Tuyển vượt chỉ tiêu
Thông tin PV nắm được theo đơn tố cáo là phải chạy từ trên xuống dưới; nghĩa là muốn làm ở Bảo hiểm xã hội (BHXH) Quảng Bình phải chạy từ Hà Nội (ngụ ý BHXH VN).
Cũng theo nội dung tố cáo của người dân, trung tâm đường dây là một phó trưởng phòng tổ chức và mức chạy tiền từ 250-300 triệu đồng tùy theo bằng cấp cao thấp. Sau khi có đơn tố cáo, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc nhưng không xác minh được.
BHXH Quảng Bình, nơi có dư luận chạy việc hàng trăm triệu đồng |
Tuy kết quả cuối cùng là như trên, nhưng thực tế của vụ việc lại có rất nhiều mờ ám nên không thể không hoài nghi về đường dây chạy việc.
Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, năm 2011, BHXH Quảng Bình được BHXH VN giao bổ sung 26 biên chế viên chức. Việc tuyển dụng thực hiện theo 2 hình thức: xét tuyển (đặc cách) và thi tuyển. Ngày 6.7.2011, BHXH VN có quyết định về việc xét tuyển đặc cách 10 trường hợp.
Nhưng sau kỳ thi (từ 17.7-18.7.2011) tại TP.Vinh (Nghệ An), BHXH VN có quyết định công nhận kết quả trúng tuyển đối với 22 trường hợp. Ngang đó đã dư 6 chỉ tiêu nhưng ngày 12.10.2011, BHXH VN lại ra quyết định bổ sung kết quả xét tuyển đặc cách 1 trường hợp.
Đến ngày 22.11.2011, BHXH VN tiếp tục ra quyết định đặc cách thêm 1 trường hợp; và ngày 20.12.2011, BHXH VN ra quyết định công nhận kết quả trúng tuyển viên chức đợt 2 năm 2011 cho 7 thí sinh dự thi trước đó. Tổng số cả đặc cách và thi tuyển là 41 người.
Như vậy, BHXH VN công nhận kết quả trúng tuyển vào BHXH tỉnh Quảng Bình mà không căn cứ vào biên chế đã giao, mặc dù ở một số vị trí đã đủ chỉ tiêu, thậm chí vượt quá chỉ tiêu được giao và thông báo tuyển dụng.
Để giải quyết số “phát sinh” này, BHXH VN ra công văn hướng dẫn BHXH Quảng Bình với nội dung: “Số người được đặc cách sẽ không tính vào chỉ tiêu tuyển dụng đã giao cho các địa phương năm 2011”.
Như thế, việc tuyển tăng thêm 15 biên chế theo hướng dẫn của BHXH VN không căn cứ vào kế hoạch biên chế được duyệt, không tuân thủ quy định của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước.
Người đậu thành trượt
Ngoài ra, hướng dẫn của BHXH VN về thông báo tuyển viên chức đợt 2 năm 2011 cũng rất lạ. Cụ thể, ngày 18.10.2011, BHXH VN có công văn chỉ đạo BHXH tỉnh có trách nhiệm thông báo số lượng chỉ tiêu tuyển đợt 2, tiếp nhận đơn đăng ký xét tuyển của thí sinh và tổng hợp danh sách gửi về BHXH VN trước ngày 15.11.2011.
Ngày 24.10.2011, BHXH Quảng Bình nhận được công văn trên và ngày 26.10.2011 tiến hành thông báo trên website của BHXH tỉnh. Như vậy, thời gian thông báo tuyển dụng chưa đủ 30 ngày (thông báo ngày 26.10.2011, thời gian nhận đơn hết ngày 10.11.2011). Và chỉ thông báo trên website của BHXH tỉnh, không thông báo trên website của BHXH VN, báo viết, báo nói, báo hình ở địa phương và niêm yết công khai tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ.
Việc này đã vi phạm điều 9, Nghị định 116/2003/NĐ-CP và Thông tư 10/2004/TT-BNV quy định về thông báo tuyển dụng. Đặc biệt, từ việc thông báo không đúng quy định đó đã làm cho một số thí sinh không tiếp nhận được thông báo tuyển dụng để tham gia đăng ký.
Cơ quan chức năng đã xác minh một số trường hợp thì họ khẳng định không thấy có thông báo xét tuyển đợt 2 mặc dù họ rất mong muốn, chờ đợi. Điều oái oăm là số người này có điểm thi cao, nếu đăng ký sẽ trúng tuyển; ngược lại một số người được công nhận trúng tuyển sẽ bị trượt vì điểm thấp hơn.
Ví dụ như: thí sinh Phan Thị N. được 276,5 điểm, nếu đăng ký sẽ trúng tuyển, còn Nguyễn Thị H.N 273 điểm - người trúng tuyển ở BHXH H.Lệ Thủy sẽ bị trượt; Phạm X.T.D 262,5 điểm, nếu đăng ký sẽ trúng tuyển và Hà T.T 262 điểm - người trúng tuyển BHXH TP.Đồng Hới sẽ bị trượt; Trương Thị T.L 284,75 điểm, nếu đăng ký sẽ trúng tuyển và Hoàng Thị M.H 275 điểm - trúng tuyển BHXH H.Quảng Trạch sẽ bị trượt…
Điều khó hiểu, khi nhận được công văn hướng dẫn các trường hợp đặc cách sẽ không được tính vào chỉ tiêu tuyển dụng đã giao cho các địa phương năm 2011 cũng như khi nhận công văn hướng dẫn tuyển đợt 2 của BHXH VN không đúng các quy định hiện hành nhưng BHXH Quảng Bình vẫn âm thầm thực hiện.
BHXH Quảng Bình cũng bố trí không đúng vị trí công tác đối với Đào Thị Huế (công nhận kết quả trúng tuyển lần 2 tại Phòng Kế hoạch - Tài chính nhưng lại bố trí công tác ở BHXH TP.Đồng Hới).
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc BHXH Quảng Bình Cái Văn Lành cho rằng việc tuyển dụng là do BHXN VN, cấp tỉnh chỉ thực hiện việc thông báo, thu nhận hồ sơ.
Rõ ràng, việc tuyển vượt chỉ tiêu đến 15 người và tuyển không tuân theo một quy trình nào cả, xét tuyển lần 2 lại không thông báo rộng rãi, cả 2 cấp cùng nhau làm không đúng quy định như thế khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn: có hay không chuyện chạy việc?
Theo Thanhnien