Cứ rượu xong là "lên cơn" chửi vợ
Hàng xóm cạnh nhà bà Lê Thị Dịu (Từ Liêm, Hà Nội) thi thoảng lại được một phen "bỏng" tai vì những lời chát chúa phát ra từ nhà của bà. "Tiên sư con khốn nạn, con mất dạy, không đánh mày ông không chịu được...". Tiếp sau những lời chửi là tiếng đấm đá huỳnh huỵch, nhưng tịnh không có tiếng than khóc cũng như cãi lại của bà.
Những buổi "tra tấn" thường diễn ra vào buổi chiều muộn, hoặc đêm khuya. Hôm sau, từ sáng sớm bà Dịu đã che nón, giấu gương mặt sưng húp, tím tái đi chợ bán rau, chiều về lại tất bật cơm nước phục vụ chồng, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Còn ông chồng lại ung dung khệnh khạng ra ngõ mua rượu rồi "thanh minh" đại thể rằng vợ láo nên phải dạy dỗ nếu không sẽ bị vợ trèo lên đầu lên cổ.
Nghe mọi người kể lại lời của chồng, bà Dịu cúi mặt buồn bã: "Tối ngày tôi đi chạy chợ, vất vả kiếm từng đồng nuôi chồng nuôi con, trong khi ông ấy chỉ ở nhà uống rượu, cứ rượu xong là lên cơn đánh chửi vợ, hỏi tôi láo ở chỗ nào? Nói ra thì tủi phận, nhưng mấy chục năm rồi, tôi chưa từng được nghe một lời tử tế nào từ miệng ông ấy, chứ nói gì tới yêu thương".
Bà kể, mối lương duyên của bà với chồng kể ra thì đặc biệt lắm. Chồng bà vốn là một đứa trẻ lang thang, được bố đẻ bà thương tình, đem về nuôi nấng, sau đó thì gả con gái cho. Khi bố đẻ bà còn sống, ông tỏ ra là một người con ngoan ngoãn, đối xử ôn hòa với các anh em trong gia đình.
Nhưng khi bố bà mất, ông trở thành con người khác hẳn, đặc biệt từ lúc vướng vào rượu. Dù nhà và đất ông đang ở là của bố bà để lại, nhưng ông thường xuyên chửi bà là đồ ăn bám, ở nhờ trên đất ông được "thừa kế" từ bố nuôi mình.
Bà Dịu vội bán cho xong chỗ rau còn về nấu cơm cho chồng. |
Bị đánh mãi cũng quen
Có lần, nhân lúc ông vui vẻ, tôi lựa lời hỏi ông về cảnh nhà, nhắc tới sự vất vả của bà Dịu, vừa nghe đến đó ông lập tức nổi khùng: "Nó là con mất dạy, nó chẳng có gì phải đi làm là đúng rồi. Đây là nhà của tôi, bố nuôi tôi để lại, tôi mà đuổi thì nó chỉ có nước ra đường". Tôi bảo ông, tôi thấy bà chịu thương chịu khó, lại hiền lành, sao ông cứ mắng bà là mất dạy, ông lừ mắt. Nhìn đôi mắt vằn đỏ của ông, tôi chẳng muốn nói gì thêm.
Hàng xóm láng giềng, ông Đạt đều "gây hấn" hết, hầu như chẳng giao thiệp với ai, nên mọi người cũng ngại can thiệp vào chuyện riêng gia đình ông bà. Chỉ khi nào, sau trận đòn của chồng, bà Dịu bỏ đi làm, anh em họ hàng biết "có chuyện" mới kéo đến nhà bà, có hôm đông chật sân. Bà kể sau những lời "chỉnh đốn" ông con rể cũng bớt đi ngang tàng phần nào. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, rồi đâu lại vào đấy.
Tôi hỏi bà, ở cùng một người chồng suốt ngày rượu chè, chửi vợ không tiếc lời, lại còn thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay như vậy, sao bà không thử "vùng lên" một lần, hoặc có một giải pháp nào đó giải thoát cho mình.
Bà cười buồn: "Có lẽ thời của tôi nó thế. Dù chồng có đối xử thế nào, tôi cũng nghĩ thôi thì cố chịu, miễn còn có chồng. Chứ giờ tuổi này còn lôi nhau ra tòa, rồi lằng nhằng đủ thứ, con cái... chẳng hay ho gì. Với lại nói cô đừng cười, bị đánh chửi mãi tôi cũng thấy quen. Ông ấy hom hem thế, vài tuổi nữa xem có đánh được nữa không".
Nói rồi, bà tất bật thu dọn hàng, bảo về nấu cơm kẻo ông ấy thấy về muộn lại chửi. Ông ấy ở nhà cả ngày, nhưng không làm gì. Ngày hai bữa cơm nhất định phải chờ vợ về phục vụ.
Theo Kienthuc