Người Hà Nội đang tự làm khổ nhau

Thứ ba, 18/12/2012, 14:00
Nhắc đến văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay nói chung, không ít người đã bày tỏ sự thất vọng xen lẫn với tiếc nuối... Sự thất vọng ấy không bắt đầu từ những điều to tát, cao xa mà đôi khi chỉ là những câu chuyện xảy ra thường ngày. 

Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, ngày xưa, những hành vi, những cách ứng xử văn minh, thanh lịch vốn là chuyện thường ở Hà Nội thì nay đã bị mai một đi nhiều, thay vào đó là rất nhiều những hành vi thiếu văn minh và vắng bóng những lời cám ơn, xin lỗi...

Chỉ lấy một ví dụ rất nhỏ như, sống cùng nhau trong một khu tập thể nhưng nhiều gia đình không bao giờ biết cầm đến cái chổi để quét cầu thang. 

Nhiều người tự hào là người Hà Nội, họ thường xuyên nhắc nhở những người nhập cư khác phải sống sao cho đúng là người Hà Nội nhưng lại quên chuyện mình đang nói nhầm lẫn giữa L và N.

Khi tham gia giao thông, ai cũng cố bằng mọi cách len lên phía trước chỉ để đoạt lấy một mẩu đường bằng nửa cái bánh xe. Họ lấn cả sang đường bên trái để tìm chỗ cho riêng mình, rồi lại tự làm khổ nhau vì đường tắc. 

Nhiều phụ huynh đi đón con thì chỉ chăm chăm coi con mình là mục tiêu duy nhất. Họ không ngại phóng xe vèo vèo, đỗ ô tô chềnh ềnh trước cổng trường, rồi chen lấn, mặc cho những đứa trẻ vai lễ mễ ba lô, mặt mày nhớn nhác len lỏi giữa rừng xe máy, ô tô phun khói mù mịt.  

Van hoa

...ai cũng cố bằng mọi cách len lên phía trước chỉ để đoạt lấy một mẩu đường bằng nửa cái bánh xe.

Đón được con xong, người ta lại chen lấn, và sẵn sàng trợn mắt, văng tục, đôi khi sẵn sàng giơ nắm đấm nếu chẳng may có chiếc xe máy nào chắn lối hoặc va quệt vào họ. 

Vội vàng là thế, hối hả là thế nhưng mỗi khi trên đường xảy ra một sự cố giao thông hay một việc gì đó là lại có không ít người không tiếc thời gian tụ bạ để ngó nghiêng, bàn tán với vẻ tò mò thích thú mặc cho người bị nạn nằm còng queo dưới đất. 

Đấy là đối với người còn sống, còn với người đã khuất thì khỏi phải nói, ngày xưa, theo lời kể của nhà phê bình Nguyễn Hòa, khi một chiếc xe tang chầm chậm đi qua, thì bao giờ những người đi bên đường cũng xuống xe ngả mũ rồi thành kính cúi đầu. Đó là bày tỏ sự thành kính đối với những người đã khuất. 

Ngày nay, vì điều kiện đường sá, xe cộ đông đúc, nhịp sống cũng hối hả hơn, nên khó mà có chuyện người ta có thể xuống xe để cúi chào một người đã khuất. Nhưng, đi ngang qua xe tang mà người ta vẫn vô tư bóp còi inh ỏi, hoặc cố vượt lên trước bằng mọi giá thì quả thật là xót xa. 

Thế cho nên, theo nhà phê bình Nguyễn Hòa, trong bối cảnh văn hóa Hà Nội đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng là hết sức cần thiết và không thể chậm trễ.

Nhưng ai cũng biết, để có được chuẩn mực trong văn hóa ứng xử thì phải có một quá trình đào luyện lâu dài. Trong đó, việc học hỏi tấm gương của người đi trước là thiết thực, và thường xuyên nhất. 

“Khó có thể dạy một cháu bé rồi đây ra đường sẽ dừng lại trước đèn đỏ nếu hàng ngày cháu vẫn ngồi sau xe máy của cha mẹ vô tư vượt đèn đỏ. Khó có thể dạy một cháu bé lớn lên có thể nói lời trang nhã nếu hàng ngày ngay trong gia đình của mình, cháu vẫn nghe cha mẹ văng tục, chửi bậy; khó có thể dạy một cháu bé rồi đây sẽ sống lành mạnh nếu hàng ngày cháu được chứng kiến có người thậm thụt tới nhà đưa cha mẹ cháu chiếc phong bì, rồi gãi đầu gãi tai: “anh chị giúp em”.

Càng khó có thể giúp các cháu bé giải quyết nghịch lý giữa điều thầy cô dạy ở lớp học rằng, phải giữ gìn môi trường, trong khi chỉ ra khỏi cổng trường là các cháu bắt gặp vô số người lớn xả rác bừa bãi, thuận tay là ném, không cần biết vệ sinh môi trường là gì?” - nhà phê bình Nguyễn Hòa nói.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn