Thay “chủ” ở công viên Tuổi trẻ Thủ đô : Món nợ trăm tỷ, ai gánh?
Thứ ba, 02/10/2012, 16:20
Công tác quản lý có nhiều sai phạm, dẫn đến nhiều đời chủ đã được thay nhưng tình trạng vẫn không khá lên. Một lần nữa, có thể công viên Tuổi trẻ Thủ đô (CVTT) tiến hành thay đơn vị quản lý. Song, việc này đặt ra rất nhiều băn khoăn.
Theo UBND TP Hà Nội, việc quản lý công viên và hồ trên địa bàn thành phố (TP) hiện nay tồn tại nhiều khó khăn. Ngân sách TP không đủ để đầu tư cho các công viên, còn kêu gọi xã hội hóa (XHH) đầu tư vào công viên thì chủ đầu tư đặt vấn đề bù đắp chi phí bằng những công trình thương mại nên dễ dẫn đến sai phạm.
Vấn đề này đã được một lãnh đạo TP đặt ra: Hiện, chỉ có 2 công viên thực hiện theo hình thức XHH thành công là công viên Dịch Vọng và Yên Sở.
Trong đó công viên Yên Sở đang trong quá trình hoàn thành. Đối với công viên như CVTT, trước đây TP đã cho triển khai XHH với một số hạng mục đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khi triển khai đã xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ sai với quy hoạch và dẫn đến nhiều sai phạm như hiện nay.
Không chỉ trong đầu tư, ngay cả công tác quản lý của CVTT cũng còn nhiều bất cập. Năm 1995, TP Hà Nội thành lập Cty Thương mại Đầu tư và Phát triển Hà Nội trực thuộc Thành đoàn để quản lý và xây dựng CVTT; đáp ứng nhu cầu giải trí, thể dục thể thao, nghỉ ngơi của thanh niên và nhân dân. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả nên năm 2003, Cty này được chuyển về Sở Du lịch.
Đến năm 2004, công viên này lại trực thuộc TCty Du lịch Hà Nội và đổi tên thành Cty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội để có thể huy động nguồn lực tài chính. Cùng với việc đổi chủ, CVTT đã hai lần được điều chỉnh quy hoạch, mà gần đây nhất là điều chỉnh quy hoạch 1/500 theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội.
Trao đổi với PV , ông Nguyễn Hoài Văn, GĐ Cty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội cho rằng, việc quản lý các hạng mục của công viên rất phức tạp, chồng chéo. Hiện đơn vị này được giao quản lý các hạng mục kinh doanh dịch vụ, còn UBND quận Hai Bà Trưng lại quản lý phần mặt nước của hai hồ điều hòa trong công viên.
Riêng hạng mục hạ tầng cây xanh thì lại do Sở Xây dựng Hà Nội chi trả để một đơn vị khác thực hiện. “Chúng tôi hiểu ai chi trả, bỏ kinh phí là người ấy quản lý. Như vậy, có nghĩa đến 3 đơn vị quản lý với các hạng mục khác nhau nên khó truy trách nhiệm khi xảy ra sai sót” - ông Văn lý giải.
Nhiều câu hỏi về trách nhiệm, lãng phí đặt ra khi chuyển đổi mô hình CVTT sắp tới.
Cứ làm sai rồi nghỉ, trách nhiệm truy ai?
Thực trạng ở CVTT đặt ra nhiều vấn đề. Không phải gần đây UBND TP mới có chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, đơn vị quản lý tại CVTT. Việc này bắt nguồn từ nhiều sai phạm trong đầu tư xây dựng. Song, việc thay đổi đơn vị quản lý ở những lần trước đây cũng không tạo diện mạo mới hơn.
Tình trạng làm ăn thua lỗ, sai phạm không được xử lý triệt để. Giờ đây lại thay đổi chủ, có nghĩa là những tồn tại không được xử lý triệt để, mà cứ sai là thay chủ. “Vậy quyền lợi của những chủ đầu tư đi theo mô hình XHH mà đầu tư vào đây, rồi công ăn việc làm của hàng trăm người, sẽ thế nào?” - một chủ đầu tư CVTT băn khoăn.
Mổ xẻ vấn đề này, có thể thấy. Năm 2007, đơn vị quản lý nợ ngân hàng 50 tỷ đồng và lỗ kinh doanh 30 tỷ đồng, và vẫn để phát sinh nhiều hạng mục xây dựng sai phép.
Hiện có 6 khu vực được đầu tư theo phương thức XHH với số vốn đầu tư lên tới trên 300 tỷ đồng. Đây cũng là những hạng mục, công trình mà chủ đầu tư khi xây dựng sai quy hoạch đang được TP yêu cầu xử lý dứt điểm. Vậy trách nhiệm với những khoản đầu tư sẽ thuộc về ai?
Theo lý giải của ông Nguyễn Hoài Văn, trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng thuộc về quận Hai Bà Trưng nên việc tồn tại, không xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trong thời gian qua là do chính quyền, vì Cty này không có lực lượng, không có chức năng để xử lý.
Ông Văn cũng cho rằng, liên quan đến chủ trương chia tách Cty này ra khỏi CVTT, phía Cty chưa được biết cụ thể. Dù việc chuyển chủ, mới là chủ trương, TP chưa có quyết định, nhưng thông tin này đã gây tâm lý hoang mang cho gần 100 cán bộ công nhân viên, thậm chí nhiều đối tác kinh doanh, xây dựng đã từ chối hợp tác.
Ông Văn cho biết thêm, hiện, Sở Xây dựng Hà Nội được giao nghiên cứu, lập phương án tách Cty này ra khỏi công viên để thành lập một đơn vị mới nhưng lãnh đạo Cty lại không có trong thành phần tham dự.
“Như vậy là chúng tôi bị đứng ngoài cuộc trong việc bàn về số phận của chính mình” - ông Văn nói và tỏ ý băn khoăn rằng, liệu lần thay đổi đơn vị quản lý này, bộ mặt CVTT có thay đổi hay chỉ là hình thức? Bởi nếu theo mô hình thay đổi như TP đang có chủ trương thì hoạt động công ích và kinh doanh đan xen nhau tại CVTT, sẽ rất phức tạp và khó quản lý.
“Tôi cũng không biết các công trình XHH sẽ được giải quyết như thế nào? Giải thể Cty hiện nay để thay vào đó là một đơn vị mới mà không ai dám cam kết sẽ đạt hiệu quả cao hơn, và rồi 100 lao động sẽ ra sao, tôi cũng đau đầu” - ông Văn chia sẻ.
Theo ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và công trình ngầm, Sở Xây dựng Hà Nội, hiện, TP giao cho Sở này nghiên cứu đề án chuyển mô hình quản lý của CVTT.
Do chưa có quyết định cụ thể nên mô hình quản lý công viên này sắp tới thế nào, chưa rõ. Nhưng về nguyên tắc, các công trình trong CVTT vẫn hoạt động bình thường, còn phần xây dựng vi phạm thì bị xử lý.
“Các nhà đầu tư vẫn sử dụng các công trình song phải kinh doanh tuân thủ quy chế hoạt động của công viên, nghĩa là công viên sẽ có phần công ích, có phần phục vụ người dân nhưng sẽ thu tiền theo đúng quy định, theo đúng quy hoạch đã duyệt” - Ông Hiếu cho hay.
“Theo quy hoạch, công viên Tuổi trẻ Thủ đô có diện tích 26,2ha. Đến trước năm 2006, đã GPMB được 8ha; diện tích hồ là 10ha và diện tích còn lại đến nay chưa GPMB”.