Phó Chủ tịch UB ATGTQG: Đường tốt tai nạn sẽ nhiều hơn!

Thứ ba, 18/12/2012, 11:13
Theo Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau khi thu Quỹ bảo trì đường bộ, đường tốt lên thì tai nạn sẽ tăng.

Ngày 1/1/2013, ngày Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ chính thức có hiệu lực, các phương tiện sẽ bắt đầu phải nộp phí, ô tô nộp thông qua đăng kiểm, còn xe máy nộp tại các phường, xã.

Để giúp độc giả hiểu hơn về Quỹ bảo trì đường bộ, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Ủy ban ATGTQG).

Thực tế: Đường tốt tai nạn tăng

- Thưa ông, tai nạn giao thông xảy ra có bao nhiêu phần là do chất lượng đường kém gây ra? 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện nay, thống kê của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tai nạn giao thông ở nước ta chiếm 85% là do ý thức người điều khiển phương tiện, 10% là do cơ sở hạ tầng, 5% là các nguyên nhân khác.

Trong 10% do cơ sở hạ tầng, có một số điểm đen tại nạn là các đoạn đường xuống cấp, nhiều “ổ gà, ổ voi” nhưng chưa cắm biển cảnh báo, gây nguy hiểm cho phương tiện.

Có một thực tế, các đoạn đường đang sử chữa, tai nạn giao thông rất ít, vì đang sửa chữa, phương tiện lưu thông chậm, nên ít xảy ra tai nạn, nếu có cũng thường chỉ là va quệt nhẹ.

- Theo ông, đường tốt tai nạn có giảm không?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế, đường tốt tai nạn chưa chắc đã giảm, mà lại tăng.

Như Quốc lộ 6 (Hà Nội - Sơn La), khi tuyến này hoàn thành năm 2011 tai nạn trên tuyến tăng 40% so với trước khi đường chưa nâng cấp, do đường quá tốt, người dân chưa hiểu luật, phóng nhanh, vượt ẩu… tai nạn nhiều.

Quỹ bảo trì đường bộ chủ yếu là để hạ tầng tốt lên. Còn để đảm bảo an toàn giao thông chỉ là một phần rất nhỏ.

- Đường tốt, tai nạn tăng, thì Ủy ban ATGTQG sẽ vất vả hơn?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Đường tốt lên chắc chắn 10% tai nạn do đường xấu sẽ không diễn ra nữa, vậy là đã giảm được 10% rồi.

Ba năm tới không còn đường xấu?

- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có nói rằng “đường xấu phải thu phí nhiều để đường đẹp hơn”, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Không hẳn đường xấu phải thu phí cao. Hiểu đúng vấn đề là đường xấu không phải do mình không đầu tư, mà không đủ tiền để bảo dưỡng, duy tu nó tốt như đường ban đầu. Tiền nhà nước đầu tư cho bảo trì không có, nên ban đầu thì tốt, nhưng sau vài năm là xuống cấp.

Người dân nộp tiền vào hy vọng không còn đường xấu nữa. Cái đấy rất quan trọng. Tôi có niềm tin rằng chỉ trong vài ba năm tới, nếu toàn bộ người dân ủng hộ nộp Quỹ bảo trì, thì chắc chắn không còn đường xấu nữa.

- Nếu sau này sửa chữa đường bằng Quỹ bảo trì, mà gặp phải trường hợp như mặt cầu Thăng Long - sửa mãi vẫn hỏng, Quỹ bảo trì sẽ mất tiền, hay nhà thầu phải chịu, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Các tuyến đường đang trong giai đoạn bảo hành thì nhà thầu phải chịu chi phí sửa chữa, Quỹ bảo trì không chi cho trường hợp đó.

Mặt cầu Thăng Long là một câu chuyện, nhà đầu tư phải bỏ ra. Quỹ bảo trì tập trung chủ yếu cho việc bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường hiện có, không nằm trong phạm trù bảo hành của nhà thầu thi công. Sau giai đoạn bảo hành Quỹ bảo trì mới chi.

Sửa chữa cũng có bảo hành của sửa chữa, trong thời gian này nhà thầu phải chịu chi phí hoàn toàn.

Thu phí đường bộ
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, có thực tế tại Việt Nam, đường càng tốt tai nạng càng tăng. Trong ảnh là một vụ tai nạn trên cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Ảnh ANTĐ.

- Ông có sợ rằng tai nạn giảm, Ủy ban ATGTQG không còn, ông sẽ phải thất nghiệp?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tôi rất muốn thất nghiệp, muốn không còn Ủy ban ATGTQG nữa. Lúc đó, các vấn đề về giao thông như trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông, ý thức tham gia giao thông đã tốt hơn.

Tôi muốn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp của nhà nước. Giá như được thế!

'Nhà nước đã chọn cái khó về mình'

- Từ 1/1/2013, Nghị định 18 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực, Ủy ban ATGTQG có chương trình gì phối hợp tuyên truyền để người dân biết và thực hiện?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thời gian gần đây báo chí đưa tin cũng nhiều, cũng đa chiều, nhưng chủ yếu vẫn là chiều từ các doanh nghiệp vận tải và hiệp hội vận tải, người dân chủ yếu mới là phản đối.

Nếu được, tôi rất muốn phương tiện thông tin đại chúng phân tích vì sao cách đây 5-6 năm chúng ta đã thu phí bảo trì qua xăng dầu, nhưng sau đấy phải dừng cách thức thu đó, giờ chúng ta phải thu qua đầu phương tiện.

Vì thực tế phương tiện dùng xăng dầu để lưu hành trên đường chỉ chiếm khoảng 60%, số còn lại dùng xăng dầu không vào mục đích giao thông, như tàu thuyền, máy phát điện, máy nông nghiệp…

Trước ta phải dừng thu qua xăng dầu vì việc hoàn phí cho những đối tượng dùng xăng dầu không vào mục đích giao thông rất khó và không xác định được.

Thu phí đường bộ
Thu phí bảo trì đường bộ để hy vọng đường sẽ tốt lên.

Thu qua đầu phương tiện, đương nhiên sẽ có một số phương tiện không đảm bảo tính hợp lý, như một số phương tiện cả năm chỉ tham gia giao thông một vài lần, cũng không công bằng cho họ.

Tuy nhiên, trong chính sách nhà nước đưa phải làm sao bộ phận có lợi nhiều hơn, vì đa số.

Nếu giờ thu qua xăng dầu, có thể nói Bộ Tài chính và Bộ GTVT sẽ được lợi nhất, vì thu đơn giản và thu được nhiều. Còn thu qua đầu phương tiện sẽ khó khăn hơn.

Rõ ràng cơ quan quản lý nhà nước đã chấp nhận phương án khó khăn hơn cho mình, là thu qua đầu phương tiện.

Có thực tế là các nước trên thế giới mua ô tô rất rẻ, nhưng để lưu hành được thì rất đắt, đắt hơn mua xe rất nhiều. Việt Nam thì khác, mua xe thì rất đắt, nhưng lưu hành lại rất rẻ, hiện nay ô tô chịu 9 loại thuế, nhưng cộng lại rất rẻ so với tiền mua xe.

Các Bộ GTVT, Tài chính cần có một giải pháp để tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu, và chấp hành. Song song với đó là phải gắn hai vấn đề.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, là tất cả các trạm thu phí nộp ngân sách đều phải bỏ, trừ các trạm BOT.

Thứ hai, khi có Quỹ bảo trì công tác bảo trì đường bộ phải hiệu quả hơn, cái này các Bộ phải nghiên cứu và tính toán cho hợp lý.

- Xin cảm ơn ông!

 

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn