Lắp ghép 9 cầu vượt tại các nút nghẽn giao thông

Thứ sáu, 28/12/2012, 11:06
Sau một thời gian dài với hàng loạt biện pháp đưa ra để giải quyết nạn ùn tắc giao thông nhưng chưa mấy hiệu quả, đầu tháng 7.2012, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM quyết định đưa việc xây dựng cầu vượt bằng thép vào danh mục các công trình giao thông cấp bách nhằm mục đích giải cứu nạn ùn tắc giao thông ở TP.HCM. 

Từ đó, đến nay chưa đầy nửa năm, với tốc độ thi công “chóng mặt”, hai cây cầu vượt bằng thép ở ngã tư Thủ Đức và Hàng Xanh sắp được đưa vào sử dụng.

cầu vượt
 
Cầu vượt bằng thép đang được TP.HCM kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm dù chưa được đưa vào sử dụng (ảnh chụp cảnh hợp long cầu vượt bằng thép ở vòng xoay Hàng Xanh – Bình Thạnh). Ảnh: Đ.L

Dù được khởi công từ ngày 16.10, nhưng chỉ sau hơn hai tháng thi công, đêm ngày 26.12, sở GTVT TP.HCM đã tổ chức hợp long cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh. Công trình cầu vượt ngã tư Hàng Xanh có vốn đầu tư 183 tỉ đồng trích từ ngân sách thành phố có bề rộng 16m, dài 390m, trong đó phần cầu dài 220m, chỉ dành cho xe buýt, ôtô dưới chín chỗ và xe 2 – 3 bánh lưu thông. Trước đó không lâu, vào đêm ngày 19.12, sở GTVT TP.HCM đã lắp đặt xong nhịp cuối và chính thức hợp long công trình cầu vượt bằng thép ngã tư Thủ Đức, sau hơn bốn tháng thi công.

Tại buổi lễ hợp long cầu vượt Hàng Xanh, ông Tất Thành Cang, giám đốc sở GTVT TP.HCM, cho biết công trình này thực hiện nhanh hơn tiến độ đề ra là 1,5 tháng. Theo ông Cang, công trình cầu vượt Hàng Xanh, Thủ Đức khi đưa vào sử dụng trước tết Quý Tỵ sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, vốn thành căn bệnh trầm kha từ nhiều năm qua.

Dù chưa thấy được hiệu quả thông qua thực tế, nhưng có lẽ do đặt kỳ vọng rất lớn vào giải pháp cầu vượt lắp ghép bằng thép, mà kế hoạch đầu tư xây dựng trong lĩnh vực giao thông giai đoạn từ năm 2013 – 2015 được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM và đã thông qua trong kỳ họp cuối năm 2012, có đến chín cầu vượt bằng thép được lập dự án đầu tư xây dựng trong năm 2013, với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 2.000 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, các cầu vượt bằng thép chủ yếu tập trung ở các quận Tân Bình, quận 10 và phần lớn được lắp đặt tại các nút giao thông thường xuyên bị ùn tắc trong nhiều năm qua, như: ngã sáu Công Trường Dân Chủ; ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự; ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ba Tháng Hai, ngã bảy Điện Biên Phủ (quận 10); còn ở quận Tân Bình cũng được đầu tư đến ba cầu vượt ở các nút giao thông Lăng Cha Cả, Hoàng Hoa Thám – Cộng Hoà, Trường Chinh – Cộng Hoà; hai cầu vượt còn lại được xây dựng tại ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân) và nút giao Cây Gõ (quận 6).

Hơn 7.000 tỉ đồng

Là số tiền TP.HCM lên kế hoạch để thực hiện các công trình giao thông nhằm giải bài toán giao thông đang bị quá tải trong giai đoạn năm 2013 – 2015, với tổng cộng 32 dự án đầu tư xây dựng.

Trong tổng số vốn kể trên, số tiền phải đền bù giải phóng mặt bằng chiếm đến hơn 2.300 tỉ đồng.

Không chỉ tập trung đầu tư cầu vượt bằng thép, trong kế hoạch giải quyết nạn ùn tắc giao thông giai đoạn năm 2013 – 2015, thành phố còn cho mở rộng hàng loạt các tuyến đường vốn lâu nay thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án mở rộng đường Lạc Long Quân (quận 11), đoạn từ đường Bình Thới đến Tân Hoá, với tổng vốn đầu tư hơn 335 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 315 tỉ đồng; dự án mở rộng nâng cấp đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 220 tỉ đồng; lập dự án xây dựng đường nối từ đường Thái Văn Lung vào đường Tôn Đức Thắng (quận 1),…

Những chiếc cầu vượt không thể đại diện cho một thành phố văn minh hiện đại như TP.HCM. Thế nhưng, thực tế nó lại đang được chính quyền cũng như người dân thành phố mong chờ để cứu mình thoát khỏi cảnh ùn tắc giao thông, kẹt xe kéo dài vào những lúc cao điểm lưu thông, dù ai cũng biết đây là biện pháp tạm thời.

Mong rằng, trong tương lai, TP.HCM sẽ đưa ra những giải pháp căn cơ hơn thông qua các đề án quy hoạch giao thông, dân cư bài bản hơn, để TP.HCM không cần đến cầu vượt lắp ghép mà vẫn không bị kẹt xe, xứng đáng với đô thị văn minh hiện đại mà chính quyền thành phố đang hướng tới.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích