Đào tạo 300 thạc sỹ, tiến sỹ ngành Y, Dược

Thứ ba, 18/12/2012, 14:00
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa quyết định ban hành quy chế đào tạo 300 thạc sỹ, tiến sĩ ngành y, dược giai đoạn 2011 đến năm 2015.

đào tạo

Ảnh minh họa 

Chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ ngành Y, Dược thành phố giai đoạn 2011 - 2015 nhằm tuyển chọn đào tạo đội ngũ công chức, viên chức y tế có trình độ chuyên môn sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về trình độ, tiêu chuẩn chức danh đảm nhiệm, góp phần nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Sở Y tế TP sẽ chọn, cử, bố trí sinh viên và công chức, viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của Thành phố và tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình và đã hoàn thành khóa học chuyên môn nhằm phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đơn vị và của thành phố. 

Chương trình chủ yếu đào tạo theo phương thức đào tạo toàn phần trong nước cho trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành Y, Dược thành phố giai đoạn 2011 - 2015.

Đối tượng đào tạo của chương trình phải tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối tượng xét tuyển bao gồm công chức, viên chức y tế đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về y tế, đơn vị sự nghiệp y tế công lập của thành phố và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Ngoài ra, cũng có sinh viên mới tốt nghiệp cao học và đại học hệ chính quy loại khá trở lên, nhưng phải cam kết thực hiện đúng các quy định về học tập và làm việc trong và sau khi kết thúc đào tạo.

Theo đó, đối tượng là công chức, viên chức: phải có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên, trong đó ít nhất 2 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cơ quan, đơn vị nơi đang công tác có công văn cử đi đào tạo (theo quy hoạch, kế hoạch đào tạo của cơ quan, đơn vị).

Đối tượng là sinh viên mới tốt nghiệp đại học và cao học phải đạt từ loại khá trở lên, có người bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ của đối tượng đào tạo trong trường hợp đối tượng đào tạo không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không trở về phục vụ đúng theo cam kết.

Người được cử đi đào tạo phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo, chấp hành quyết định phân công, bố trí công tác của Sở Y tế và thời gian làm việc sau đào tạo. Thời gian cam kết phục vụ ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo.

Cam kết phải được cơ quan cử đi học xác nhận; nếu là sinh viên mới tốt nghiệp cao học và đại học hệ chính quy phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, đồng thời phải có người bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ của người được cử đi đào tạo được quy định tại Khoản b Điều 9 của Quy chế này.

Người bảo lãnh phải là cha ruột hoặc mẹ ruột với người được cử đi đào tạo, trừ các trường hợp đặc biệt do Hội đồng xét tuyển quyết định.

Đặc biệt, người được cử đi học phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, đủ sức khỏe, tuổi không quá 45 đối với nam và 40 đối với nữ tại thời điểm được cử đi đào tạo.

Người trúng tuyển được cấp kinh phí học tập bao gồm học phí, kinh phí làm luận văn, luận án tốt nghiệp. Mức kinh phí áp dụng theo quy định về đào tạo trong nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

 

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích