Những phòng học 'năm sao'

Thứ năm, 27/12/2012, 14:25
Chưa bao giờ TP.HCM xuất hiện nhiều lớp học hạng sang trong các trường tiểu học công lập đến vậy. Máy lạnh chạy phà phà, thiết bị nghe - nhìn cao cấp kết nối mạng, “trang bị tận răng” từng phòng học.  
Những phòng học 'năm sao'
Học sinh lớp 1/5 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 học trên bảng tương tác do phụ huynh đóng tiền mua - Ảnh: Hoàng Hương

Góp tiền mua bảng tương tác cả trăm triệu đồng

Tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), ngoài hai bảng tương tác của nhà trường để dùng chung, phụ huynh của bốn lớp còn đóng góp để mua bốn bảng tương tác cho riêng lớp học của con em mình.

Đầu năm học 2012-2013, phụ huynh lớp 1/5 đã cùng đóng góp 96 triệu đồng để mua bảng tương tác này. Giá của mỗi bảng tương tác hiện ở mức trên dưới 100 triệu đồng/bộ (tùy theo tính năng và hãng sản xuất).

Đó là những phòng học tiêu chuẩn “năm sao” đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các trường nổi tiếng tại TP.HCM nhờ đóng góp về cả vật chất lẫn tinh thần của phụ huynh mà ban đại diện cha mẹ HS là những người tiên phong.

Tham quan ngẫu nhiên một phòng học thuộc Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy nơi học tập của HS được phụ huynh chăm chút với đầy đủ tiện nghi: hai máy lạnh, máy tính và máy in cho giáo viên, một màn hình LCD, một bộ ampli, hai loa máy, một kệ tủ đựng gối mền, một tủ đựng sách, tập vở, truyện và đồ dùng học tập, rèm cửa đồng bộ cửa chính và cửa sổ, tấm xốp hình hoạt họa và các đồ trang trí bắt mắt được dán đầy trên tường.

Rằng hay thì thật là hay...

Chưa kể cửa sổ còn được “các mẹ” trang trí bằng dây kim tuyến và chậu hoa tươi. HS vào lớp thì để giày dép ở kệ giày bên ngoài, thay một đôi dép sạch dùng đi trong nhà.

Giáo viên giảng bài bằng micro, các tờ trắc nghiệm, thông báo, bài tập được in tại chỗ bằng máy in. Máy tính kết nối Internet nên giáo viên có thể vào mạng, chiếu phim, hình ảnh tư liệu hoặc mở các thông tin từ trang web riêng của lớp.

Màn hình LCD 42 inch cũng được thiết kế rất tiện dụng, không cố định vào bảng mà cô giáo có thể di chuyển ra giữa bảng hoặc cất vào trong khi không sử dụng chỉ bằng một cái đẩy tay.

Ông Hà Thanh Hải - hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Trường có 43 lớp, các phòng học đều được trang bị như nhau chứ không phải lớp nào phụ huynh giàu mới đầu tư. Thực tế đối tượng phụ huynh khó khăn của trường khá nhiều, những lớp khó khăn được nhà trường và các mạnh thường quân hỗ trợ để trang bị trước, tránh tình trạng so sánh phòng học lớp này tốt hơn phòng học lớp kia hay phân biệt giàu nghèo. Như vậy phụ huynh không chỉ lo cho lớp của con mình mà còn đồng lòng tham gia hỗ trợ sự phát triển chung của nhà trường”.

Ở trường này, những phòng học của HS lớp 1 được đầu tư kỹ lưỡng nhất. Nhiều lớp đã không còn sử dụng máy chiếu hay màn hình LCD nữa mà chuyển sang đầu tư tivi Led với lý do... đỡ hại mắt. Theo ước chừng của một phụ huynh, những thiết bị được đầu tư trong các phòng học này trị giá 60-70 triệu đồng.

Một phụ huynh lớp 1 của trường tự hào chia sẻ: “Chính phụ huynh tự tay trang trí và mua sắm trang thiết bị cho lớp. Các máy móc thiết bị sẽ theo các em suốt năm năm học. Tâm lý phụ huynh chúng tôi ai cũng vui khi thấy con mình được học trong một lớp học đẹp, khang trang và tiện nghi, bởi thời gian các con ở trường còn nhiều hơn ở nhà”.

Còn ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), hầu hết các lớp đều đã có máy lạnh và tivi. Năm nay một số lớp có điều kiện còn trang bị máy chiếu để giáo viên giảng dạy bằng giáo án điện tử. Ngoài việc sơn lại phòng học cho sáng sủa và khang trang, tại một số lớp phụ huynh còn có sáng kiến đóng kệ để sách, truyện; làm ô chữ trên tường cho học sinh vừa học, vừa chơi; đóng thêm tủ để đồ dùng, để sản phẩm tự làm của học sinh...

