Chúng tôi về xã Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội), nguồn cung cấp giá đỗ chủ yếu cho trung tâm TP Hà Nội, sau khi Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) công bố giá đỗ, rau mầm "bẩn" chiếm 40% khối lượng đang được bày bán trên thị trường.
Thông tin này đã ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo hàng trăm người dân sản xuất giá đỗ ở Thượng Cát.
"Oan cho chúng tôi quá"
Bà Nguyễn Thị Miến (60 tuổi ở thôn Thượng Cát, xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội) có thâm niên làm giá đỗ 15 năm nay. Thời điểm này năm trước, mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 300 nồi giá. Nhưng năm nay, gia đình bà chỉ làm 50 nồi mỗi ngày.
"Sau khi có thông tin giá nhiễm khuẩn thì thị trường giá đỗ chững lại. Trước đây, mỗi buổi chiều xe máy, ô tô cứ kéo nhau đông nghịt vào làng về lấy giá thì giờ đã giảm đi đáng kể. Số lượng giá giảm sút cũng còn do gần đây các lái buôn họ thích những loại giá đỗ mập mạp trên thị trấn Phùng, Đan Phượng. Loại giá đó nhìn rất đẹp, có thể đã bị người ta ngâm chất kích thích", bà Miến than thở.
Bà Miến bảo: "Giá được xác định là bẩn không biết ở nơi đâu, nhưng thông tin đó làm ảnh hưởng đến việc sản xuất giá chung của người dân trong làng. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi làm đều đảm bảo vệ sinh, chưa có điều tiếng gì, nay có thông tin như thế, thị trường, người tiêu dùng lại quy cho làng chúng tôi, như thế thì oan cho chúng tôi quá".
Tất cả các hộ gia đình làm giá đỗ đều lấy nước giếng khoan.
"Không sạch, chính chúng tôi chết đầu tiên"
"Tiếng là làng làm giá truyền thống, nhưng không phải gia đình nào cũng làm được giá. Trước đây, gia đình tôi khoan giếng ở phía ngoài đến hàng chục mũi khoan, nước đều trong xanh, nhưng lạ kỳ thay khi ủ giá, mầm mọc lên đều bị thối. Gia đình tôi thử khoan lùi vào bên trong, thì ủ giá lại mọc lên như nấm", bà Miến cho biết.
Với người làm giá đỗ ở làng Thượng Cát, nước là vàng. Do đó có gia đình sống liền kề nhà bà Miến, thấy gia đình bà có nguồn nước làm giá đỗ, họ thuê thợ đến khoan giếng lấy nước làm, cũng khoan với độ sâu 35m, nhưng khoan nát cả vườn, khi lấy nguồn nước làm giá đỗ đều bị thối. Cuối cùng họ đành ngậm ngùi, chấp nhận đi mua lại giá do các gia đình sản xuất để đi bán.
"Giá đỗ rất nhạy cảm với môi trường sống. Nước không làm được giá, chứng tỏ nguồn nước đó đã nhiễm sắt, mangan. Khi đó chỉ ngâm vài ngày đỗ sẽ bị thối, không thể nảy mầm. Ngoài ra, tất cả các công đoạn khác chúng tôi đều làm sạch sẽ. Nếu làm không sạch thì chính chúng tôi chết đầu tiên chứ không phải là người tiêu dùng", bà Miến cho hay.
Giá rất nhạy cảm với môi trường sống vì thế phải vệ sinh sạch sẽ.
Nuôi giá như nuôi con mọn
Làm giá đỗ rất cầu kỳ và nhiều công đoạn, phải tỉ mẩn và cẩn thận mới làm được. "Làm giá đỗ không khác gì phải nuôi con mọn, phải túc trực hằng ngày, hằng giờ. Từ khi nhặt các hạt đỗ đến lúc cho ra được những cọng giá đỗ, trải qua rất nhiều công đoạn.
Nhìn thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào không phải ai cũng làm được. Cách ủ giá đỗ cũng thay đổi liên tục theo thời tiết. Mùa hè thì ủ giá nhanh hơn, nhưng phải cho giá uống nước nhiều hơn để cho giá nhanh phát triển.
Nhất là vào đêm, tôi phải thức để trông giá, vì nhiệt độ thời tiết thay đổi mình cũng phải điều chỉnh cho nó phù hợp. Vào mùa đông có hôm nhiệt độ xuống thấp tôi phải mang chăn trong nhà ra để phủ lên những nồi giá. Vì sợ giá đỗ không đủ ấm, mầm sẽ bị èo uột".
Công đoạn chọn hạt đỗ cũng rất được bà Miến chú trọng, phải chọn từng hạt to, tròn, mẩy. Nếu sót hạt đỗ lép thì khi ủ mầm nó sẽ bị thối và lan sang cả mầm đỗ khác, hỏng cả nồi giá.
Theo bà Miến, một ngày phải cho giá uống nước ít nhất là 6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tiếng. Mỗi ngày làm nhiều nồi khác nhau nên phải nhớ rõ thời gian để cho đỗ uống nước một cách hợp lý. Bình thường một nồi giá cũng phải ngâm ủ ít nhất là 5 ngày. Cùng với nó phải căn thời gian hợp lý để nâng tấm đan lót ở trên bề mặt để giá đỗ lớn.
Sản xuất giá bằng cái tâm
Ông Lê Xuân Lịch, thôn Đống Ba trước đây từng làm Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Cát, có gần 30 năm làm giá đỗ. Hiện nay, gia đình ông là một trong những gia đình làm giá đỗ lớn nhất trong xã.
Ông dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất giá với hàng trăm nồi giá. Cầm nồi giá chuẩn bị xuất cho các lái buôn, ông mở từng tấm đan trên bề mặt, bốc vốc giá ra tay, ông vừa khoe với chúng tôi, vừa đưa từng cọng giá vào miệng ăn sống.
Ông Lịch bảo: "Ngày nào gia đình tôi cũng ăn giá đỗ do mình làm ra. Các khâu sản xuất đều đảm bảo vệ sinh nên chúng tôi yên tâm ăn sống. Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng về kiểm tra quá trình sản xuất giá của chúng tôi. Sản xuất như thế nào chúng tôi cũng không có gì phải giấu cả. Vì chúng tôi xác định sản xuất giá bằng cái tâm của mình chứ không vì lợi ích mà hại người tiêu dùng".
Mỗi ngày gia đình ông Lịch xuất ra ba tấn giá đỗ, các thương lái sẽ đem số giá đỗ đó để bán lại cho các nhà hàng, quán ăn và các chợ Hà Nội. "Không biết thông tin giá nhiễm khuẩn ở chợ thực hư như thế nào nhưng đã ảnh hưởng đến thương hiệu giá đỗ của làng tôi.
Mấy hôm nay, lượng giá bán ra đã có dấu hiệu chững lại. Có thể giá đỗ chúng tôi sản xuất sạch nhưng trong quá trình vận chuyển, rồi người bán hàng họ rửa ở những nơi mất vệ sinh nên giá không được sạch như lúc sản xuất. Dù thế nào đi chăng nữa thì thông tin đó đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới chúng tôi", ông Lịch lo lắng.
Ông Lịch cho rằng, việc cơ quan chức năng kiểm tra là đúng, nhưng phải nói rõ là kiểm tra ở đâu, giá có nguồn gốc như thế nào chứ không được chung chung như thế, dễ khiến cho người dân hoang mang.
"Để nhận biết giá đã ngâm ủ chất kích thích với giá đỗ sạch không khó. Khi đi mua giá người mua không nên mua giá mập mạp. Nên mua giá có thân dài, có rễ và lá ở đầu. Giá đó nhìn không đẹp mã như giá khác nhưng đảm bảo sạch sẽ, an toàn", ông Lịch khuyến cáo.