’Nếu tôi có đồng nghiệp đánh vợ, đuổi bố ra vỉa hè...’

Thứ tư, 03/10/2012, 09:36
"Nếu đồng nghiệp của tôi mà đánh vợ trọng thương, đẩy bố ra vỉa hè thì tôi sẽ gặp và nói với anh ta rằng: Tôi rất đau lòng. Anh là nhà giáo dục nhưng rất vô giáo dục" - TS Ngô Văn Khoa, Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Giáo dục chính trị - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
PV: - Gần đây báo chí liên tục phát hiện những vụ việc đau lòng xảy ra ngay giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến như: con cái đồng lòng dàn kịch đẩy bố già ốm ra nằm vỉa hè suốt 8 tiếng để tranh nhà; vợ tố chồng là thầy giáo cùng con trai đánh trọng thương phải nhập viện; con cái tố cáo cha mẹ độc ác, vu khống đổ tội cho chúng...

Theo ông, những hành vi này có được gọi là tội ác hay chỉ là tồi tệ, và nó phản ánh điều gì trong xã hội hiện nay?


TS Ngô Văn Khoa: - Tôi thấy rất đau lòng bởi đó là tội ác. Khách đi đường đến trú mưa trước hiên nhà mà đuổi người ta đi còn bị coi là ác huống chi đây là bố mẹ sinh thành ra mình. Nó phản ánh sự suy thoái về đạo đức trong xã hội.

PV: - Một điểm rất lạ của những vụ việc trên là nó xảy ra không phải ở những gia đình thất học mà lại xảy ra với những gia đình trí thức, có người làm nhà giáo đàng hoàng và gia cảnh thì không nghèo. Ông có nhận xét gì về sự bất bình thường như thế?

TS Ngô Văn Khoa: - Người ta tự hỏi rằng tại sao trước kia thời bao cấp khó khăn như thế nhưng hiện tượng trên rất ít xảy ra, còn bây giờ khi xã hội phát triển lên lẽ ra nó cũng phải tỉ lệ thuận thì thực tế lại ngược lại, xảy ra nhiều chuyện nghịch dị đau lòng đến như vậy.

Có 3 nơi hình thành nhân cách con người đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi đầu tiên hình thành nhân cách con người. Thường thì một gia đình có nề nếp, gia phong thì tất yếu con cái họ có nhân cách tốt.

 
Nhà trường và xã hội cũng vậy. Bất cứ xã hội nào cũng vận động theo cơ chế thị trường. Đất nước ta phát triển được như ngày hôm nay nhờ có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nhận thức đúng và vận động đúng theo quy luật cơ chế thị trường.
 
Tuy nhiên, mặt trái của nó lại rất kinh khủng, đồng tiền lên ngôi lấn át mọi giá trị, trong đó có giá trị đạo đức. Mặt trái của cơ chế thị trường tác động rất rõ đến từng gia đình và các mối quan hệ trong gia đình dẫn đến việc hình thành nhân cách con người bị ảnh hưởng.

Một Tiến sĩ chưa chắc đã ứng xử tốt hơn một người có trình độ thấp hơn anh ta. Tôi có biết một Tiến sĩ tâm lý nhưng lại ứng xử rất không văn hóa. Một gia đình cho vợ chồng anh ta mượn nhà ở đôi ba năm. Trong quá trình sống, do khúc mắc với nhà chủ nên anh ta chuyển đi.

 
Khi chuyển đi, nhà chủ đi vắng, thay vì chờ đưa tận tay người chủ chiếc chìa khóa nhà thì anh ta quẳng lại chiếc chìa khóa vào trong nhà. Người ít học hơn anh Tiến sĩ tâm lý chắc cũng không đến nỗi ứng xử như anh ta.
 
danh.jpg - 72.12 KB
"Với đồng nghiệp, tôi sẽ chỉ nói với anh ta rằng: Tôi rất đau lòng với anh. Anh là một nhà giáo dục nhưng rất vô giáo dục"

Quay trở lại một trong những câu chuyện đau lòng trên. Tôi đồ rằng bản thân ông thầy giáo đánh vợ kia xuất thân từ một gia đình không bình thường (theo nghĩa tiêu cực). Có thể bố mẹ ông ấy cũng phải sống khó khăn, chật vật, ít học, sinh con ra nhưng cố gắng để con mình được ăn học.
 
Rồi nhờ chăm chỉ rèn luyện và may mắn, ông ta phấn đấu trở thành giáo viên, thậm chí là giáo viên dạy giỏi. Nhưng cái gốc rễ, nền văn hóa của gia đình không có nên nó tác động đến cách ứng xử của ông ta.

PV: - Bên cạnh nguyên nhân kinh tế thị trường, đồng tiền lên ngôi làm đứt vỡ các mối quan hệ gia đình, có ý kiến rằng còn có một nguyên nhân khác là do cái tôi cá nhân đã xuất hiện và nó không đếm xỉa đến những gì không có lợi cho nó, tự nó gây hấn và xung đột với bất cứ ai ngoài nó.

Mối quan hệ cha con, vợ chồng đương nhiên bị tàn phá như một cuộc chiến sinh tồn. Ông có nhận xét gì về điều này?


TS Ngô Văn Khoa: - Mỗi con người đều ít nhiều mang chủ nghĩa cá nhân trong mình. Chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy khi có điều kiện và sự vận động của xã hội tạo môi trường thuận lợi cho nó đó là nền kinh tế thị trường.

