Khi bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài “dạy nghề” trị bệnh tim

Thứ tư, 03/10/2012, 17:03
Trong khi y học trong nước bổ sung nhiều khiếm khuyết từ y học nước ngoài, thì ngược lại, cũng có không ít lĩnh vực y học Việt Nam xứng đáng để bè bạn chung quanh học tập. Chuyến đi chia sẻ kinh nghiệm điều trị thông liên thất trẻ em bằng can thiệp tim mạch của bác sĩ Việt Nam tại Thái Lan cuối tuần qua là một thí dụ.
Đó là hội thảo “Đóng thông liên thất qua ống thông: học ngay bây giờ và tiến lên” do bệnh viện Đại học Songklanagarind (Thái Lan) tổ chức. Dù chỉ gói gọn trong một ngày và diễn ra ở thành phố Hat Yai – tỉnh Songkhla (miền Nam Thái Lan), nơi nổi tiếng với xung đột và khủng bố, nhưng hội thảo vẫn quy tụ gần 30 bác sĩ Thái Lan và một số đến từ Indonesia, Philippines, tất cả thuộc lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh.

Việt Nam có ba đại diện: TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – phó giám đốc trung tâm tim mạch đại học Y Hà Nội, TS.BS Đỗ Nguyên Tín – phó khoa tim mạch bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM và TS.BS Lê Trọng Phi – một Việt kiều Đức.

 
bacsi.jpg - 56.61 KB
 
TS.BS Lê Trọng Phi (giữa) đang hướng dẫn bác sĩ Thái Lan đóng
lỗ thông liên thất cho một bệnh nhi

 
Hội thảo xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành, được truyền hình trực tiếp từ phòng can thiệp tim mạch ra hội trường bên ngoài để đại biểu xem qua màn hình. Nhưng trong khi phần lý thuyết được các chuyên gia Thái Lan và Việt Nam phụ trách, thì trong phần thực hành diễn ra trên bệnh nhi Thái Lan, các bác sĩ Việt Nam lại là người hướng dẫn cho đồng nghiệp nước ngoài.

Hỏi TS.BS Lê Trọng Phi phải chăng thực sự trình độ tim mạch can thiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan, ông nói: “Không chỉ Thái Lan, mà so với các nước Đông Nam Á, can thiệp tim bẩm sinh Việt Nam đi trước khá xa, đơn giản vì chúng ta bắt đầu phát triển lĩnh vực này cách đây hơn một thập kỷ và các bác sĩ Việt Nam lại khéo tay, thông minh”.

 
Số liệu thực tế đã chứng minh nhận định trên. Dù mới triển khai từ tháng 9.2009, nhưng đến nay, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã chẩn đoán và can thiệp tim mạch cho gần 3.000 ca bệnh tim bẩm sinh, trong đó điều trị khoảng 2.000 ca thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi…

Ở phía Bắc, viện Tim mạch quốc gia còn bắt đầu sớm hơn. Từ năm 1996, một số bác sĩ học từ các nước tiên tiến về đã biết đưa một dụng cụ kim loại qua ống thông, luồn vào tĩnh mạch đến tim để sửa chữa những khiếm khuyết ở đây.

TS.BS Đỗ Nguyên Tín giải thích: “Trong khi với mổ tim hở, bệnh nhi phải chịu đau đớn, cần ba đến năm người cho máu và nằm viện ít nhất một tuần, thì nếu can thiệp tim mạch, bệnh nhi có thể ra viện sau một ngày điều trị, ít đau, không để lại sẹo và không mất máu. Đó là chưa kể chi phí của can thiệp tim ngang bằng, thậm chí còn rẻ hơn toàn bộ chi phí mổ tim hở”.

 
Sự ngưỡng mộ
 
Gần như tất cả đại biểu tham dự hội thảo đều biết tên tuổi các chuyên gia Việt Nam. Với TS.BS Lê Trọng Phi, nhiều người biết ông không chỉ ông là một trong những chuyên gia tim bẩm sinh hàng đầu thế giới, mà vì ông còn là cha đẻ của Nit­-Occlud® Lê VSD, thiết bị như chiếc dù dùng để đóng ống thông động mạch, hay thông liên thất.

Trong ca can thiệp đầu tiên của hội thảo, ông hướng dẫn BS Supaporn Roymanee, trưởng khoa tim mạch nhi bệnh viện Songklanagarind, nhẹ nhàng thả chiếc dù Nit­-Occlud® Lê VSD đóng lại lỗ thông liên thất cho một bé trai ba tuổi trong sự khâm phục của các đại biểu tham dự. Tất cả chỉ gói gọn chưa đầy một giờ, trong khi nếu mổ tim hở, người ta phải mất gấp bốn lần thời gian đó.

 
Với TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, đồng nghiệp biết anh vì đây là một trong những người đầu tiên làm can thiệp tim bẩm sinh ở Việt Nam. Anh từng đến Ấn Độ hỗ trợ, chuyển giao công nghệ can thiệp tim bẩm sinh cho nhiều tỉnh ở đây, còn trong nước thì thường xuyên nhận đồng nghiệp từ Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Philippines đến học nghề tại trung tâm Tim mạch đại học Y Hà Nội.

Tương tự, TS.BS Đỗ Nguyên Tín cũng từng được mời đến Đài Loan và Indonesia để dạy can thiệp tim bẩm sinh cho các bác sĩ ở đây. Anh nói: “Cách đây mười năm, khi tôi đưa một bệnh nhân sang Thái Lan điều trị bệnh tim, người ta gần như không biết bác sĩ Việt Nam là gì, nhưng giờ đây họ đã nhìn chúng tôi bằng cặp mắt khác”.

 
Đúng là bè bạn chung quanh đã nhìn nhận các bác sĩ Việt Nam một cách khác. BS Prakul Chaithong, bệnh viện Siriraj đại học Mahidol (Thái Lan), chia sẻ: “Tôi không ngờ các đồng nghiệp Việt Nam giỏi như thế, nếu có điều kiện tôi sẽ sang Việt Nam học can thiệp tim bẩm sinh”.
 
“Y học Thái Lan có tiếng trong vùng, vì sao lĩnh vực này các bạn chưa phát triển?”, tôi hỏi. BS Prakul Chaithong trả lời: “Điều mấu chốt là Chính phủ Thái không có chính sách hỗ trợ các trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, gia đình chúng phải bỏ mọi chi phí để chữa trị, trong khi Chính phủ các bạn lại chữa trị hoàn toàn miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Trong điều kiện đó, bác sĩ Việt Nam làm được rất nhiều ca, tay nghề ngày càng giỏi”.
 
BS Prakul Chaithong nói đúng. Trong khi cả nước Thái Lan có 16 trung tâm tim mạch can thiệp, trong đó tám trung tâm chữa được tim bẩm sinh, thì ở Việt Nam, có đến 25 trung tâm tim mạch can thiệp và 20 trung tâm có thể giải quyết được nhiều loại bệnh tim bẩm sinh khác nhau.

Không đâu xa, theo BS Supaporn Roymanee, mỗi tuần khoa tim mạch nhi bệnh viện đại học Songklanagarind chỉ có hai ngày điều trị tim bẩm sinh bằng kỹ thuật can thiệp tim mạch, nhưng đó là những ca dễ, còn ca khó thì phải lên Bangkok hoặc ra nước ngoài chữa trị. “Vì thế chúng tôi mới tổ chức hội thảo này để bác sĩ Thái Lan và các nước khác học hỏi đồng nghiệp Việt Nam”, BS Supaporn nói.
 
“Không thể tự mãn với hiện tại”
 
Đó là ý kiến của TS.BS Lê Trọng Phi. Theo ông, sau hơn mười năm phát triển rộng khắp, đến nay, chuyên ngành can thiệp tim bẩm sinh Việt Nam cần củng cố lại hệ thống tổ chức để giữ vững ngọn cờ đầu của các nước Đông Nam Á.

Ông nói: “Nếu bằng lòng với hiện tại, không tiếp tục tiến lên, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ bị các nước qua mặt và bỏ xa”. Có những dấu hiệu cảnh báo điều này. Theo TS.BS Đỗ Nguyên Tín, so với các nước trong vùng, y học Thái Lan tổ chức rất tốt và xây dựng được chiến lược phát triển rõ ràng.

Nhiều bác sĩ trẻ của Thái Lan đã được gửi đi đào tạo tại các nước tiên tiến Mỹ, Anh, Úc, và đặc biệt trong năm tới, họ sẽ phát triển kỹ thuật hybrid (lai ghép) để điều trị bệnh tim bẩm sinh.

Anh giải thích: “Đây là kỹ thuật đỉnh cao hiện nay giúp điều trị các trường hợp bệnh tim bẩm sinh cực kỳ phức tạp (như hội chứng thiểu sản thất trái) mà mổ tim hở và can thiệp tim mạch phải phối hợp nhau giải quyết, chứ không thể giải quyết đơn độc. Ở Việt Nam hiện nay, những ca bệnh như thế, bệnh nhi phải ra nước ngoài chữa trị, hoặc ở lại trong nước chờ chết”.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích