Bà nào cũng nhận mình là truyền nhân đích thực của bài thuốc gia truyền này và thi nhau khích bác, hạ uy tín bà khác. Nhiều trận cãi nhau nảy lửa, inh ỏi của các bà xảy ra trong làng để giành khách, khẳng định “thương hiệu” của mình.
Để lôi kéo khách, nhiều bà còn tung ra “chiêu” phá giá lẫn nhau như: một tour trọn gói ăn, ở, trị bệnh, thuốc men trong vòng 1 tháng của bà này ra giá 6 triệu đồng thì bà bên cạnh quảng cáo còn có 5 triệu đồng, lại có “khuyến mãi” xe đưa về… Vậy là kéo qua nhà nhau chửi bới rầm rập.
Bà nào cũng tự giới thiệu là hành nghề do chính tổ tiên gia đình truyền lại rồi đưa ra cho khách hàng loạt giấy khen, giấy phép, thẻ hội viên, thư cảm ơn của những cặp vợ chồng lành bệnh. Nhưng nếu chú ý kỹ thì dù hàng chục lá thư với nhiều địa chỉ khác nhau nhưng chỉ một hai nét chữ viết tay.
Còn bằng, thẻ hội viên thì được cấp đâu từ những năm… 50, 60 của thế kỷ trước. Nhiều bà lang còn tự nhận có khả năng chữa trị được tất tần tật các bệnh vô sinh kể cả… nhiễm chất độc màu da cam, ung thư buồng trứng…
Theo số liệu Sở Y tế tỉnh Hà Nam, ở làng An Thái có 67 hộ chính thức hành nghề trị bệnh vô sinh và vài chục hộ hành nghề “âm thầm” không treo bảng hay chuyên đi trị “dạo”. Nhưng chỉ có 16 hộ là được cấp phép hành nghề của Sở y tế. Những bà lang thực sự có uy tín đếm trên đầu ngón tay…
Còn những người “mượn danh” bài thuốc gia truyền để trục lợi thì khá nhiều. Nhiều trường hợp thuốc thang, điều trị cả năm trời nhưng không có kết quả đành “ngậm ngùi” quay gót sau khi đã kịp “làm đầy” thêm túi tiền của các bà lang vườn.
Vô sinh là áp lực của nhiều gia đình trẻ. Ảnh minh họa. |
Đi dọc ngay các điểm trị bệnh vô sinh cuối làng, các thám tử tư gặp vợ chồng anh Đỗ Cao Châu ở Thuận An, Bình Dương đang đứng cãi nhau inh ỏi với bà lang H vì từ Nam ra Bắc ròng rả cả 6 tháng trời trị bệnh, tốn kém gần chục triệu nhưng “súng vẫn tịt ngòi”.
Trong khi đó chị vợ anh thì bị thêm chứng bệnh viêm loét cổ tử cung do bà lang H và các cô con gái đang học việc cứ dùng tay hùng hục nắn bóp tử cung của chị ngày ba lần để “điều trị’ trong căn phòng “mạch” cực kỳ dơ bẩn.
Không kịp để cho vợ chồng anh Châu nói hết lời, bà lang H cũng xỉa xói không kém: “Này bà nói cho vợ chồng chúng mày biết nhé… Phước chủ lộc thầy, bà đã chữa tận tình rồi nhưng phúc chúng mày kém quá thì biết sao được. Vả lại, có khi người ta phải chữa hai, ba năm trời, đằng này…’.
Cách đây nửa năm, lại có trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng ở Thanh Oai, Hà Tây đi đến đây nội trú được 3 tháng ở nhà bà lang T thì về có kết quả “khai hoa, nở nhụy” ra một cậu con trai đầu lòng. Lạ một điều, cậu con trai lại không giống bố mà giống… người dưng.
Người chồng nghi ngờ gặng hỏi mãi thì chị vợ mới đành thú nhận: Do bà T sắp xếp cho chị ở trọ ngay cạnh phòng một “quí ông” cũng đang đi trị “bệnh”. Vậy là lửa gần rơm, chẳng biết bà T chữa thế nào mà “súng” thông “ngòi” nhưng lại “bắn” lạc “đạn”. Kết quả là sau đó vợ chồng chị Hồng mỗi người, mỗi ngả. Còn người đàn ông kia sau khi đã “hết bệnh” chẳng biết tẩu tán phương nào.
Theo đề tài nghiên cứu “Chữa bệnh vô sinh bằng y học cổ truyền” do Hội Y học cổ truyền Hà Nam thực hiện thì mỗi năm các bà lang An Thái có thể chữa cho hơn 1.000 trường hợp vô sinh thành công, đạt tỷ lệ 60-70%. Tuy nhiên, bài thuốc của các bà lang An Thái chỉ có thể thành công với dạng vô sinh ở thể hậu thiên, tức là không do bẩm sinh chứ không phải “trị được từ A - Z" như nhiều bà tự quảng cáo.
Mặt khác, do bài thuốc được lưu truyền theo kinh nghiệm nên các bà lang vườn còn rất thiếu kiến thức khoa học nên không xử lý được khi có các “sự cố” xảy ra trong lúc điều trị. Do vậy, thỉnh thoảng ở An Thái lại xảy ra trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn, viêm loét phải chuyển về trung tâm y tế huyện, tỉnh để điều trị.
Theo Hội Đông y Hà Nam thì khả năng trị bệnh vô sinh theo phương pháp cổ truyền của làng An Thái là độc đáo, có nhiều thành công đáng ghi nhận, nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, số người có khả năng, tay nghề điều trị thật sự không nhiều và ngay cả họ cũng còn những hạn chế nhất định về kiến thức y khoa.
Theo Nguoiduatin