Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam: Vai trò công dân ở đâu?

Thứ sáu, 30/11/2012, 13:53
"Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm, giảm tham nhũng” là chủ đề của Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng (PCTN) Việt Nam (VACI) năm 2013, do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới(WB) đồng tổ chức được phát động vào ngày 29-11. Tuy nhiên, đối tượng của chương trình này lại chỉ dành cho cơ quan, tổ chức, đoàn thể mà không có cá nhân.

 
 
"Gom” ý tưởng của cộng đồng 
 
6 tỷ đồng tài trợ cho 20 đề án

Quá trình tuyển chọn VACI năm 2013 sẽ bao gồm 2 vòng thi: sơ khảo và chung khảo.

Ban giám khảo sẽ chọn ra khoảng 50 đề án hay và sáng tạo tiếp tục vào vòng chung khảo. Ban giám khảo chung khảo sẽ chọn ra ít nhất 20 đề án hay và sáng tạo nhất để trao giải và tài trợ thực hiện. Mỗi đề án đạt giải có thể được cấp tối đa 300 triệu đồng để thực hiện.

Mức kinh phí được cấp cho đề án sẽ được quyết định dựa theo nhu cầu cụ thể của từng đề án được chọn.

Hạn chót nộp đề án dự thi vào 18-3-2013. Dự kiến trong 2 ngày 11 và 12-6-2013. Vòng Chung khảo cuộc thi và hoạt động trao đổi kiến thức sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Theo Thanh tra Chính phủ, tham nhũng ở Việt Nam còn rất nghiêm trọng. Tham nhũng nhỏ - "nhũng nhiễu”, các "chi phí không chính thức” diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong thời gian qua, công cuộc PCTN do Nhà nước khởi xướng đã nhận được sự tham gia khá tích cực của công chúng nói chung. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực và địa phương, sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội vẫn còn hạn chế.

"Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước coi công tác PCTN, chống tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Tăng cường liêm chính, trách nhiệm đang là giải pháp PCTN được Chính phủ tập trung đẩy mạnh thực hiện. Để giành phần thắng trong cuộc chiến cam go này, Chính phủ cần sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân, cơ quan, tổ chức đơn vị và của toàn xã hội”-ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết. 
 
Bà Keito Sato, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã chỉ ra một thực tế đó là, người nghèo đang phải vật lộn hàng ngày trong cuộc sống.

"Nếu thiếu minh bạch thì không thể thực hiện được”-bà Keito Sato bày tỏ. Chính vì vậy, theo bà Keito Sato, cần phải tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm để giảm tham nhũng. 
 
Kêu gọi cá nhân tham gia?
 
Ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, cuộc thi sáng kiến năm nay khuyến khích các đề án dự thi tập trung vào các chủ đề như: Xây dựng nền hành chính phục vụ; tăng cường liêm chính công và đạo đức công vụ; nâng cao tính minh bạch và quyền tiếp cận thông tin; nâng cao trách nhiệm.

Theo ông Hùng, đối tượng tham gia là các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có tư cách pháp nhân được nhà nước công nhận của Việt Nam ở cấp địa phương; trừ các cơ quan tổ chức đơn vị sau: các cơ quan, tổ chức và đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và thanh tra các Bộ, ngành; các đơn vị , Ban quản lý dự án thuộc ngân hàng Thế giới; các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng quân đội, công an nhân dân.
 
Ý tưởng của sáng kiến PCTN là tốt, nhưng khi triển khai thực hiện lại "nhóm” vào các tổ chức, mà không mở rộng cho đối tượng là cá nhân. Trả lời câu hỏi tại sao lại không có cá nhân tham gia sáng kiến? Bà Đỗ Thị Hồng Mai, cán bộ quan hệ đối tác Ngân hàng thế giới giải thích rằng: "Một cá nhân khó có thể thu xếp để thực hiện một đề án, cần nhiều người thực hiện thì tốt hơn”.

Tuy nhiên, thực tế xưa nay chính nhờ tai mắt của người dân đã giúp cơ quan chức năng phanh phui được nhiều vụ tham nhũng. Vậy nhưng khi kêu gọi các sáng kiến để giúp cho công tác PCTN tốt hơn, lại bỏ qua đối tượng là cá nhân-một nguồn lực lớn với nhiều ý tưởng sáng kiến muốn đóng góp. 


Theo Đaidoanket

Các tin cũ hơn