“Nhà họp khu” là dạng hàng hóa công được người dân dùng hội họp ở các khu tập thể. Gần đây, chúng bỗng trở thành mục tiêu nhòm ngó, tính chuyện dụng một mệnh lệnh hành chính để “chuyển đổi mục đích”, đem lại lợi ích cho ai đó.
Trong khi tranh chấp, chúng có thể được tận dụng vào mục đích “bắc cầu Kiều” cho con em ta vào đại học. Tôi đã có phúc được một ông bầu của một Lò luyện thi khét tiếng, tiếp ở nhà họp khu kiêm lớp dạy thêm, ở khoảng giữa hai tiết học.
Lớp chứa được trên 40 học sinh. Thày dạy một giờ được “bầu” trả 2 triệu đồng – một khoản chắc các giảng viên phương Tây phải thèm muốn, vì trong chương trình có nhiều tiết giáo viên không phải giảng, mà chỉ ra bài kiểm tra theo kiểu “thi thử đại học”, để luyện, và các tiết “chữa bài’, chỉ ra những cái sai… Học phí cho mỗi giờ khoảng 70 ngàn trở lên.
Khi giáo dục được “khai phóng”. Tranh: truyền thông phương Tây.
Bù lại, sự thanh lọc rất khiếp. Ông bầu nói: “Chúng tôi chỉ chọn học sinh từ lớp 10, có quá trình học khá giỏi thực (ngầm dựa vào một số giáo viên ‘chân rết’ của mình đứng chân sẵn trong các trường). Những em nào được hai điểm 7 qua hai lần kiểm tra liên tiếp… về; em nào tóc nhuộm, ăn mặc lố lăng cũng… về. Ngữ này sớm muộn cũng sao nhãng học hành”.
Vậy “trung tâm luyện thi” kiểu này là một thứ lò bánh ga tô xịn, chỉ chọn các nguyên liệu tốt, đưa vào “đánh tơi” trong quy trình xử lý bằng tổ hợp các bài thi đại học mẫu từ trước đến nay, để đạt được khả năng xử lý siêu tốc các bài tập cùng loại, theo kiểu cài đặt chương trình cho người máy… Đồng thời “mỡ, dầu” để rán, chạy và bôi trơn cho quy trình chính đều do “bánh” (đúng hơn là phụ huynh) tiết ra.
Có thể thấy bí quyết này, dù đơn giản, đã giúp trung tâm luyện thi đạt chỉ tiêu đều tăm tắp như loạt bánh ga tô: gần như 100% học sinh đầu ra “lò” đỗ vào đại học. Bí quyết này lại là thứ “lãi mẹ đẻ lãi con”, vì nó bất biến như công thức làm bánh ga tô vậy. Từ năm này sang năm khác, nó tần tảo đảm bảo lợi nhuận “khủng” đều như vắt chanh, cho ông bầu và cộng sự.
Ông bầu tiết lộ từng sống qua 3, 4 chế độ (?) kể từ thời thực dân của Pháp, từng làm quan chức có ‘cỡ”, từng đứng bục giảng đường lớn… Tuy ông có làm tôi thầm rầu lòng vì ca ngợi một số giá trị thời thuộc địa, và nhất là ca tụng Khổng Tử đã làm ra Tam tự kinh, điều mà chú Tễu là tôi cũng biết là sai bét. Né một số câu hỏi “xoáy”, ông xoay sang “xỉ vả” quá trình dạy và học thêm ở các cấp học thấp hơn…
ABC, lợn sề, bánh đúc…
Với kinh nghiệm “nói dối” đếm trên đầu ngón tay, tôi vất vả vượt qua hai nhân viên an ninh (security) của một cung thiếu nhi để tiệm cận lớp học thêm của cháu mình.
Có lẽ để chơi “ú òa” với thanh tra Bộ, vốn giơ cao… chỉ thị “cấm học thêm”, toàn bộ các phòng của quy trình học thêm vào buổi chiều, sau buổi học “chính khóa” tại trường gần đó, được thuê tại các tầng trên của cung văn hóa này, ngăn cách (giam hãm - chữ dùng của GS Hoàng Tụy) khỏi thế giới bởi chiếc thang máy.
Vậy là thay cho những tiết học vẽ, học nhạc vẫn dành cho học sinh của nền giáo dục bình thường sau tan trường, cung thiếu nhi đang đóng một vai trò khác trong quy trình dạy và học “ngang như cua” kiểu Việt Nam (chữ của giáo sư Chu Hảo: lạc điệu, lạc hướng, không giống ai).
Nhớ thời còn bé, tôi từng được dạy vẽ ở đây, dưới bóng cây ngoài sân Cung chưa bị xây xi măng “lên tận nách”… Nay thì thiên nhiên đối với các em là một hành lang chật, lơ vơ vài chú học sinh cá biệt giả đau bụng trốn ra ngoài lớp học thêm, em quá gầy “suy dinh dưỡng’, em thì béo “còi xương thể bụ”… Cung thiếu nhi mà không vẳng tiếng tập đàn, tập hát.
Tôi nhìn vào lớp, loang loáng gần nửa trăm khuôn mặt nhỏ, tái nhợt, lờ đờ trong nhịp thước kẻ của cô, gợi lên tiếng roi gân bò của giám thị thời Pháp. Trong tai bỗng vang vọng tiếng ông chủ lò bánh ga tô – luyện thi đại học nói đến ở phần trên:
“Dạy thêm ở cấp I, cấp II hiện nay là trò bịp vớ vẩn. Cô chẳng dạy gì trong mấy giờ lên lớp tại trường. Đến giờ dạy thêm, giáo viên cho trẻ luyện một số bài tập, rồi giao cho chúng làm chính những bài ấy vào giờ học ‘chính khóa’ ngay sáng hôm sau. Bố mẹ giở số điểm thấy con toàn điểm cao. Thực ra phụ huynh bị cô cho ăn ‘bánh vẽ’”…
Vẫn đấm bị bông?
Học thêm ở cấp tiểu học “ưa” học sinh “dốt”, lò luyện thi kén “học trò xịn”, nhưng cả hai quy trình này đều dùng cách “nhồi nhét”. Tinh hay thô, các kiểu học thêm chia sẻ các đặc tính của mảng tối giáo dục - kinh tế ngầm. Chẳng hạn, như dân gian tổng kết từ lâu, chi phối lợi ích kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong”, tưởng vô hại, mà làm cây ngay phải chết đứng, làm giáo dục hoang tàn “dậu đổ bìm leo”.
Hiện người ta vẫn dùng triết lý giáo dục kiểu hành chính: “có học thì phải có thi”. Có nhất thiết chặn đầu ra của giáo dục phổ thông bằng hai kỳ thi liên tiếp?
Có cách gì để không mài mòn sức dân cả về tài chính (của phụ huynh) và tâm não (của công dân nhỏ tuổi), ngay từ khi trước ngưỡng cửa vào đời của mỗi thế hệ Việt? Có cách nào ra đề thi đại học “không đánh đố”, mà vẫn đảm bảo sức học (theo mọi nghĩa) cho sinh viên tương lai?
Thường có cầu thì có cung. Nhưng nền giáo dục hôm nay có đang “ngụy tạo” ra nhu cầu học thêm bằng hệ thống ngầm, để mưu cầu lợi riêng, đóng cửa vào tương lai của các thế hệ người Việt? Bằng nhiều cách, kể cả ngụy tạo ra những học sinh kém (có sức học nhưng bố mẹ không có sức chi trả), và các học sinh “giỏi” – hiện thân của quá trình mua bán điểm số?
Bắt bệnh rồi, vẫn lo. Liệu cuộc cải cách giáo dục sắp diễn ra, về sau sẽ lại “lộ hàng”, thành sân chơi của “các nhóm lợi ích”?