Sai phạm kinh niên
Sai phạm nhiều nhất hiện nay thuộc về các đơn vị thi công đào đường thuộc dự án vệ sinh môi trường, chống ngập… trong đó, những lỗi thường xuyên nhất là rào chắn thiếu biển báo, biển báo sai hoặc bảng thông tin không đúng quy định.
Trong thời gian thi công, thường xuyên xảy ra tai nạn tại những điểm đang thi công như không có hàng rào che chắn, hoặc có nhưng rào chắn sai quy định (hàng rào làm bằng tôn ngã đổ khi mưa to, gió lớn); không cử lực lượng trực, điều tiết giao thông, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Khi thi công xong, mặt đường không được tái lập như ban đầu.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, qua các đợt kiểm tra thực tế đối với việc thi công các công trình cơ sở hạ tầng có chiếm dụng mặt đường trên địa bàn các quận 3, 6, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý hàng loạt sai phạm, đa số thuộc những nhóm sai phạm như trên.
Mặc dù đã nhắc nhở nhiều lần và lập biên bản xử lý nhưng các đơn vị thi công vẫn không khắc phục những sai phạm.
Các sai phạm này chủ yếu thuộc các công trình do Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM làm chủ đầu tư có hàng chục rào chắn thiếu biển báo, biển báo sai hoặc bảng thông tin không đúng quy định; khoảng 50 vị trí không có lực lượng trực điều tiết giao thông; vị trí mặt đường bị lún, sạt lở hoặc không bằng phẳng do ảnh hưởng của việc thi công...
Ngoài ra còn có rất nhiều công trình do Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị; Ban Quản lý dự án các quận; các công trình do Ban Quản lý dự án lưới điện thành phố và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập thành phố làm chủ đầu tư cũng để xảy ra các sai phạm tương tự.
Chính vì những sai phạm này, vừa qua, Sở GTVT đã có báo cáo công tác thi công tại các công trình hạ tầng kỹ thuật có chiếm dụng mặt đường trên địa bàn do đơn vị này quản lý, đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT hỗ trợ tuần tra xử phạt.
Bên cạnh đó, Sở GTVT yêu cầu các chủ đầu tư kể trên đốc thúc đơn vị thi công khắc phục ngay các sai phạm.
Thi công lu nền mở rộng đường Bà Hom (quận 6, TP.HCM) nhưng không có rào chắn. |
Phạt nặng
Theo Sở GTVT, trong những tháng gần đây trên đường Trường Sa và Hoàng Sa đã xảy ra gần 10 vụ sụp lún mặt đường.
Trong số 5 vụ được xác định nguyên nhân gây lún sụt, có 4 vụ do hở mối nối giữa đường cống thoát nước cũ và mới, 1 vụ do nhà thầu Trung Quốc thi công đóng cừ bê tông kè bờ kênh Nhiêu Lộc làm hở nên đất tuột xuống kênh gây lún sụt đường.
Mới đây, Sở GTVT đã yêu cầu Thanh tra Sở GTVT đình chỉ thi công và cấm cấp phép thi công đối với đơn vị thi công công trình ngầm hóa lưới điện trên đường Đoàn Như Hài, Nguyễn Trường Tộ quận 4; tạm ngưng cấp phép toàn bộ các dự án của Công ty Điện lực Tân Thuận cho đến khi các sai phạm trong việc tái lập đường Đoàn Như Hài, Nguyễn Trường Tộ được khắc phục xong.
Trên đây chỉ là một trong hàng trăm vụ mà Sở GTVT đã kiểm tra thực tế đối với việc thi công các công trình cơ sở hạ tầng có chiếm dụng mặt đường trên địa bàn các quận 3, 6, 7, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Tân Phú, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý hàng loạt sai phạm.
Điều đáng nói là mặc dù đã được cảnh báo, xử lý nhưng các đơn vị thi công vẫn chưa hoặc chậm trễ, chây ỳ trong việc khắc phục các vi phạm.
Tính từ tháng 10/2012 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra các công trình rào chắn và lập hàng chục biên bản vi phạm hành chính; ngoài ra cũng nhắc nhở trên 20 trường hợp thi công vi phạm nhưng chưa tới mức xử phạt.
Qua kiểm tra đơn vị này nhận xét, nhiều nhà thầu, đơn vị thi công vẫn thường xuyên vi phạm các lỗi: Không có giấy phép thi công; không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong; để vật liệu, đất đá, phương tiện ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; không bố trí đủ rào chắn, biển báo theo quy định; không thực hiện theo phương án thi công gây sạt lở, bơm nước trực tiếp ra đường giao thông…
Ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định: Sở đã yêu cầu chủ đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP kiểm tra 2 vị trí lún sụt trên đường Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi các hố này đã được lấp lại.
Theo đó, chủ đầu tư buộc các nhà thầu thi công phải đào các điểm sụt lún đã lấp đất nhằm xác định nguyên nhân và xử lý triệt để lún sụt mặt đường. Ngoài ra, xử phạt thật nặng và tiến tới đình chỉ thi công đối với các đơn vị thường xuyên và chây ỳ trong các lỗi nói trên.
Theo SGGP