Giám đốc Công an thành phố nghiêm cấm việc CSGT túm năm tụm ba ngồi hàng quán, mỗi chiến sĩ phải tăng cường trách nhiệm, giúp đỡ nhân dân từ việc nhỏ nhất. Ảnh: An ninh thủ đô |
Trong buổi tập huấn về công tác tuần tra, xử lý vi phạm, tổ chức sáng 10/12, đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã yêu cầu chấn chỉnh tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử đến mỗi cán bộ chiến sĩ của Phòng CSGT.
Cụ thể, theo chỉ đạo của đại tá Chung, trong giờ làm việc CSGT không được có thái độ uể oải, cấm túm năm tụm ba, ngồi hàng quán. Mỗi chiến sĩ phải tăng cường trách nhiệm, giúp đỡ nhân dân từ việc nhỏ nhất. "Thấy chai lọ vỡ trên đường gây nguy hiểm đến việc tham gia giao thông của người dân, CSGT phải vào nhà dân mượn chổi, xẻng ra dọn dẹp ngay", đại tá Chung nói.
Trong việc xử lý vi phạm, người đứng đầu Công an Hà Nội đặc biệt lưu ý đến lời ăn tiếng nói, cách ứng xử của cán bộ chiến sĩ. Thực tế có người vi phạm không xuống xe, không xuất trình giấy tờ, lấy điện thoại ra gọi nhờ can thiệp. Đại tá Nguyễn Đức Chung yêu cầu CSGT khi đó phải bình tĩnh, xử lý linh hoạt nhưng kiên quyết.
Khi người vi phạm có thái độ như trên, CSGT hãy cho họ 1-2 phút để họ bình tĩnh, sau đó bằng cách nói ngắn gọn, dứt khoát, thể hiện sự đàng hoàng, đĩnh đạc yêu cầu người vi phạm xuất trình giấy tờ. Trường hợp người vi phạm là sinh viên, người ngoại tỉnh hoặc người già, CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường cần dành thời gian hướng dẫn, tuyên truyền thay vì cứ “chăm chăm” bắt lỗi, xử phạt.
Trong quá trình xử lý, lời nói phải đúng mực, tuyệt đối không được có những lời lẽ xách mé, gây phản cảm; làm sao để người vi phạm thấy họ vẫn được tôn trọng. “Trong khi làm nhiệm vụ, CSGT phải nở nụ cười”, đại tá Chung nhấn mạnh.
Sau một vụ tai nạn giao thông trên đường Phạm Hùng, lập tức CSGT dọn dẹp vỏ chai vỡ tránh nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: An ninh thủ đô. |
Giám đốc công an thành phố yêu cầu từ nay CSGT chấm dứt đứng ở nơi khuất, thiếu ánh sáng để bắt lỗi, xử lý người tham gia giao thông vi phạm. Thay vào đó, từng cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải đứng ở vị trí nằm trong tầm quan sát của người tham gia giao thông, kể cả việc triển khai chuyên đề kiểm tra tốc độ xe vi phạm.
Đại tá Chung chỉ đạo Phòng CSGT yêu cầu chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên di chuyển cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các chốt khác nhau. Lực lượng 141 khi làm ban đêm cũng phải được cung cấp, mua sắm đầy đủ đèn pin, chọn chỗ có ánh sáng để làm việc.
“Đứng ở chỗ tối thì dù có xử phạt đúng cũng để lại dị nghị, nghi ngờ cho nhân dân. Nghiêm cấm cán bộ chiến sĩ không được nói lỗi rất nhiều nhưng sau đó lại phạt một lỗi nhỏ rồi xin tiền”, đại tá Chung nói.
Đề cập đến thực trạng chống người thi hành công vụ, đại tá Nguyễn Đức Chung đánh giá, trong nhiều vụ việc, lỗi một phần ở thái độ ứng xử chưa được khéo léo, còn gây xung đột, căng thẳng với người vi phạm của CSGT.
Trường hợp lái xe vi phạm bỏ chạy, thay vì đối đầu hoặc bị hất lên nóc capo gây nguy hiểm đến tính mạng, CSGT có thể ghi lại biển kiểm soát hoặc ghi hình người và phương tiện vi phạm để xử lý sau.
Chia sẻ nỗi vất vả của lực lượng CSGT, người đứng đầu Công an thành phố cho phép CSGT sau 3-4 tiếng làm nhiệm vụ liên tục, nếu quá mệt có thể di chuyển vào chốt xử lý hoặc công an phường nơi gần nhất để uống nước, nghỉ ngơi. Sau khoảng 10-20 phút, CSGT tiếp tục ra làm nhiệm vụ.
“CSGT ở một số nước như Mỹ, Đức, Nhật… đều được trang bị một bình nước nhỏ khi đi làm nhiệm vụ. Công an thành phố sẽ nghiên cứu điều này để đảm bảo sức khỏe, hình ảnh đẹp của CSGT. Hiện tại khu vực tiếp dân của công an phường đã được bố trí ghế ngồi, nước sạch, CSGT có thể vào đó uống nước khi cần”, đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết.
Để thực hiện tốt những chỉ đạo, đại tá Chung cho biết, năm 2013, Công an thành phố sẽ phối hợp với Cục CSGT, Phòng CSGT thành lập các tổ kiểm tra đặc biệt, kiểm tra tư thế tác phong và quy trình xử lý của CSGT.
Theo ANTĐ