Theo bà Nguyễn Trần Diễm Linh - hiệu trưởng nhà trường: “Ngoài ngân sách nhà nước thì nhờ có sự chung tay giúp sức của phụ huynh nên nhà trường mới có cơ ngơi như hôm nay. Phụ huynh đóng góp và trang bị cho lớp từng thiết bị một theo từng năm chứ không phải ào ạt làm một lúc. Ví dụ: năm trước trang bị máy lạnh, năm sau trang bị tivi, năm sau nữa thì một số lớp có điều kiện trang bị máy chiếu... Quan trọng là việc đóng góp của phụ huynh phải được đầu tư hợp lý và có hiệu quả, thỏa mãn nhu cầu của phụ huynh muốn tạo thêm nhiều cơ hội cho sự tiến bộ của con em mình”.

 Phụ huynh trái tuyến nhiệt tình đóng góp nhất

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, khá nhiều trường đang “sở hữu” những phòng học hiện đại, tiện nghi như trên: Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo, Lê Ngọc Hân... ở quận 1; Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở quận 4, Trường tiểu học Minh Đạo ở quận 5, Trường tiểu học Lương Thế Vinh ở quận 7...

Hầu hết các trường này đều có chung đặc điểm: trường nổi tiếng. Vì nổi tiếng nên số phụ huynh thuộc diện trái tuyến rất đông, họ sẵn sàng đóng góp để con em mình được học tập trong môi trường tốt nhất, cũng như sẵn sàng đóng góp để thể hiện sự biết ơn đối với nhà trường vì đã nhận con em họ vào học.

Không nên tạo sự cách biệt quá lớn...

Tuy vậy, trong phụ huynh cũng có ý kiến trái chiều. Anh Tính, một phụ huynh có con đang học tại quận 1, chia sẻ: “Mỗi phòng học chỉ cần đảm bảo đủ các đồ đạc phục vụ việc học là đủ. Nhưng năm nào họp phụ huynh cũng thấy ban đại diện đề nghị mua sắm, trang trí thêm quá nhiều: tivi, máy lạnh theo tôi là cần, nhưng cây xanh, loa máy, ốp đá tường, rèm trang trí... thì phải xem có thật sự cần hay không bởi chi phí phát sinh quá nhiều mà không phải ai cũng đóng nổi.

Phụ huynh trang trí, dán tường, vẽ vời mỗi người một kiểu, không đồng bộ cũng khiến lớp học trở nên lòe loẹt, rối mắt, gây mất tập trung, không còn sự thông thoáng, đơn giản giúp trẻ tĩnh trí tiếp thu bài học”.

Mới đây, một số phụ huynh lớp 1 tại một trường tiểu học nổi tiếng của TP.HCM đã bức xúc và không chịu đóng thêm tiền “trang trí cho lớp” vì theo họ là quá lãng phí.

Một phụ huynh trong số này kể: “Đầu năm học, chúng tôi đồng lòng mỗi người góp hơn 3 triệu đồng để sơn, vẽ lại tường trong lớp học, sắm thêm một số dụng cụ tiện ích để việc dạy và học hiệu quả hơn.

Vậy mà sau đó, ban đại diện hội phụ huynh lớp thông báo số tiền đó không đủ. Lý do là cái ghế cô giáo đang ngồi không hiện đại, không sang và không phù hợp với các trang thiết bị khác, phải mua ghế sang hơn, giống như ghế cho các ông tổng giám đốc ngồi. Chưa hết, lớp học vừa mới sơn, vẽ xong nhưng có vị không hài lòng kêu người mua giấy dán tường dán chồng lên trên cho... sang”.

Bàn về vấn đề này bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Nhờ xã hội hóa mà một số trường làm được như vậy là rất tốt. Có đủ phương tiện như thế thì giáo viên mới dạy theo phương pháp cá thể hóa được, rất tiện dụng và giúp trẻ học tập tốt hơn.

Tuy nhiên, khi đã trang bị thì phải cân nhắc, cần lấy yếu tố phục vụ việc giáo dục học sinh lên hàng đầu. Và khi đã trang bị rồi thì giáo viên phải sử dụng hiệu quả chứ không phải chỉ để trang trí. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý cách làm: nếu “cào bằng” mỗi phụ huynh phải đóng một số tiền nhất định để mua sắm trang thiết bị cho lớp thì những phụ huynh nghèo sẽ cảm thấy khó xử và vô tình ta lại làm khổ họ.

Thêm nữa, trong một trường cũng không nên để sự cách biệt giữa các lớp quá lớn: trong khi lớp này quá xa hoa, lớp kia lại quá lạc hậu, cũ kỹ”.


Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn