Một cô bé đang cầu nguyện cho những người bạn xấu số trong vụ thảm sát tại trường tiểu học ở bang Connecticut hôm 14/12. Ảnh: AFP |
"Tôi không nghĩ còn một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải chịu đựng những vấn đề giống như chúng ta", Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg nói sau khi những tin tức về vụ thảm sát tại một rạp chiếu phim ở bang Colorado hồi tháng 7 được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vết thương cũ chưa lành thì một lần nữa, người dân Mỹ lại phải hứng chịu một cú sốc lớn khi hôm 14/12, Adam Lanza, một thanh niên 20 tuổi, đã xả súng giết chết 27 người, trong đó có 20 trẻ em, tại một trường tiểu học ở bang Connecticut. Trước đó, hai dân thường đã tử nạn trong một vụ xả súng tại Oregon hôm 12/12.
Ước tính với khoảng 270 triệu khẩu súng đang được sở hữu trong dân, Mỹ đã trở thành quốc gia có tỷ lệ vũ khí trên đầu người cao nhất thế giới. Đứng thứ hai là Yemen, một đất nước của các bộ lạc và những vụ tranh chấp nội bộ.
Từ thủ đô Washington tới những cửa hàng tạp hóa mang biển hiệu Walmart trên khắp nước Mỹ, súng đạn, cũng giống như bánh mỳ, sữa tươi hay quần áo, là mặt hàng tiêu dùng phổ biến cho giới thợ săn, các nhà sưu tập và những người muốn đảm bảo cho sự an toàn của chính họ. Và tất nhiên, nó cũng có mặt trong những ngăn kéo tủ hay dưới gậm giường của hàng nghìn kẻ sát nhân.
Theo thống kê của nhóm những nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí có trụ sở tại Washington, những khẩu súng này đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương mỗi năm. Năm 2010, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong do trúng đạn.
Ký ức về một miền tây hoang dã hồi những năm 1800, vụ ám sát cựu tổng thống John F. Kennedy và nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King nửa thế kỷ trước hay các vụ thảm sát Columbine hồi năm 1999 và Virginia Tech hồi năm 2007, luôn đi liền với hình ảnh của những khẩu súng.
"Đó là sự thật không thể chối cãi", Clayton Cramer, tác giả của cuốn sách "Armed America: the Remarkable Story of How and Why Guns Became as American as Apple Pie" (tạm dịch: "Nước Mỹ vũ trang: Câu chuyện đáng nhớ về việc vì sao và bằng cách nào mà những khẩu súng đã trở thành chiếc bánh táo của người Mỹ"), viết. "Súng là phần cốt lõi trong lịch sử, trong những huyền thoại và trong nỗi kinh hoàng của nước Mỹ."
Những khẩu súng thậm chí đã xuất hiện tại nước Mỹ trước khi quốc gia này được khai sinh. Người da trắng tại một số khu vực của nước này từng được luật pháp cho phép sở hữu và đem theo vũ khí như một phần của chính sách an ninh.
Sau khi nước Mỹ ra đời, các công dân của nó lại tiếp tục được sử dụng vũ khí, không chỉ vì mục đích chống lại các thổ dân da đỏ bản địa, mà còn để chiến đấu với chính đức vua ở mẫu quốc.
Những khẩu súng còn được ưu ái xuất hiện trong bản Tuyên ngôn về Nhân quyền, với nội dung: "Vì một đội dân quân được tổ chức nghiêm chỉnh là điều rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, nên quyền lợi của dân chúng phải được đảm bảo và việc sử dụng vũ khí sẽ không bị phương hại".
Hơn hai thế kỷ trôi qua, luật kiểm soát súng dường như vẫn bị bỏ ngỏ và chìm dần vào quên lãng, cho tới khi Tòa án Tối cao đưa ra quyết định cần phải siết chặt hiến pháp để làm giảm quyền lực của chính quyền các bang và địa phương nhằm hạn chế quyền sở hữu súng vào các năm 2008 và 2010.
Hiện tại, khoảng một nửa trong số 50 bang của Mỹ đã thông qua luật cho phép những người sử dụng súng đem theo vũ khí tới hầu hết các địa điểm công cộng một cách công khai. Thậm chí, nhiều bang còn đồng ý để công dân của họ giết người nếu bị đẩy đến tình thế nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng thực tế, nhiều vụ nổ súng vẫn xảy ra trong khi nạn nhân của nó hoàn toàn có thể được giải thoát một cách an toàn.
Luật pháp được lập ra để phục vụ chính sách, và chính sách thì được đề xuất bởi những tổ chức như Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). Từng là một tổ chức không mấy nổi bật của các thợ săn và những người đam mê súng trường, NRA hiện đã trở thành một trong những tổ chức chính trị quyền lực nhất của nước Mỹ. Theo tiết lộ của tờ Washington Post, NRA từng thành công trong việc giúp các ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hồi năm 2010.
Bên cạnh sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở nghị viện, NRA còn đủ sức ngăn chặn việc ban hành luật kiểm soát súng ở các tòa án.
NRA và những tổ chức ủng hộ việc vũ trang khác đã liên minh với Đảng Cộng hòa, cũng như một bộ phận người dân Mỹ luôn nghi ngờ sức mạnh của chính phủ đương nhiệm, để bày tỏ sự chống đối công khai đối với Washington.
"Khi họ nói rằng một lệnh cấm sở hữu vũ khí sẽ khiến người dân an toàn hơn, thì đừng vội tin vào điều đó, dù chỉ là một giây, vì đó là một sự dối trá, giống như mọi lời nói dối họ từng nói với bạn trước đây", Wayne LaPierre, CEO của NRA, nói trong một cuộc họp với các thành viên của hiệp hội vào năm 2011, sau vụ việc một tay súng đã giết chết 6 người và làm bị thương 13 người khác, trong đó có nữ nghị sĩ Gabrielle Giffords.
"Luật của họ không có tác dụng", ông cho hay.
Kết quả thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ không đồng ý với những nhận định trên. Theo khảo sát của CNN và Gallup, phần đông người Mỹ đang mắc kẹt giữa việc chấp nhận luật kiểm soát súng lỏng lẻo hiện tại và thắt chặt chúng nhiều hơn nữa. Những người ủng hộ việc sử dụng vũ khí tự do chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.
Dù vậy, thì dường như vụ xả súng đã khiến nữ nghị sĩ Giffords mất mạng vẫn không thể khiến những đồng nghiệp của bà ở chính quyền liên bang thiết lập thêm một biện pháp kiểm soát súng.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang chứa đựng những tay súng giết người. Nhưng khi nhắc tới những hành vi bạo lực liên quan tới súng đạn trong dân chúng, thì người ta lập tức nghĩ tới Mỹ. Đất nước này có một lịch sử và nền văn hóa ngắn liền với những khẩu súng.
Theo Vnexpress