Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2012, “lô cốt” tại các tuyến đường TP.HCM đã lên đến con số 54. Nhiều đơn vị dựng “lô cốt” còn không có giấy phép thi công nhưng ngang nhiên vi phạm.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM tiến hành kiểm tra các công trình rào chắn đã lập biên bản xử phạt 33 trường hợp và nhắc nhở hàng chục trường hợp khác.
Trong 1 tháng trở lại đây, lô cốt rầm rộ tái xuất hiện khiến giao thông vào giờ cao điểm ở các điểm nóng thường xuyên ùn tắc.
Cầu Băng Ky - điểm nóng ách tắc
Theo phản ánh của người dân, hơn 1 tháng nay, rào chắn công trình xây dựng cầu Băng Ky trở thành tác nhân gây ùn tắc thường xuyên trên tuyến.
Trong 2 giờ cao điểm sáng và chiều trong ngày, hàng ngàn phương tiện luôn phải khổ ải nhích từng bước một.
Ách tắc thường xuyên ở cầu Băng Ky, quận Bình Thạnh.
Bà Trần Thị Phấn (57 tuổi, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh) cho biết: “Thời gian đầu mới có “lô cốt”, tôi còn thấy người của đơn vị thi công hướng dẫn người dân lưu thông, về sau chẳng thấy ai cả, có khi mấy ông xe ôm thấy kẹt xe ghê quá phải đứng ra tự phân luồng”.
Theo ghi nhận của VietNamNet, vị trí rào chắn trên cầu Băng Ky đã khiến diện tích lưu thông cũ bị bó hẹp lại tạo ra nút thắt cổ chai.
Lượng phương tiện hai bên đầu cầu thường xuyên phải tràn lên lề đường. Ngay cả xe cứu thương cũng phải bất lực “chôn chân” ở điểm nóng này mỗi khi lưu thông.
Ở hướng từ cầu Bình Lợi vào trung tâm thành phố, buổi tối các ngày cuối tuần luôn trở thành ác mộng với người tham gia giao thông. Ngoài lý do “lô cốt”, mặt đường 2 bên đầu cầu bị bó hẹp, ở gần cầu còn có nhà hàng tiệc cưới Đại Nam Hưng, phương tiện ra vào thường xuyên, rất khó để điều tiết.
Trong khi đó, cầu Đỏ cũng đang rào chắn một phần thi công nhánh thứ 2 khiến năng lực thông xe cho tuyến Nơ Trang Long bị giảm. Cảnh tượng người dân khi lưu thông qua cầu Băng Ky mệt mỏi thường xuyên xuất hiện.
Ngoài “lô cốt” này, các hạng mục xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Xí, Vũ Ngọc Phan đã dựng lên hàng loạt “lô cốt” khác khiến tuyến đường huyết mạch từ trung tâm về khu vực Bình Lợi, qua cầu Đỏ về Bến xe Miền Đông trở thành hành trình khổ ải.
Khổ ải đến năm sau…
Theo thông lệ hàng năm, vào trước Tết, các công trình rào chắn mặt đường đều phải dọn dẹp trả lại hiện trạng ban đầu.
Tuy nhiên, năm nay, nhiều khả năng con số “lô cốt” sẽ quay lại sau Tết rất nhiều, do thời hạn thi công các dự án kéo dài, kinh tế khó khăn dẫn đến tiến độ thi công chậm.
Hiện TP.HCM có 54 rào chắn trên 21 tuyến đường.
Cho đến thời điểm hiện tại, hàng loạt dự án có lộ trình thực hiện kéo dài đến giữa năm 2013. Đó là chưa kể trong trường hợp xấu, thiếu vốn, nhà thầu sẽ tiếp tục…nằm chờ mới có thể thi công.
Theo ghi nhận, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Hòa Đông, thuộc quận 6, đoạn giao với đường An Dương Vương đến vòng xoay Phú Lâm phải đến tháng 02/2013 mới có thể hoàn thành theo tiến độ dự kiến.
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Phạm Đình Hổ và dự án xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Hậu Giang, Tháp Mười, quận 6 dự kiến đến tháng 06, tháng 07/2013 mới hoàn thành.
Nhiều dự án khác như: dự án lắp đặt hệ thống thoát nước giảm ngập trên Quốc lộ 1A, cải tạo hệ thống thoát nước trên các đường Thái Phiên, quận 11; đường số 2, quận 8; đường Dương Tử Giang, quận 5 và đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp còn kéo dài đến cuối năm nay hoặc qua năm sau.
Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Sở GTVT, hiện có tổng số 54 vị trí rào chắn (tăng 02 vị trí) trên đường bộ để phục vụ thi công các công trình, dự án trên 21 tuyến đường.
Cụ thể là Dự án Nâng cấp đô thị TP (lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm) có 13 vị trí trên 02 tuyến đường. Dự án Vệ sinh mội trường (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) có 01 vị trí trên 01 tuyến đường.
Người dân tiếp tục chịu cảnh sống chung với “lô cốt” đến năm sau.
“Lố cốt” mọc rầm rộ nhất đối là với các công trình, dự án cải tạo hệ thống thoát nước, sửa chữa và nâng cấp cầu, đường. Con số “lô cốt” tại đây lên đến 40 trên tổng số 18 tuyến đường.
Thanh tra Sở GTVT đã lập 33 biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 300 triệu đồng, ngoài ra cũng kiểm tra nhắc nhở 22 trường hợp thi công vi phạm nhưng chưa tới mức xử phạt.
Theo đánh giá của Sở GTVT, nhiều nhà thầu, đơn vị thi công vẫn thường xuyên vi phạm các lỗi: không có giấy phép thi công, không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong, để vật liệu, đất đá, phương tiện ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, không bố trí đủ rào chắn, biển báo theo quy định, không thực hiện theo phương án thi công gây sạt lở, bơm nước trực tiếp ra đường.