Viện phí sẽ tiếp tục tăng!

Thứ sáu, 05/10/2012, 07:47
Bộ Y tế cho biết viện phí mới được ban hành vẫn chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá. trong tương lai giá viện phí sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ các yếu tố, do đó giá sẽ còn tăng nữa.
 
Điều này sẽ được thực hiện song song với việc mở rộng độ bao phủ của BHYT để người dân (đặc biệt là những đối tượng khó khăn) vẫn có khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế.
 
Viện phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh hợp lý
 
Theo Bộ Y tế, mức giá tối đa mới được ban hành mới chỉ tính đến 3 yếu tố trực tiếp, gồm: Chi phí thuốc, vật tư sử dụng cho khám bệnh, ngày giường điều trị, dịch vụ kỹ thuật; Chi phí điện, nước, xử lý chất thải; Chi phí duy tu, bảo dưỡng, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ nhỏ theo định mức kinh tế kỹ thuật.
 
4 yếu tố còn lại cấu thành giá viện phí nhưng chưa được tính trong đợt điều chỉnh này, gồm: Tiền lương, phụ cấp; Sửa chữa lớn tài sản; Khấu hao nhà cửa, trang thiết bị lớn; Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
 
Giá viện phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp để dần tiến tới đủ bù đắp cho chi phí hoạt động và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân 
 
Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định mức giá mới được thông qua không phải là cao và chưa phải tính đúng, tính đủ. Trong tương lai, 4 yếu tố này sẽ dần được đưa vào giá trong những lần điều chỉnh sắp tới.
 
Vì thế, giá viện phí sẽ có xu hướng tăng nữa để dần tiến tới đủ bù đắp cho chi phí hoạt động và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân.
 
Để thực hiện được lộ trình tăng viện phí theo hướng như trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết điều quan trọng nhất là phải đảm bảo thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân, tăng độ bao phủ của BHYT để người bệnh không phải bỏ tiền túi ra chi trả viện phí.
 
“Mỗi người dân bỏ ra khoảng 500.000 đồng/năm để mua một thẻ BHYT. Khi vào viện, họ được thanh toán mức bình thường cũng có thể là 5 đến 7 triệu đồng, cao hơn có khi lên tới cả trăm triệu đồng.
 
Do đó, người bệnh cần nhìn thấy rõ quyền lợi của mình khi tham gia BHYT. Hiện nay, những đối tượng khó khăn đã được Nhà nước hỗ trợ phí mua thẻ BHYT rất lớn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
 
"Bẫy" đói nghèo rình rập
 
Tuy nhiên, ngay cả khi đã bao phủ được BHYT thì “bẫy đói nghèo” vẫn hiện hữu nếu những chính sách liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT không được điều chỉnh cho phù hợp.
 
Giá chụp PET/CT (khoanh đỏ) tại BV Bạch Mai được thực hiện trên máy xã hội hóa là 28.200.000 đồng/lần. Theo quy định sau khi được điều chỉnh viện phí, giá này được phía BHYT thanh toán 21.320.000 đồng (bao gồm cả thuốc cản quang). Như vậy, ngay cả khi có thẻ BHYT, người bệnh vẫn phải trả thêm 6.880.000 đồng/lần chụp. Bộ Y tế cho biết bệnh viện thu phần chênh lệch này là không sai so với các quy định hiện hành 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia (đến từ ĐH Y Hà Nội và WHO) tại Hội thảo khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2010 thì tại Việt Nam, ảnh hưởng của BHYT đối với việc bảo vệ người dân tránh khỏi chi phí y tế “thảm họa”, gây đói nghèo còn hạn chế.
 
Cụ thể: Nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT vẫn đang phải chi trả trực tiếp từ tiền túi khá cao (năm 2008, tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam phải chi phí cho y tế tới mức “thảm họa” là 6% số hộ, tương đương 1.200.000 hộ).
 
Tỷ lệ này khá cao nếu so sánh với quốc tế và không có dấu hiệu giảm đi theo thời gian.
Ngoài ra, ngay cả khi đã tăng viện phí, người bệnh có thẻ BHYT vẫn phải trả các khoản “chênh lệch” do sử dụng máy móc xã hội hóa.
 
Hoặc theo quy định của luật BHYT, trường hợp có sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn được quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức quy định (100%, 95%, 80%), nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó (tức không vượt quá 42 triệu đồng/lần sử dụng dịch vụ). Ngoài ra, người bệnh đồng chi trả chi phí ngoài phần quỹ BHYT chi trả.
 
Trên thực tế, có những dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại có mức giá cao hơn nhiều so với mức 40 tháng lương tối thiểu được thanh toán, do đó, phần tiền túi người bệnh phải bỏ ra vẫn ở mức cao.
 
Bộ Y tế trình Chính phủ dự thảo đề án BHYT toàn dân
 
Bộ Y tế đã chính thức trình Chính phủ dự thảo đề án thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.
 
Theo Bộ Y tế, về cơ bản nội dung chính của đề án như dự thảo trước đó, chỉ có thay đổi trong việc các đối tượng được nhà nước hỗ trợ như học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia mua BHYT.
 
Bộ Y tế cũng đề xuất ngoài việc hỗ trợ 70% mức đóng cho các hộ cận nghèo thì nên phân loại và đề xuất hỗ trợ 100% mức đóng cho các hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo đặc biệt.
 
Mục tiêu cụ thể của "Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020" gồm: Tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT.
 

Theo VNN

Các tin cũ hơn