Ngay tại sân bay Rovaniemi, khách du lịch có thể nhìn thấy tấm biển khổng lồ “Chào mừng quý khách đến sân bay Ông già Noel”, theo BBC.
Khu vực lấy hành lý xuống máy bay tràn ngập hình ảnh những món đồ chơi Giáng sinh như tuần lộc và ông già Noel được bày bán tại khắp các cửa hàng lưu niệm.
Tại Rovaniemi, mọi thứ đều được đặt tên “ông già Noel”, từ sân bay, nhà hàng cho đến khách sạn.
Người dân Phần Lan tin rằng một ngôi làng ở gần Rovaniemi, cách Bắc cực 2.600 km, là quê hương của ông già Noel “thật”, và nó cũng được đặt tên là "làng ông già Noel".
Mặc cho cho thời tiết giá lạnh xuống còn -20 độ C, nhiều người ở khắp thế giới cứ mỗi dịp Giáng sinh lại đến thăm làng ông già Noel.
Nhiều người phải xếp hàng rồng rắn trước trước hang động của ông già Noel tại làng để có cơ hội được trực tiếp gặp mặt ông.
“Ông già Noel là một người khổng lồ, ông mang giày to và ăn cháo vào buổi sáng”, bé Liby 5 tuổi từ Úc, thốt lên trong lúc xếp hàng chờ được gặp ông già Noel.
Mẹ của Lily, bà Tania cho biết: “Diện kiến ông già Noel là một giấc mơ cháy bỏng của tôi lúc bé. Tôi muốn tạo cơ hội cho đứa con gái bé bỏng của mình được gặp ông”.
Trong khi đó, một anh chàng 39 tuổi tên Esmond ở Hong Kong đến hang Ông già Noel để cầu hôn cô bạn gái Tiffany.
“Từ lâu tôi đã mơ ước được gặp ông già Noel. Tôi thật hạnh phúc khi Esmond cầu hôn tôi trước sự chứng giám của ông già Noel”, cô Tiffany vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Esmond mới trao.
Nhiều người vỗ tay chúc mừng khi chứng kiến Esmond quỳ gối cầu hôn Tiffany ngay trước hang động ông già Noel.
Màn cầu hôn của Esmond được một “người lùn” (người giúp việc cho ông già Noel) ghi hình lại với giá 50 euro (65 USD), và đôi uyên ương Esmond-Tiffany dự định sẽ cho con cái họ sau này xem video cầu hôn của cha mẹ chúng.
Làng Ông già Noel có một đội quân trên 500 “người lùn”, vừa giúp việc cho ông già Noel, vừa cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch.
Ngành công nghiệp du lịch “ông già Noel”
Hồi đầu thập niên 1900, thành phố Rovaniemi là một điểm dừng chân nổi tiếng của những người thợ đốn gỗ và các nhà buôn gỗ.
Đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai, binh sĩ Đức phá hoại hoàn toàn thị trấn này, đốt cháy rụi từng căn nhà một.
Sau này, kiến trúc người Phần Lan, ông Alvar Aalto đã thiết kế lại thành phố này với những con đường trong giống gạc của con tuần lộc, để tạo nét độc đáo của thành phố này.
Sau chuyến thăm Rovaniemi của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Eleanor Roosevelt, hồi năm 1950, các công ty du lịch mới nhận ra họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận, tạo công ăn việc làm tại đây.
|
Kể từ đó, “ông già Noel” trở thành ngành công nghiệp chủ lực thu nhiều lợi nhuận tại Rovaniemi.
Phòng tập thể dục ở Rovaniemi cũng có tên Ông già Noel, rồi công viên Ông già Noel, và đội bóng Ông già Noel, mặc đồng phục thi đấu đỏ trắng như trang phục của ông già Noel...
Bên trong bưu điện tại làng Ông già Noel, khách du lịch có thể viết bưu thiếp gửi về cho bạn bè, hoặc viết thư gửi cho ông già Noel, bày tỏ nguyện vọng của mình nhân dịp giáng sinh.
Các người lùn thì tất bật sắp xếp các lá thư gửi đến ông già Noel tại địa chỉ làng Ông già Noel.
Một người lùn có tên Heidi cho biết ông già Noel nhận 300.000 lá thư mỗi ngày vào thời điểm này trong năm. Nhưng Heidi dự kiến trong năm 2012 ông già Noel sẽ nhận được nửa triệu lá thư từ khoảng 200 quốc gia trên thế giới.
“Họ không chỉ viết danh sách quà tặng mong muốn ông già Noel mang đến dịp Giáng sinh, mà còn có những bức thư cảm ơn, bày tỏ tâm sự muốn chia sẻ với ông già Noel”, Heidi nói.
Khi khách du lịch đến gặp ông già Noel trong hang động của mình, ông liền nở nụ cười đặc biệt của mình “Ho, ho, ho!”, và hỏi “Trong năm nay con có ngoan không?”.
“Ngoài trẻ em, hầu hết những người thăm ta tại đây đều là người trưởng thành. Ta xin chúc mỗi người trên thế giới một mùa Giáng sinh an bình và hạnh phúc”, ông già Noel “thật” trả lời phỏng vấn phóng viên BBC.
Theo Thanhnien