 
Nó tác động đến mọi ngóc ngách từ trung ương xuống địa phương, từ cộng đồng dân cư đến mỗi gia đình, mỗi con người. Chủ nghĩa cá nhân trong quan hệ giữa người với người là lợi mình hại người. Vấn đề ở đây là anh giải quyết thế nào? Đứng trước cám dỗ, nếu không đấu tranh thì rất khó giữ mình.

Tôi nhớ những năm 1979-1980, khi ấy chúng tôi còn tiêu tiền xu, tiền hào, 20 nghìn đã mua được ngôi nhà 40m2. Thời đó cái tôi cá nhân không có cơ hội len lỏi, nảy nở.

 
Thậm chí có anh được cơ quan phân nhà nhưng bố mẹ anh ta có nhà rồi mà anh đang ở với bố mẹ. Anh này sẵn sàng nhường cho một đồng nghiệp khác cùng cơ quan lấy nhà trước.

Còn bây giờ, giá trị của bất động sản không như xưa nữa, như căn nhà ở Núi Trúc kia giá có thể lên đến hàng chục tỷ. Lợi ích vật chất đã chi phối đến nhiều vấn đề, đặc biệt là giá trị đạo đức. Người ta sẵn sàng đẩy bố mẹ già ra đường để tranh chấp khối tài sản ấy.

PV: - Chúng ta có hẳn Ủy ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng và cả hệ thống giáo dục cùng tham gia vào sự nghiệp trồng người. Vậy nhưng vụ bất hiếu, bất nhân, vị kỷ như thế xảy ra ngày càng nhiều và mức độ cũng ngày càng tệ hơn...

TS Ngô Văn Khoa: - Đây là 1 bài toán khó cho ngành giáo dục. Nền kinh tế thị trường chi phối, tác động đến mọi ngành, mọi cấp. Ngành nào cũng thế, đừng chủ quan nói là trong năm nọ năm kia xử lý dứt điểm tình trạng nọ kia mà đây là 1 cuộc chiến đấu lâu dài.

 
Giáo dục nhà trường cũng thế. Tính khả thi của 1 chủ trương mới phải đưa lại hiệu quả thiết thực, đừng bàn nhiều, đừng dài dòng văn tự mà hãy đi vào thực chất vấn đề.
 
Ngành giáo dục văn bản rất nhiều, có khi một vấn đề nhỏ nói những 10 trang. Theo tôi, 10 trang ấy chỉ nên gói gọn trong 1/4 trang. 1/4 trang ấy mà giải quyết cho tốt còn hơn 10 trang giấy kia.
 
danh1.jpg - 75.94 KB
Ông lão đáng thương bị các con đẩy ra nằm vỉa hè suốt 8 tiếng để tranh nhà. Trong ảnh là cô cháu gái học sư phạm ngồi canh ông không cho vào nhà

PV: - Chúng ta đã nói khá nhiều về nguy cơ rạn nứt các mối quan hệ trong gia đình trong thời kinh tế thị trường nhưng với những vụ việc trên thì không phải nguy cơ hay rạn nứt nữa mà là sự đứt gãy, thoái hóa về mặt đạo đức trong các mối quan hệ gia đình thời hiện đại. Ông nghĩ sao về vấn đề này và ông sẽ kiến giải, có biện pháp gì để vãn hồi quá trình thoái hóa này?

TS Ngô Văn Khoa: - Đến mức độ như những vụ việc cụ thể trên thì dùng từ đứt gãy là đúng. Trong trường hợp này, bên cạnh việc tăng cường giáo dục thì pháp luật phải xử lý nghiêm minh.

Đứng ở góc độ gia đình, chúng ta cũng không nên nôn nóng mà đây là cuộc chiến đấu kiên trì. Các ông bố bà mẹ cũng cần tôn trọng, lắng nghe con, không nên bảo thủ, độc đoán, gia trưởng. Có những người không được học tập tốt, khi con đi học về nói chuyện, đưa vấn đề mới ra thì do bố mẹ chưa lĩnh hội được đã phê phán ngay.

Một thời gian khá dài bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nhưng xã hội phát triển thì không thể như thế. Tôi nhớ cách đây chừng 7-8 năm, tôi quen một người là giáo viên dạy Văn cấp 2.

 
Con trai của ông ấy muốn cưới một cô gái nhưng ông bố khăng khăng không chấp nhận và tuyên bố nếu con lấy cô gái kia thì không bố con gì nữa. Người con suy nghĩ cực đoan đã cho nổ mìn khiến cả 3 người (bố, mẹ và người con trai) trong gia đình thiệt mạng. Câu chuyện đau lòng ấy khiến tôi day dứt mãi.

PV: - Giả sử đồng nghiệp hoặc học trò của ông có những hành vi tương tự với bố mẹ, vợ hay với con cái, ông sẽ hành xử thế nào?

TS Ngô Văn Khoa: - Với đồng nghiệp, tôi sẽ chỉ nói với anh ta rằng: Tôi rất đau lòng với anh. Anh là một nhà giáo dục nhưng rất vô giáo dục.

Còn với học trò, tôi muốn nói: Thầy rất lấy làm tiếc vì em được đào tạo qua trường lớp các cấp rồi, được gần gũi với các thầy cô giáo, trong đó có thầy mà em lại có hành động ấy. Với những em chưa biết chữ nó cũng không làm như em.

 
Đây là sự đau xót của thế hệ các thầy cô giáo đã giáo dục em. Thầy mong em sẽ ăn năn hối lỗi và sẽ trở lại những hành động tích cực. Không nên như vậy, cuộc đời còn dài.
 
Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn