Phản ứng trước thông tin 'ma dược'?

Thứ năm, 27/12/2012, 07:34
Dư luận xã hội mấy ngày nay xôn xao về loại ma túy hay còn gọi là ma dược có tên là Scopolamine. Khởi nguồn của thông tin này là một cuốn phim tài liệu mới đây tiết lộ về loại thuốc mà bọn tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân.

Không ít người cho rằng, với những thông tin rõ ràng này, bộ phim đã “vẽ đường cho hươu chạy”, giúp kẻ xấu thực hiện những hành vi tệ hại của mình. Có người cho rằng, đó còn là thông điệp cảnh báo người dân đề phòng trước ẩn họa mới.

Dược liệu nguy hiểm

Scopolamine được bào chế từ cây Borrachero - một loại cây dại mọc phổ biến ở Colombia. Thứ dược liệu này “không màu, không mùi và không vị”, nhưng lại có khả năng tạo ra “những giấc mơ kỳ lạ” cho con người khi hít phải.

Nhiều phụ nữ ở Colombia trình báo với cơ quan cảnh sát địa phương rằng, họ bị bỏ “bùa”, bị điều khiển thực hiện những hành động trong trạng thái vô thức như đưa hết tiền bạc cho kẻ xấu, thậm chí bị hãm hiếp. Điều làm người ta khó tin nhất là phương pháp gây án của những nghi phạm hết sức xảo quyệt. Thậm chí, gia đình những người bị hại cũng không biết người thân của mình bị xâm hại.

Những người bị hại có độ tuổi từ 8 đến 60 tuổi, đặc biệt trong đó có cả người bị tâm thần và một phụ nữ có thai. Rất nhiều nữ nạn nhân không thể nhớ được mình có bị làm hại hay không, lừa tiền như thế nào, mất bao nhiêu tiền vì họ bị “bỏ bùa” và hoàn toàn không biết gì, không nhớ gì. Chỉ đến khi tỉnh dậy, thấy cơ thể đau đớn, quần áo rách nát, tiền của mất hết, họ mới biết chuyện không may đã xảy ra với mình.

thuoc me

 Hoa Borrachero mọc dại tại Bogota, Colombia

Cảnh sát Colombia vào cuộc điều tra, kết quả cho thấy đây không phải bùa mê thuốc lú, mà chính là tác hại của loại cây Borrachero có nguồn gốc từ chính nước mình. Cách thức “lừa” thường là hỏi thăm cách thức trao tặng tiền bạc cho các hội từ thiện. Cũng đã có hai người phụ nữ gốc Việt, trú tại San Jose (Mỹ) là nạn nhân của loại thuốc mê này. Họ bị mất tiền bạc, nữ trang nhưng không thể nhớ được tình huống, diễn biến.

Liên quan thế nào đến “thuật thôi miên” ở Việt Nam?

Thời gian gần đây, ở Việt Nam cũng xảy ra nhiều vụ việc mất tài sản trong trạng thái như bị thôi miên nên tự nguyện rút sạch ví, tháo nữ trang, đồng hồ, mở tủ, mở két trao tài sản cho kẻ xấu. Nhiều bị hại chỉ biết mình bị mất tài sản sau 3-5 tiếng, với cảm giác đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi nhưng không nhớ được nhiều chi tiết liên quan đến vụ việc.

Điều khiến dư luận trong nước lo ngại và liên hệ giữa các vụ “thôi miên” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thông tin về “ma dược” Scopolamine ở Colombia chính là nhận dạng các đối tượng gây án.

Dù các vụ việc rải rác tại nhiều tỉnh thành trong nước, nhưng tất cả bị hại đều có chung một điểm trong trình báo cơ quan Công an về nhận dạng đối tượng lừa đảo là “người nước ngoài”, “da đen”, “nói tiếng Việt bập bõm”…

Thủ đoạn của các đối tượng này là vờ hỏi đường, hỏi địa chỉ nhà hàng, quán ăn, mua hàng với tờ tiền mệnh giá lớn, vờ thăm hỏi và mách loại thuốc chữa bệnh hiệu quả, có đối tượng còn chào bán những mối hàng hóa giá rẻ... Sau đó là sử dụng chiêu thức khiến bị hại rơi vào trạng thái vô thức, nghe theo điều khiển của đối tượng.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trong nước chưa có kết luận về khả năng sử dụng “thuật thôi miên” hay loại “ma dược” nào đó trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên.

Hiện cũng chưa có kết luận chính thức nào về mối liên quan giữa các trường hợp gây án trên với loại thuốc có tên Scopolamine, còn được người dân Colombia gọi là “hơi thở của quỷ” có nguồn gốc từ cây Borrachero, loại cây dại mọc phổ biến ở Bogota, Colombia.

Tiến sĩ Stephen M.Pittel, nhà tâm lý học pháp y và cũng là người tiên phong nghiên cứu về văn hóa thuốc ở San Francisco có viết: “Các báo cáo hàng ngày cho thấy nhiều vụ cưỡng hiếp, trộm cắp, bắt cóc… ở Mỹ và Canada có liên quan đến thuốc Burundanga, một dạng khác của Scopolamine vốn được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua ở Colombia trong các nghi lễ bản địa.

Thông thường, những tên tội phạm bí mật bỏ thuốc vào nước hoặc vẩy bột thuốc vào mặt của nạn nhân. Nạn nhân đưa toàn bộ trang sức, tiền, chìa khóa xe, thậm chí còn rút cả tiền ngân hàng để đưa cho chúng”.

Đây chính là lý do tại sao những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo đối với du khách, cẩn thận với “những tên tội phạm sử dụng thuốc vô hiệu hóa tạm thời khách du lịch”. Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Canada cũng đưa ra lời khuyên cho du khách đến các vùng nông thôn Colombia: “Du khách phải cẩn thận, tránh đến các quán bar một mình, cẩn thận với nước uống và đồ ăn nơi đây”.

Ngay cả trên website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng có lời cảnh báo khách du lịch đến đây “cẩn thận với chất Scopolamine, thường được gọi là Burundanga khi chúng được hòa với sữa, nước, thuốc lá hay qua đường hô hấp”.

Với những cảnh báo của các nước trên, dù còn chưa có thông tin chính thức nào cho thấy loại ma dược Scopolamine đã lan tới Việt Nam, nhưng trước mắt mỗi người dân đều nên ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình.

Theo Petrotimes

Các tin cũ hơn