Quán trà kỳ dị nhất Hà Nội

Thứ hai, 01/10/2012, 17:12
Xuất thân là dân địa chất nhưng vì trót "vương duyên" thơ nhạc nên hơn nửa đời người, người đàn ông ấy cứ "say say tỉnh tỉnh" như một người nghệ sĩ.

>>Quán trà chanh im lặng 
>>Cô chủ quán trà chanh học 2 đại học 
>>Trà chanh, chém gió... tìm người yêu
>>Uống trà chanh coi chừng... xanh mặt

Cũng vì cái "say tỉnh" ấy mà những cuộc tình thơ chớm nở rồi cũng sớm tàn. Ba người đàn bà đã bước ra khỏi cuộc đời ông như vần thơ gieo trái dấu. Ông đành mở một quán trà đá ven đường Bưởi để chờ đợi người tình trở lại và làm thơ, hát tặng khách qua đường. Quán trà đá của ông bỗng nhiên trở thành quán trà đá đặc biệt nhất Hà Nội.
 
tra.jpg - 51.91 KB
Khách đến với quán có đủ thành phần nhưng chủ yếu là những người yêu thơ và thích nghe ông hát.

Bán trà đá bằng thơ và quan họ

Gần một năm nay, mỗi lần đi qua đoạn gần cuối dốc đường Bưởi (Ba Đình, Hà Nội), khách đi đường ai cũng ngỡ ngàng bởi có một quán trà đá đặc biệt đến dị thường. Chủ quán là một người đàn ông trung niên vạm vỡ, lúc nào cũng vận những bộ đồ thể thao trắng toát, mắt đeo kính râm.

Quán trà đá tuy không lớn nhưng lại có cả bàn cờ tướng, dàn loa thùng và míc... Đặc biệt, phía sau lưng quán là những "bức tranh thơ" được treo thành từng dãy dài. Những "bức tranh thơ" này là những bài thơ do chính tay chủ quán sáng tác và cũng chính tay ông viết chúng lên bằng những nét chữ to đậm trên những tờ lịch tường đã cũ.

Thậm chí, thi thoảng, người ta còn thấy chủ quán cầm míc hát những bài tình ca bất hủ hoặc ngâm những bài thơ dài ngoằng viết về năm tháng cuộc đời ông.

Người đàn ông này là Nguyễn Hữu Long, sinh năm 1940, gốc ở làng An Phú, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Ông tự đặt bút danh cho mình là "Hữu Nguyên" nghĩa là mong mọi thứ luôn vẹn nguyên giữa cuộc đời. Tuy chưa bao giờ được gọi là nhà thơ theo đúng nghĩa nhưng với ông thì "những con chữ có vần" như một người bạn tri kỷ không thể tách rời khỏi cuộc sống.

Cũng bởi lẽ đó mà ngần đấy năm hiện hữu giữa cuộc đời là hơn phân nửa ông nợ nần thơ phú. Bước qua tuổi 70, ông đã "lận lưng" cho mình hơn 200 bài thơ tình làm vốn và bây giờ cứ hễ ở đâu tổ chức ngâm thơ, vịnh thơ... là ông sẵn sàng bỏ mọi thứ để tham gia.
 
Vốn dĩ quán trà đá này là do người vợ thứ ba của ông mở ra. Tuy nhiên, mới bán được hơn một tháng thì vì ghen tuông mà bà bỏ ông ra đi mà không lời từ tạ. Từ đó, ôm nỗi nhớ nhung người vợ cũ, lại thêm sức khỏe đã yếu không thể làm xe ôm như trước và muốn có một không gian để lúc nào cũng được "say say tỉnh tỉnh" với "nàng thơ" nên ông "tiếp quản" quán này.

Cứ 7h sáng mỗi ngày là ông dọn hàng và đến 8h tối thì ông thu vào. Khách đến với ông có đủ thành phần tuổi tác nhưng chủ yếu vẫn là những người yêu thơ và thích nghe ông hát. Ai đến, thích nghe ông hát quan họ thì ông ngân nga quan họ, ai thích ông hát tình ca thì ông luyến láy tình ca và ai thích nghe thơ ông thì có thể tự đọc hoặc ông ngâm tặng.
 
Với ông, đã đi qua bao nhiêu biến cố của cuộc đời mới thấy được chỉ có "nàng thơ" là người tình muôn thuở. Và cũng chỉ có những người yêu thơ ông mới đến gần ông nhất mà thôi. Vì lẽ đó, ông quyết định viết những bài thơ của mình lên giấy lịch để treo lên hàng rào phía sau quán cho người qua đường thấy. Và sẵn sàng ngâm thơ cho khách qua đường nghe như một cách trút bỏ tâm sự cuộc đời mình.
 
tra1.jpg - 77.83 KB
Chủ quán kiêm ca sĩ, MC cho quán trà đá của mình.

Ba cuộc hôn nhân và nỗi sầu thế kỷ

Vồn vã, vui vẻ là vậy nhưng khi kể về những nốt trầm trong cuộc đời mình giọng ông Long chùng xuống hẳn. Bao nỗi ấm ức, bao tâm sự đớn đau... chất chứa lâu ngày như bật tung khi người đối diện vô tình hỏi đến.

