Vụ sản phụ tử vong: Ngành Y "vin" vào tai biến hiếm gặp?

Thứ tư, 03/10/2012, 08:02
Tắc mạch ối là tai biến hiếm gặp trong sản khoa nhưng không hiểu vì sao trong thời gian qua, nguyên nhân này lại xuất hiện nhiều ở các ca tử vong tại Việt Nam khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có hay không việc ngành y vin vào tai biến hiếm gặp để dễ giải thích với dư luận?

>>Bệnh viện FV bị tố làm sản phụ sẩy thai 17 tuần tuổi
>>Vụ sản phụ tử vong: Phiếu siêu âm “bị nhau tiền đạo” biến mất
>>Sản phụ tử vong tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
>>Sản phụ chết vì bị khâu ruột vào… tử cung 

Cái chết đột ngột của sản phụ Nguyễn Thị Hằng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 30/9 vừa qua một lần nữa khiến dư luận hoang mang và choáng váng. Dù chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết nhưng dư luận xã hội đang xôn xao nghi ngại, sản phụ Nguyễn Thị Hằng chết là do sự tắc trách và vô trách nhiệm của các y bác sĩ trong kíp trực của bệnh viện.
 
Bàn thờ của sản phụ Nguyễn Thị Hằng tại nhà.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, nguyên nhân ban đầu khiến sản phụ Hằng tử vong có thể do tắc mạch ối. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn phải chờ kết quả pháp y.

Và nếu đúng sản phụ Nguyễn Thị Hằng chết do tai biến tắc mạch ối thì đây sẽ là trường hợp bệnh nhân thứ 6 của Việt Nam chết do tắc mạch ối được đăng tải công khai trên báo chí.

Những ca sản phụ tử vong vì… tắc mạch ối

Sáng 20/4/2012, chị Trần Thị Loan ở xã Phúc Xuyên - Thành phố Bắc Ninh, được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc chuẩn bị sinh. Khi đó, sức khỏe của chị Loan hoàn toàn bình thường. Gia đình đề nghị bệnh viện cho mổ đẻ nhưng các bác sĩ cho rằng sản phụ có sức khỏe tốt để đẻ thường.

Trong quá trình sinh, cả hai mẹ con chị Loan đã tử vong. Nguyên nhân cái chết của sản phụ Trần Thị Loan được kết luận là do tắc mạch ối.

 
Nguyên nhân cái chết của sản phụ Trần Thị Loan (TP Bắc Ninh)  được kết luận là do do tắc mạch ối.

3h sáng 20/4/2012, 2 mẹ con sản phụ Đào Thị Hạnh (31tuổi, xã Hồng Tiến, Khoái Châu) tử vong tại BV Đa khoa Hưng Yên ngay sau khi sinh. Bện viện đa khoa Hưng Yên kết luận, nguyên nhân dẫn đến cái chết của sản phụ Hạnh có thể là do tắc mạch ối.

Kế đó khoảng 8h20' ngày 20/4/2012, tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, sản phụ Lê Thị Hương (24 tuổi, ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cũng bất ngờ tử vong sau khi được mổ lấy thai. Nguyên nhân cái chết cũng được xác minh là do tắc mạch ối.

Trước đó, trường hợp sản phụ Ngô Thị Hồng Thu (chuyển dạ tại Bệnh viện đa khoa Hóc Môn – TP.HCM) kết quả giám định pháp y cũng cho thấy tử vong do thuyên tắc ối. 

Ngày 25/5/2012, sản phụ Nguyễn Thị Trang tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định – TP. Hồ Chí Minh. Lãnh đạo bệnh viện đưa ra nguyên nhân sản phụ này tử vong là do thuyên tắc phổi.

Cứ tử vong là đổ lỗi cho nguyên nhân hiếm gặp…

Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho thấy, trong số 88 ca tai biến gây tử vong mẹ hoặc con thì chỉ có 28 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh lý sẵn có của sản phụ và trẻ sơ sinh.

60 ca tai biến gây tử vong mẹ hoặc con (hoặc cả mẹ lẫn con) là do những tai biến xảy ra trong quá trình chuyển dạ, sinh nở. Ngoài ra, trong số 88 ca tử vong, có 10 ca tử vong tại nhà, 14 ca tử vong trên đường chuyển viện, còn lại 64 ca tử vong tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Tuy nhiên, thống kê này không nêu rõ có bao nhiêu tai biến gây tử vong là do lỗi của các bệnh viện, bác sỹ cũng như những tai biến xảy ra thuộc nhóm tai biến nào.

Trên thực tế, khi xảy ra tai biến (không phải do bệnh lý sẵn có của các sản phụ cũng như trẻ sơ sinh), lãnh đạo bệnh viện – nơi để xảy ra tai biến – thường đưa ra nguyên nhân tử vong thuộc nhóm hiếm gặp (như tắc mạch ối, tắc mạch phổi).

Các chuyên gia y tế cũng khẳng định: Tắc mạch ối là một tai biến sản khoa cực kì nguy hiểm nhưng hiếm gặp. Tắc mạch ối rất khó chẩn đoán, xảy ra rất đột ngột, tương tự sốc thuốc và không dự báo được khiến sản phụ choáng do nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính.… 80% bệnh nhân mắc phải đều tử vong. 

Đây là những tai biến có tỷ lệ xuất hiện rất thấp trong sản khoa và có khả năng gây tử vong cao với sản phụ nhưng không hiểu vì sao trong thời gian qua, nguyên nhân này xuất hiện nhiều ở các ca tai biến tại Việt Nam, khiến dư luận đặt câu hỏi về việc liệu có hay không việc ngành y vin vào tai biến hiếm gặp để dễ giải thích với dư luận?

Hiện thế giới chưa có số liệu thống kê cụ thể về các ca mắc tắc mạch ối. Tuy nhiên, 10 tháng trở lại đây, Việt Nam đã công khai 5 trường hợp tai biến sản khoa, chết do tắc mạch ối trên báo chí và trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Hằng đang được các cơ quan chức năng xác minh.

Có một điểm trùng hợp là tất cả những trường hợp sản phụ đã tử vong đều thuộc diện đẻ khó, xin được mổ đẻ những không được y bác sỹ chấp nhận.

Trong khi gia đình bệnh nhân cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong mẹ, con trong quá trình sinh nở là can thiệp chuyên môn không kịp thời và thái độ tắc trách thì tính đến thời điểm này, hầu hết các bệnh viện đều khẳng định làm đúng chuyên môn và trách nhiệm.

Khó chẩn đoán, nguy hiểm… và không báo trước

Trao đổi với PV, bác sỹ Lê Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, Hà Nội cho biết: “Tắc mạch ối tuy rất hiếm gặp, khó chẩn đoán nhưng nguy cơ tử vong rất cao vì xảy ra quá nhanh. Có đến 80% trường hợp mắc phải đều dẫn đến tử vong.

Thuyên tắc ối xảy ra ở giai đoạn chuyển dạ, không có triệu chứng trước nên rất khó nhận biết. Bình thường ngay từ lúc sản phụ mang thai cũng tiềm ẩn những nguy cơ tai biến. Trong đó có những tai biến bất thường, đến bất ngờ khiến bác sĩ không thể kịp xoay chuyển tình thế, cụ thể như thuyên tắc ối, vỡ tử cung… Do tai biến xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh nên hầu hết bệnh nhân đều tử vong. Nếu thai chưa xổ thì hầu hết thai nhi không được cứu kịp”. 

 
Bác sỹ Lê Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, Hà Nội  

Cũng theo bác sỹ Dung, tuổi sản phụ cao thì nguy cơ bị tắc mạch ối nhiều hơn. Tuổi mẹ từ 35 trở lên kéo theo nguy cơ cao bị tắc mạch ối. Con rạ có nguy cơ cao hơn con so. 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ. 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai. Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường.

Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng là yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối.

BS. Dung cho biết, việc chẩn đoán tắc mạch ối thường rất khó. Hiện cũng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu bệnh nhân được dùng thuốc, truyền dịch, truyền các chế phẩm của máu, được đặt ống nội khí quản giúp thở để duy trì chức năng tim mạch và hô hấp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng điều trị thành công.

Những tai biến dồn dập trong thời gian ngắn đã khiến ngay cả những người trong ngành sản khoa cũng phải giật mình bởi chưa bao giờ thuyên tắc ối – loại tai biến sản khoa rất hiếm gặp (thường chỉ chiếm tỉ lệ 1/80.000) lại trở thành nguyên nhân “thường gặp” ở hầu hết ca tử vong liên quan đến tai biến sản khoa gần đây tại Việt Nam.

 
Theo GDVN

Các tin cũ hơn