Tại sao người Hà Nội xếp hàng mua bánh Trung thu?

Thứ sáu, 28/09/2012, 16:10
"Các loại bánh Trung thu hiện đại cứ na ná nhau. Ăn thì quá ngọt, nhân quá nhiều thành phần hoặc có mỗi đậu xanh. Thành thử lần nào nhà tôi cũng chỉ ăn vỏ, bỏ nhân", chị Tâm (Ba Đình) nói về lý do chuyển sang mua bánh cổ truyền.
Chị Tâm là một trong số khách hàng đang chen chúc trước một tiệm bánh Trung thu cổ truyền trên phố Thụy Khuê (Hà Nội). Nhiều người chẳng chờ đóng hộp mà xách luôn túi nilon đựng những chiếc bánh mới ra lò còn nóng hổi.
 
Trong tiệm bánh, vài công nhân đang nhào bột, nặn nhân, bỏ bánh vào lò. Khách đứng ngoài cũng có thể chứng kiến hết các công đoạn.
Chị Lan 3 lần chạy xe qua một tiệm bánh cổ truyền trên phố Hàng Bè nhưng vẫn chưa có được loại đúng ý. Chị nói: “Năm nào tôi cũng chỉ ăn bánh ở đây. Chồng và các con tôi đều thích loại bánh dẻo đậu xanh trứng của cửa hàng này nhưng mấy lần đến đều hết. Lần này tôi phải cố chờ đến lúc có".
 
"Bánh dẻo màu trắng, mùi thơm nhẹ. Lúc ăn vỏ rất mềm, dẻo, vị ngọt vừa, nhân rất đặc trưng, ăn một vài quả trứng trong nhân mà không sợ bị nặng bụng. Với bánh nướng, tôi hay lựa bánh vừa ra lò nóng hổi, bóng bẩy, thơm lừng, ăn vào thấy bùi chứ không cứng đơ cục bột như bánh hiện đại", chị Lan lý giải về việc "kết" với cửa hàng này.
 
Cũng như vậy, ông Trần Đình Bảo (73 tuổi, Hàng Đào) rất thích xếp hàng mua bánh. Ngoài cảm giác chờ đợi thú vị, việc được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm bánh như nhào bột, làm nhân, bọc bánh… khiến ông yên tâm hơn.
 
trung thu.jpg - 48.37 KB

Khách hàng xếp hàng mua bánh trung thu như thời bao cấp
 
“Vừa xếp hàng, vừa chờ vừa ngửi mùi bánh Trung thu cổ truyền khiến tôi nhớ về Hà Nội xưa. Tận bây giờ tôi vẫn thích nhìn cách người ta làm bánh thủ công, kể cả việc dùng que hương hàn vỏ bánh cũng khiến tôi thấy thú vị”, người đàn ông có gia đình đã sống hơn 10 đời ở Hà Nội chia sẻ.
 
Giống như nhiều người khác chọn mua bánh truyền thống, ông Bảo thích ăn bánh tại Hàng Đào vì bánh sản xuất trong ngày nên không lo ăn phải đồ cũ. Bánh làm từ những nguyên liệu gần gũi, dễ ăn lại không có chất bảo quản.
 
"Vì bánh không có chất bảo quản nên chỉ sử dụng được trong vòng 1 tuần, gặp phải thời tiết nóng thì thời gian còn ít hơn. Vậy nên hôm nào thèm tôi lại qua mua vài chiếc", ông Bảo nói.
 
Thực ra, bánh Trung thu cổ truyền không có mẫu mã đẹp, nhân bánh không đa dạng, lại không có loại cao cấp để phục vụ nhiều đối tượng. Khách hàng của các tiệm bánh này chủ yếu là người ăn lâu năm, người bình dân giới thiệu cho nhau.
 
Ở Hà Nội có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu cổ truyền song không phải sản phẩm của hãng nào cũng được khách đón nhận. Chỉ một vài tiệm bánh có thương hiệu lâu năm, làm tại chỗ... là lúc nào cũng đông người xếp hàng chờ mua. Còn nhiều cơ sở tại các làng nghề gia truyền chỉ bán được qua các kênh phân phối hay đưa tới các chợ làng quê.
 
Theo chủ một tiệm bánh Trung thu truyền thống đắt khách trên phố Hàng Điếu,việc người tiêu dùng quay trở lại sử dụng bánh trung thu cổ truyền trong những năm gần đây là một quy luật tất yếu.
 
“Theo tôi, ẩm thực là biểu hiện của hồn phách dân tộc, một số hãng bánh Trung thu hiện đại lại sử dụng những nguyên liệu lạ như vi cá mập, trứng muối, cá ngừ... Chính sự kết hợp mâu thuẫn đó khiến bánh mất đi hương vị. Việc dùng các chất phụ gia, chất bảo quản cũng là lý do khiến người tiêu dùng tìm đến với bánh cổ truyền nhiều hơn”.
 
Ông cũng cho rằng bánh Trung thu cổ truyền đã có thương hiệu từ lâu, có một đối tượng người ăn trung thành, dù phương thức làm bánh không mấy thay đổi từ xưa đến nay.
 
"Nhiều khách hàng yêu cầu các loại bánh cao cấp để làm quà, bánh từ các nguyên liệu lạ hoắc hay bảo chúng tôi mở rộng quy mô cửa hàng song chúng tôi không muốn. Nhiều năm qua bánh Trung thu của chúng tôi vẫn không có gì thay đổi. An toàn, sạch sẽ, đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần thanh tao là đặc trưng của bánh Trung thu cổ truyền", ông nhấn mạnh.
 
Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn