền được!".

 
Bắt nguồn từ thực tế này, nhiều bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn liệu có cần lãng phí thời gian, công sức để rèn chữ đẹp cho con?. Quan niệm này được khá nhiều các bậc phụ huynh ủng hộ. Anh Hoàng Tuấn - nhân viên IT Công ty phần mềm Star (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) cho rằng: "Luyện chữ đẹp hiện nay vẫn là một phần nặng nhọc đối với các cháu.

Chỉ cần bọn trẻ viết rõ ràng, đủ nét, dễ đọc là được rồi. Còn đẹp theo chữ mẫu thì có lẽ chả cần. Ấy là còn chưa nói chữ đẹp để làm gì ngoài việc chấm điểm vở sạch chữ đẹp. Như ai đó nói thì chỉ đi viết bằng khen, thậm chí viết sớ thôi. Nói thế là còn lạc quan đấy, vì mấy ai viết sớ tiếng quốc ngữ đâu...!".

 
Cũng theo thời gian, công nghệ dạy học hiện đại đã thay đổi nhiều bởi có những công cụ hỗ trợ khác như: Máy tính, máy chiếu, máy ghi âm, điện thoại, email... nhanh chóng và hiệu quả hơn. Do đó, ngày nay có thể thực hiện một bài giảng mà không cần dùng đến phấn bút bảng kiểu truyền thống nữa.

Ủng hộ quan điểm này, chị Phong Thu (Công ty PDT, 209 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, ngôi trường con chị đang theo học vẫn còn duy trì phương pháp giáo dục cũ kỹ, bởi con chị luôn xếp hạng sau một số bạn khác chỉ vì không luyện viết và không đạt danh hiệu "dũng sĩ kế hoạch nhỏ".

Việc lấy điểm vở sạch chữ đẹp hay điểm "dũng sĩ kế hoạch nhỏ" để mà tính vào điểm học tập thì chẳng phản ánh đúng năng lực học tập của các con tí nào.

 
Chị Thu cho rằng, ngay cả con mình cũng không cảm thấy thuyết phục khi cô giáo cứ bắt viết đi viết lại để có chữ đẹp nên cứ luôn hỏi là "chữ con rõ rồi, sao cô cứ bắt viết?".

Yêu cầu phải viết chữ đẹp là một yêu cầu không thực tế, vì mỗi đứa trẻ mỗi khác, có đứa viết không đẹp nhưng vẽ đẹp, đứa khác không vẽ đẹp nhưng hát hay, không thể nào mọi đứa trẻ đều có thể viết đẹp được và nhiều người cho rằng, cũng không cần phải thế.

Một đứa bé có rất nhiều điều để học, để khám phá và trải nghiệm. "Thế giới rộng mở lắm, bắt con mình ngồi cả giờ để tập viết chữ sao cho đẹp, mình thấy vô bổ cho bé, cho nên con mình viết chữ rất thoải mái, rõ ràng là được", chị Thu nói.

 
Nét chữ có thực phản ánh nết người?
 
Một số ý kiến cho hay dù, ở thời đại IT đi chăng nữa thì thực ra "nét chữ vẫn là nết người", hơn nữa người có chữ đẹp bao giờ cũng được ưu tiên hơn người viết chữ xấu.
 
Anh Trần Viết Hữu - Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng SHD (Trung Kính, Hà Nội) tâm sự: "Ở góc độ một nhà tuyển dụng, mình luôn ấn tượng với một lá đơn chữ đẹp như thêu hoa. Hay cùng là cái phong bì người ta gửi mừng mình, khi nhận được nếu thấy chữ viết trên đó thật đẹp thì mình cũng có cảm tình với người gửi hơn và cảm giác là mình được tôn trọng hơn. Giáo viên chấm bài cũng ưu tiên cho điểm cao với bài viết chữ đẹp hơn".
 
Một số người lại phản đối gay gắt, bởi dựa trên góc độ nghiên cứu khoa học thì cho rằng người kỹ tính thì nét chữ đều, nhỏ, chứ không hẳn là đẹp. Hay có ý kiến cho rằng, nhiều người chữ cũng không đẹp mà chỉ rõ ràng, dễ đọc nhưng tính tính vô cùng cẩn thận chu đáo...

Thậm chí, anh Hoàng Tuấn còn cực đoạn: "Nhìn chữ có thể đoán ra tính cách, nhưng chữ đẹp thì bảo học cẩn thận, thông minh thì không hẳn. Thường các cháu viết chữ thật đẹp thì sau này cũng làm văn thư, viết bằng khen là hết, mà cũng chả có mấy nghề bây giờ cần chữ đẹp vậy cho nên thà để thời gian rèn chữ các cháu nó nghỉ ngơi, hay rèn cái khác thì tốt hơn!".

 
Trước thực trạng các bậc phụ huynh có xu hướng kém mặn mà với việc luyện chữ cho con, cô giáo Trần Mai Phương - Giáo viên trường Tiểu học Việt - Úc (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Giáo viên là người dạy cho các con học những gì tốt đẹp nhất nên đừng nghĩ rèn viết chữ đẹp là vô bổ, vì nó là nền tảng không chỉ cho thời kỳ đi học mà còn theo bé suốt cả đời.

Vì viết chữ cũng là một trong nhiều cách để người ta học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm, trình bày cảm nhận, nêu ý tưởng... Trong chương trình giáo dục thì chỉ có lớp 1 mới gắt gao vậy thôi, sang lớp 2 và lớp 3 việc rèn chữ cô sẽ không làm nữa, lúc đó tha hồ cho các bé sáng tạo cũng chưa muộn!".

 
Thế nhưng, thực tế các trung tâm luyện viết chữ đẹp vẫn mọc lên nhiều để đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh. Khảo sát qua một số trung tâm luyện chữ đẹp: Thầy Tuấn số 10 Hàng Hành, Trung tâm Ánh Dương (Trần Tử Bình, Nghĩa Tân, Cầu Giấy), được biết các khóa học trung bình ở đây thường kéo dài 10 - 15 buổi, với mức chi phí 1,5 - 2 triệu đồng/khóa.
 
Cô Đặng Mai Đông - Giám đốc trung tâm luyện chữ đẹp tại số 5 Láng Ha,å cho biết: "Bây giờ có rất nhiều nơi luyện chữ đẹp, chỉ cần theo học 10 buổi là đã tiến bộ rất nhiều mà không mất quá nhiều thời gian. Với mỗi học trò, tôi sử dụng phương pháp dạy luyện chữ phù hợp với lứa tuổi, với trình độ và năng lực của họ.

Điều quan trọng là truyền hứng thú cho các con cảm thấy phấn khởi hơn khi kết quả rèn luyện của mình đạt điểm cao và được thầy cô giáo ở trường ghi nhận".        

 
PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ: "Cần phân biệt chữ không đẹp khác với chữ không rõ ràng. Chữ không rõ ràng thì không đạt được mục tiêu giao tiếp vì không ai hiểu được chủ nhân của nét chữ ấy muốn truyền đạt cái gì. Chữ không đẹp nhưng rõ ràng vẫn đạt được tốt mục tiêu giao tiếp.

Quan niệm chữ không đẹp là người không cẩn thận là quan niệm có phần áp đặt vì cẩn thận là tính cách của con nguời và được rèn luyện bằng rất nhiều cách, qua nhiều phương diện. Bởi, nếu quan niệm như vậy thì chắc nhiều bác sĩ cũng không cẩn thận, vì ai cũng nhận xét là chữ bác sĩ thì không đẹp".  


Theo Nguoiduatin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn