"Người ta vu oan cho nó, nói nó sống phóng túng, buông thả không đúng giáo lý nhà Phật, không xứng đáng với tư cách một nhà sư. Tui cũng không biết sao nữa nhưng mỗi lần nó về, tui nhớ, tui nắm tay nó nhưng nó không chịu. Nó nói ngoại ơi con là người xuất gia, ngoại hỏi thăm con thì được, đừng nắm tay con”, bà ngoại cư sĩ Pháp Định (thế danh là Phan Văn Triển) - người vừa hoàn tục sau vụ bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khóa môi, nghẹn ngào.
Bà Bảy Nên (tên đầy đủ là Phạm Thị Nên, 78 tuổi, ngụ xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) nghẹn giọng khi chúng tôi tới hỏi thăm chuyện của cháu bà: “Trời ơi, nó có ở phải ở tù không cậu, tui nghe ngoài chợ người ta nói cháu tui phải ở tù 5 năm, có đúng vậy không cậu?”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà chật chội, ẩm thấp, bà Bảy Nên không kìm được sự xúc động và lo lắng cho đứa cháu ngoại mà mình nhận dưỡng dục ngay từ khi mới lọt lòng mẹ.
Sau khi chúng tôi động viên, an ủi bà đừng lo lắng, rằng hành động của cháu bà dù chưa rõ lỗi do ai nhưng chắc chắn không vi phạm pháp luật để rồi phải chịu tù tội, bà mới yên tâm kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho chúng tôi nghe.
Bà ngoại Pháp Định mếu máo nghe tin dữ về cháu
Chậm rãi, bà kể về những ngày đầu tiên khi cha, mẹ Triển lần lượt ra đi và bỏ lại đứa con trai côi cút. Bà nhận mình vừa là ngoại, vừa là mẹ của Triển, vì phải nuôi cháu từ lúc mới lọt lòng mẹ.
Bà Nên kể, Triển bị cha bỏ rơi từ trong bụng mẹ. Khi vừa sinh con được 2 tháng, mẹ Triển cũng bỏ con lại cho bà ngoại và lên TP.HCM đi ở thuê. Biền biệt nhiều năm không tin tức gì nên bà cũng gần như quên luôn cả đứa con này. Từ khi sinh ra Triển đã gầy gò, cao lêu khêu và yếu ớt như con gái.
“Ngày xưa nó đi học ai đánh cũng được, không kể trai hay gái. Nó vừa yếu ớt, vừa nhỏ con nên bị ăn hiếp hoài. Bởi vậy mà tui thương nó lắm, dù không phải là con nhưng nhiều lúc nghĩ thấy còn thương nó hơn con” - bà Nên nói mà nước mắt chảy ròng ròng.
Đưa tay quệt nước mắt trên gương mặt nhăn nheo, bà kể tiếp: “Từ năm lên ba, mỗi lần đút cơm có cá, thịt là Triển không ăn. Thương cháu ốm yếu, tui cố ép thì cháu vẫn nhai nuốt nhưng nước mắt nó cứ ứa ra rồi nôn mật vàng mật xanh. Triển chỉ thích cơm không hoặc cháo trắng. Lên 4 tuổi thì Triển ăn chay hẳn.
Dù nhà nghèo khó nhưng Triển học rất khá, chỉ tiếc là do không đủ điều kiện nên học tới lớp 9 là phải cho nghỉ. Cũng năm đó, nó xin vào chùa Gia Hưng tu nhưng do duyên chưa tới nên làm Phật tử được chừng 3 tháng thì lại đi làm thuê kiếm sống. Rồi sau lưu lạc lên Đồng Nai và đi tu trên đó”.
Pháp Định trả tam y tỳ kheo và bình bát lại cho nhà chùa
Bần thần một hồi, bà cụ đã ở tuổi gần đất xa trời cố gắng nhớ lại: “Hồi má nó mới bỏ nó lại, tui còn có 5 công ruộng, nhưng sau đó bị lấy mất. Hai bà cháu sống nương tựa vào nhau, ban đầu tui mua bán gạo. Gần đây già yếu, gánh không nổi thì chuyển quá bán rau củ, bầu bí… Tui gần 80 tuổi, bệnh tật triền miên mà có mình nó lo, lâu lâu nó về mua đường, mua gạo, mua thuốc chăm sóc bà ngoại. Giờ nó bị vậy rồi không biết tui sống ra sao nữa!”.
Bà Nên nói, nghe tin cháu ruột bị đuổi khỏi chùa cứ như sét đánh ngang tai. “Giờ chỉ mong sao cháu tui được tiếp tục tu hành. Không hiểu sao người ta đang đi tu mà còn cố ôm cổ người ta” – bà cụ bức xúc về tấm hình đã trở nên quá nổi tiếng giữa Mr Đàm và Pháp Định. “Giờ tui chỉ mong mỏi được đi thăm cháu, lo lắng cho nó nhưng không biết làm sao.
Được thấy mặt nó thôi là tui mãn nguyện lắm rồi. Tui mong khi nhà báo đưa hình tui lên, nó thấy tui thì trở về nhà. Người ta vu oan cho nó, nói nó sống phóng túng, buông thả không đúng giáo lý nhà Phật, không xứng đáng với tư cách một nhà sư. Tui cũng không biết sao nữa nhưng mỗi lần nó về, tui nhớ, tui nắm tay nó nhưng nó không chịu. Nó nói ngoại ơi con là người xuất gia, ngoại hỏi thăm con thì được, đừng nắm tay con”.
Theo lời kể của Pháp Định với PV, từ nhỏ Pháp Định chỉ biết có bà ngoại, không biết cha ở đâu, mẹ ở đâu. Tuổi thơ khốn khó, hai bà cháu bìu díu vào nhau mà sống.
Năm 15 tuổi, cậu bé Phan Văn Triển xuất gia tại chùa Gia Hưng (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) với pháp danh là Thích Pháp Định. Bổn sư sơ tâm là Hòa thượng Thích Huệ Thành, Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bến Tre.
Sau đó, Pháp Định xin về Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tu học cùng tăng chúng cách đây vài năm. Lâu lâu, Pháp Định lại về quê thăm ngoại một lần.
Đi tu ít lâu, Pháp Định tìm lại được mẹ. "Khi ấy mẹ có chồng ở TP.HCM. Năm đó tôi khoảng mười mấy tuổi gì đó, không còn nhớ nữa", Pháp Định cho biết.
Cuộc sống của người mẹ không lấy gì làm khá giả, vậy là Pháp Định vừa đi tu vừa lo lắng cho mẹ và bà ngoại ở dưới quê. Hàng tháng, Pháp Định còn phát gạo cho mấy sư cô trong chùa, giúp đỡ các sư cô lúc ốm đau, bệnh tật.
"Từ lúc đi tu đến giờ, tôi chưa được gia đình giúp chút nào, toàn giúp bà, giúp mẹ thôi", Pháp Định kể.