Phục vụ bán trú tại nhà trường: Chỉ là giữ trẻ giùm phụ huynh

Thứ bảy, 06/10/2012, 14:14
Vất vả chạy vạy để kiếm cho con một “suất” học bán trú, tưởng đã yên nhưng ngay sau đó, không ít phụ huynh học sinh đã phải thất vọng...
 
 
Học sinh ngủ trưa chen chúc tại Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM)

Ăn thiếu chất, ngủ tạm bợ

“Bát cơm chỉ có vài lát thịt kho hoặc miếng sườn chiên, kèm theo chén canh bầu, bí có ít tôm thịt nổi lềnh bềnh. Có ngày, món chính của bé chỉ có cơm và 1,5 cây xúc xích ăn với nước tương. Thực đơn buổi trưa gói gọn trong hai món canh và mặn…”, một phụ huynh học sinh (PHHS) lớp 1D Trường tiểu học Trần Thị Ngọc Hân, học tại cơ sở 2 (huyện Nhà Bè) cho biết.

Nhiều lần mục sở thị bữa ăn của con ở trường, nhiều PHHS không khỏi xót xa: “Chất lượng bữa ăn của HS cực kỳ kém, không đủ chất, trong khi PHHS phải đóng tiền ăn là 27.000đ/ngày. Chúng tôi có thể đóng 30.000đ hay 32.000đ cũng được, miễn sao chất lượng bữa ăn phải đảm bảo để các cháu đủ sức học.

Ngày nào con tôi đi học về cũng đòi ăn liền, ăn một cách ngon lành vì đói. Đã vậy, chi tiêu tài chính trong việc nấu ăn lại không được công khai nên dễ nghi ngờ bữa ăn bị cắt xén”.

Ngày 28/9, tại Trường tiểu học Trần Thị Ngọc Hân, chúng tôi ghi nhận HS bán trú của trường đang ăn buổi trưa với món chính là trứng chiên, canh bí và… nước tương.

Tương tự, cũng tổ chức bếp ăn bán trú tại trường, thực đơn của HS Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11) chỉ quanh quẩn các món chiên xào khiến trẻ phát ngán. Một PHHS kể: Chỉ tính riêng món chính, ngày thứ Hai trẻ ăn cá saba lăn bột chiên và canh rau muống; thứ Ba là thịt xào đậu que cà rốt và canh cải thảo; thứ Tư là trứng chiên và canh bí.

Sang thứ Năm lại quay về với món chả cá chiên và canh cải ngọt, đến thứ Sáu HS mới được ăn tô phở gà và buổi xế là hộp kem… Người lớn ăn hoài các món chiên còn ngán, làm sao các bé tiểu học có thể ngon miệng được, nên các cháu thường ăn không hết cơm, bỏ mứa thức ăn thừa. PHHS phải cho con mang theo xúc xích, sữa… để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.
 
 
 
Không tổ chức nấu ăn tại trường, nhiều trường đã chọn suất ăn công nghiệp để phục vụ bán trú, PHHS càng kêu than nhiều hơn về chất lượng của các bữa ăn. Trong số 1.376 trường tổ chức bán trú thì có đến 24,62% trường chọn suất ăn công nghiệp.

Các cơ sở chế biến nấu với số lượng lớn từ sáng sớm nên khi cơm canh đến được tay HS thì đã nguội từ lâu. Theo thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, nhà trường không dám đặt suất cơm công nghiệp vì không an toàn.

Ngoài chuyện ăn, việc ngủ của HS cũng khiến PHHS lo lắng. Bàn học kiêm bàn ăn rồi biến thành chỗ ngủ tạm buổi trưa. Lớp học “3 trong 1” phục vụ mọi sinh hoạt của HS. Giờ ngủ trưa thực chất là nghỉ trưa, vì trên một diện tích bàn nhỏ hẹp, HS phải nằm “thẳng đơ”, chỉ cần xoay mình là đụng bạn nằm kế. Đó là chưa kể cả phòng còn nồng nặc mùi thức ăn của bữa trưa trước đó.

Thầy Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên (Q.10) nêu khó khăn: Cơ sở vật chất còn hạn chế nên tất cả trẻ phải dồn vào phòng thư viện cũng là phòng thiết bị kiêm hội trường để ngủ.

Tuy phòng khá rộng, được lau dọn sạch sẽ trước giờ ngủ, nhưng nếu có một phòng để phục vụ riêng việc ngủ nghỉ của HS vẫn tốt hơn. Trẻ ngủ chung trong phòng kín, máy lạnh rất dễ lây lan bệnh, chỉ cần một HS bị cảm thì sẽ lây cho nhiều em khác, rất khó phòng ngừa dịch bệnh.
 
 
 
Thể lực, trí lực khó phát triển

Ngoại trừ hệ thống trường mầm non có đủ điều kiện phục vụ bán trú, hầu hết cơ sở vật chất của các bậc học khác chủ yếu phục vụ giảng dạy nên việc nhà trường tổ chức bán trú, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận PHHS là một nỗ lực cần được ghi nhận.

Tuy nhiên, mô hình bán trú thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, chỉ mới dừng ở việc “giữ trẻ”. Việc ăn, ngủ chỉ là cho qua bữa. Bộ phận phục vụ bán trú ít chịu khó lên thực đơn, chế biến thức ăn buổi chính sao cho hấp dẫn trẻ. Ở bữa ăn xế, thay vì là xúp, bánh canh, nui thì chủ yếu là bánh ngọt, bánh flan, yaourt, sữa tươi…

Ở bậc mầm non, các trường dán công khai thực đơn cả tuần cho PHHS xem, góp ý. Trong khi đó, đa phần PHHS ở các trường phổ thông chỉ “lờ mờ”, nghe ngóng thông tin con ăn món gì qua… lời kể của HS.

Nhiều PHHS đặt câu hỏi: Vì sao nhà trường giữ bí mật bữa ăn trưa của HS, còn PHHS không được biết cụ thể? Theo quy định, việc thiết kế bữa ăn bán trú cần được lên thực đơn tuần hoặc tháng một cách công khai, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Thế nhưng, ít trường làm theo nguyên tắc này.
 
Giờ ăn trưa của học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1)
 
Phát biểu tại hội thảo về mô hình bán trú do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuối tháng Tám vừa qua, ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM bày tỏ sự lo lắng: Những sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học có nguyên nhân chính từ việc cung cấp suất ăn từ bên ngoài.

Cơ sở bán trú ở các trường đều không đúng chuẩn, chỗ ăn, chỗ ngủ thường cũng là chỗ học của HS nên môi trường học tập và nghỉ ngơi không đảm bảo, đặc biệt là khó đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

BS Nguyễn Tài Dũng, cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của Sở GD-ĐT nhìn nhận: Mỗi ngày, các trường học ở TP phục vụ bán trú cho hơn nửa triệu HS nhưng các điều kiện tổ chức bán trú còn rất khó khăn. Nhiều trường không có khu nhà ăn riêng, không có chỗ ngủ trưa và các điều kiện vệ sinh khác… Ngoài ra, nhân sự phục vụ bán trú hầu hết không có chuyên môn.

Khi thanh tra các trường bán trú, ngành GD-ĐT cũng chỉ mới dừng ở khâu đảm bảo không xảy ra ngộ độc tập thể. Chất lượng bữa ăn như thế nào thì chưa được giám sát, theo dõi chặt chẽ. Điều này dấy lên sự lo ngại về chiều cao của những đứa trẻ học bán trú khó tăng trưởng; thể lực, trí lực khó phát triển khi các em không chỉ thiếu chất mà còn thiếu cả những hoạt động ngoài trời.

Buổi học thứ hai chẳng khác nào buổi sáng kéo dài để luyện chính tả, rèn toán… Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho biết: Ngành khuyến khích buổi học thứ hai, nhà trường nên cho HS học các môn năng khiếu, ngoại khóa, môn tự chọn nhưng thực tế, để theo kịp chương trình, nhiều giáo viên lại cho trẻ học như chính khóa.
 
 
TS-BS Tạ Thị Tuyết Mai - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM - cho biết, với trẻ từ lớp 1 đến lớp 9 phải có chế độ ăn khác nhau, không thể trẻ nào cũng một tô cơm với vài lát thịt, chén canh. Nhu cầu năng lượng một ngày cho trẻ lớp 1 khoảng 1.600Kcal nhưng với trẻ đang dậy thì phải từ 2.200 - 2.500Kcal.

Bên cạnh mỗi phần ăn có đủ bốn nhóm chất gồm: chất đạm (thịt, cá, đậu hủ); chất bột đường (gạo, ngũ cốc, nui); nhóm vitamin và khoáng chất (rau xanh, trái cây); nhóm chất béo (dầu ăn), để cơ thể phát triển thì phải thay đổi món ăn cho phong phú, giúp trẻ không ngán ăn.

Mặt khác, hiện nay, các trường nội trú thiếu nguồn sữa cung cấp cho trẻ, trong khi đây là lứa tuổi rất cần sữa, tạo canxi để tăng trưởng chiều cao. Với trẻ cấp I, chỉ cần 800ml sữa hàng ngày thì học sinh cấp II cần đến một lít. Bên cạnh đó, các trường nên bổ sung các sản phẩm thay thế sữa như: phô mai, yaourt vào thực đơn cho phong phú.

Trường hợp nhiều trẻ nằm chung một phòng sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh dễ lây lan, nhưng trong điều kiện hiện nay không thể yêu cầu các trường thay đổi được. Do đó, với những trẻ mắc bệnh cần cho nghỉ học và nhà trường phải cho trẻ rửa tay thường xuyên.
 
 

Theo PNTP

Các tin cũ hơn