Ảnh minh họa: Vũ Toản |
Tại kỳ họp HĐND cuối năm vừa qua, hình như đang xuất hiện “trào lưu” có tên là “xin lỗi nhân dân”. Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng đã đến lúc hướng tới việc “đoạn tuyệt với những lời xin lỗi” bởi vì không thể xin lỗi là xong…
Nhìn lại lịch sử những lời xin lỗi của giới công quyền với nhân dân thấy khá thăng trầm. Một thời gian khá dài, người ta thấy rất thưa vắng những lời xin lỗi nhân dân của cán bộ các cấp.
Rồi cách đây ít lâu, đã thấy xuất hiện lẻ tẻ những lời xin lỗi nhân dân về những khuyết điểm, yếu kém của các vị lãnh đạo các bộ, ngành. Khi đó, những lồi xin lỗi được ghi nhận, thậm chí đánh giá rất cao. Tuy nhiên gần đây, việc xin lỗi đã trở nên quen thuộc đến… cần phải đoạn tuyệt.
Nhận ra lỗi lầm là tốt, biết xin lỗi càng tốt và biết sửa lỗi càng tốt hơn nhưng quan trọng nhất vẫn là đừng mắc lỗi để khỏi phải xin lỗi. Bởi có những lỗi có thể “xin lỗi” và “tha lỗi” nhưng có những lỗi lầm thì không và không thể vì thiệt hai quá to lớn.
Việc xin lỗi cũng thế. Đành rằng việc xin lỗi gần đây có hiệu ứng từ công tác phê và tự phê nhưng nếu cứ “xin lỗi” rồi lại “xin lỗi” thì quả thật là rất khó mà chấp nhận.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày 19/12 vừa qua, ĐB Dương Trung Quốc đã đề cập đến một hiện tượng mà ông cho là “thôi, nhận trách nhiệm cho nó… xong đi”: “Trước đây, việc nhận trách nhiệm và xin lỗi là khá nặng nề, nhưng khi người ta thấy nhận trách nhiệm và xin lỗi mà không ai bị làm sao cả nên có người động viên nhau hoặc tự động viên mình là: Thôi, nhận trách nhiệm cho nó xong đi”.
Đặc biệt, là tình trạng: “Lời xin lỗi cũng có thể bị lạm dụng để che đậy sai phạm, xin lỗi nhiều quá thì thành mị dân, lợi dụng lòng thương của người khác”.
Nếu điều này xảy ra thì đây đúng là một màn kịch… bi hài.
Để khắc phục tình trạng “xin lỗi suông”, ông Quốc đề ra mấy giải pháp như trước hết, cử tri, nhân dân đòi hỏi Quốc hội, HĐND không được dễ dãi với những lời xin lỗi.
Đối với các sai sót, sai phạm, sai lầm thì cần căn cứ theo pháp luật, theo quy định của Nhà nước để xử lý hoặc là xét thấy bản thân không đủ năng lực thì có thể xin từ chức.
“Có thể tới đây, Quốc hội sửa hiến pháp thì cần quy định trong đó hình thức tuyên thệ hoặc tuyên hứa đối với những người được bầu giữ trọng trách của đất nước, giống như nhiều nước có quy định trong lễ nhậm chức thì người ta phải đặt tay lên hiến pháp hoặc tuyên thệ trước một hội đồng”, ông Quốc đề nghị.
Theo Dantri