Ông Long kể, những năm đầu của thập niên 1960, khi đang là cậu sinh viên của trường Địa chất, thấy bạn bè làm thơ thì ông cũng tập tọe làm theo. Cho đến khi ra trường, được điều động theo đoàn khảo sát lòng hồ Thác Bà, do cuộc sống xa nhà, lại ở vùng cảnh núi sông hữu tình nên ông rất hay làm thơ. Cũng từ đó, nghiệp thơ đeo bám ông như một người mắc nợ.

 
"Cha mẹ đặt tên con là Long những mong muốn sau này tôi bay cao, bay xa như rồng. Ai dè Long này không phải là rồng mà lại là long đong, lận đận.

Cũng từng có những lúc làm đến trưởng đoàn địa chất thám sát vùng hồ Thác Bà, cũng từng là tay buôn vải có tiếng ở Hà Nội… ấy thế mà giờ lại là lão bán trà đá ven đường.

Ngẫm cũng hay, cũng say mà cũng cay…" - ông Long tếu táo phác họa vài nét về cuộc đời mình.
Năm 27 tuổi, ông quen một cô gái tên Nga làm công tác dẫn thủy nhập điền do Bộ Nông nghiệp điều động lên tăng cường cho ty nông nghiệp ở vùng này. Khi tình yêu vừa bước vào thời gian đẹp nhất thì bà Nga phải về xuôi theo sự phân công của cơ quan.

Lần đầu mới bước vào yêu đã phải vội xa người yêu, nỗi nhớ lúc nào cũng trào dâng trong ông. Ông đành phải trút nỗi niềm vào con chữ và những bài thơ tình như "Chiều nhớ em", "Vị ngọt", "Thuyền tình"... cứ thế ra đời.

Năm 1980, ông chính thức nên duyên với bà Nga và ở rể với bố mẹ vợ được một năm thì hai vợ chồng dắt díu nhau lên Hà Nội lập nghiệp. Ông bà cùng mở một sạp vải ở chợ Bưởi và buôn bán khá thuận lợi.

Tuy nhiên, trong một lần giúp đỡ người quen buôn bán ông bị liên lụy đến pháp luật và bị kết án 10 năm tù. Nhưng nhờ một người quen giúp đỡ nên cuối cùng  ông chỉ phải chịu mức án 3 năm.

Ra tù, ông chung vốn với một số bạn bè mua xe thanh lí của nhà nước về chữa lại để vận chuyển hàng hóa.

Trong lúc ông đang chếnh choáng với cuộc sống mới thì vợ đâm đơn ly hôn vì vướng lưới tình của một người đàn ông khác. Mặc dù đã có với nhau ba gái, một trai nhưng vì không thể chấp nhận được sự phản bội nên khi bà đưa đơn ông kí ngay.
 
Chia tay vợ đầu được 6 tháng thì ông kết bạn với một người phụ nữ khác, người này cũng từng là bạn của bà vợ đầu. Ông dọn về sống với bà ở phường Vĩnh Phúc. Người đàn bà này cũng từng có một đời chồng và năm cô con gái.

Cuộc sống của ông với bà kéo dài được 11 năm hạnh phúc thì bà phải sang Mỹ để trông cháu cho người con gái cả. Cũng từ đó hai người bặt tin nhau và ông chưa một lần được gặp lại người vợ đó.
 
"Trước khi đi bà ấy khóc bảo: "Anh ở nhà trông coi nhà cửa và giữ gìn sức khỏe, hàng tháng em gửi tiền về cho anh tiêu". Sang đó được một tuần, bà ấy gửi về cho tôi một chiếc áo ngắn tay rồi từ đó trở đi biền biệt tin tức, không thấy điện đóm gì nữa. 

Được một năm sau thì tôi rời khỏi nhà bà ấy vì bốn đứa con gái của bà ấy không coi tôi ra gì. Rời nhà bà ấy tôi chuyển về sống nhờ nhà con gái thứ ba ở đường Bưởi cho đến bây giờ"
- ông tâm sự.

Trước những vết thương lòng ông thề sẽ không bao giờ đến với ai nữa. Ấy vậy mà cái sự đào hoa không buông tha. Khi tham gia hội thơ tổ chức ở Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô ông gặp người vợ thứ ba. Người đàn bà này sau khi nghe ông ngâm thơ đã khóc rất nhiều.

Bà chạy đến bên ông ôm chầm lấy khi thấy cuộc đời ông có quá nhiều nét giống mình. Từ đó, hai tâm hồn thương đau gắn kết với nhau và thề sẽ dìu dắt nhau đi đến trọn cuộc đời.

"Một lần bà ấy bị chồng cũ đánh bị thương ở chân không tự đi xe máy được nên gọi điện nhờ tôi xuống chợ Mơ chở lên Giải Phóng để khám. Từ đó tình cảm chúng tôi nảy nở. Tôi đưa bà ấy lên Yên Bái thăm mộ mẹ và em gái tôi.

Khi lên, nhìn thấy mộ cha tôi thì được mấy người con bà dì ghẻ xây dựng rất khang trang còn mộ mẹ tôi thì tồi tàn. 
Bà ấy đã dồn hết toàn bộ tiền thuê thợ xây lại khang trang khu mộ mẹ tôi. Ngày rằm và ngày mồng 1, đi đền chùa nào bà ấy cũng cầu xin được gắn bó trọn đời với tôi.

Tôi cũng mở cho bà ấy quán trà đá này để kiếm thêm thu nhập, thì mới bán được một tháng vì ghen tuông bà bỏ tôi đi không quay lại... Tôi vẫn mong bà ấy quay về vì tình yêu tôi dành cho bà còn rất lớn".
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn