Đằng sau những lời thú tội oan nghiệt của tội phạm Nhật

Thứ năm, 03/01/2013, 15:35
Do hệ thống tư pháp thiếu linh hoạt và thường bị cảnh sát gây áp lực trong quá trình thẩm vấn, nhiều người Nhật buộc lòng phải nhận tội mặc dù họ không làm điều ác.
Nhiều người Nhật buộc phải nhận tội dù không làm điều phi pháp. (Ảnh minh họa)

Nhật Bản có tỷ lệ kết án hơn 99%, nhưng trong những tháng gần đây xuất hiện sự phản đối kịch liệt về số lượng các vụ bắt nhầm.

Vụ việc bắt đầu với một lời đe dọa được đăng trên trang web của thành phố Yokohama hồi cuối tháng 6, với nội dung: “Tôi sẽ tấn công một trường tiểu học và giết tất cả học sinh trước mùa hè”. Vài tháng sau đó, xuất hiện một số lời đe dọa tương tự được đăng trên Internet, trong đó đe dọa người nổi tiếng và cháu của Nhật hoàng.

Sau một cuộc điều tra của cảnh sát, 4 người bị bắt. 2 người, trong đó có một sinh viên 19 tuổi, thú tội khi đang ở trong tù. Nhưng đến ngày 9/10, thủ phạm thực sự gửi một email đến luật sư Yoji Ochiai và truyền thông địa phương, đồng thời giải thích cách người này thực hiện những lời đe dọa đó bằng cách dùng virus kiểm soát máy tính của người dùng Internet vô tội.

Mục đích của thủ phạm, như đã nêu trong email, là “vạch trần sự ghê tởm của cảnh sát và các công tố viên”. Hành động đó càng làm tăng nghi vấn về việc tại sao người vô tội thú nhận tội danh mà họ không làm và họ phải chịu những áp lực nào?

“Tôi bất ngờ khi nhận được email nhưng không ngạc nhiên khi người vô tội nhận tội”, Ochiai nói. Theo vị luật sư, Nhật Bản từng có một số vụ kết tội sai trong quá khứ. “Nhưng không như các trường hợp khác, những vụ việc đe dọa trên mạng đó lại xảy ra với người thường chỉ dùng Internet và khiến họ sợ có thể bị bắt nhầm bất kỳ lúc nào”, Ochiai bày tỏ.

Khi Ochiai đăng email trên mạng xã hội và blog, ông nhận được hàng trăm phản ánh của cộng đồng mạng và hầu hết là chỉ trích cảnh sát hơn là thủ phạm thực sự.

Shoji Sakurai là người ngồi tù 29 năm vì phạm tội cướp của giết người mà ông không thực hiện. Ông mất 15 năm khác để kháng án và được tuyên vô tội năm ngoái. “Tôi hơi nghịch ngợm hồi trẻ và cảnh sát Nhật Bản thường theo dõi những người có tiền án, nên tôi và người bạn là Sugiyama trở thành nghi can giết người trong vụ việc”.

Ông nói, khi bị bắt ở độ tuổi 20, ông bị đối xử như một tên tội phạm. “Họ thẩm vấn tôi cả ngày lẫn đêm, bắt tôi nhận tội. Sau 5 ngày, do tinh thần kiệt quệ, tôi quyết định bỏ cuộc và nhận bừa. Nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu về điều đó, nhưng khi bị thẩm vấn ngày này qua ngày khác, bạn sẽ không còn sức lực nào để cưỡng lại”, Sakurai nhớ lại.

Sakurai nói rằng, những người thẩm vấn không quá hung hãn với ông, nhưng có một số trường hợp cảnh sát hay công tố viên đối xử với nghi can rất tồi tệ.

Shoji Sakurai (phải) ngồi tù oan 29 năm.

Hiroshi Ichikawa là một công tố viên gần 13 năm qua, cho đến khi ông mất việc vì dọa giết một nghi can khi thẩm vấn.

“Tôi sẽ không xin lỗi về hành vi của mình bằng cách nói rằng những người khác cũng làm như vậy, nhưng tôi không nghĩ mình là một con quái vật khi dọa giết nghi can”, Ichikawa nói. “Tôi đã nghe lỏm các công tố viên khác hét vào mặt nghi can. Một sếp của tôi thậm chí khoe khoang cách ông ta đá vào ống quyển đối tượng”.

Một điều khác mà Ichikawa cảm thấy hối tiếc là ngoài việc dọa giết, ông còn ghi một lời thú tội không đúng sự thật.

“Sau khi tra tấn nghi phạm trong 8 tiếng, tôi bắt người đó ký vào tờ khai mặc dù anh ta không nói dù chỉ một từ. Sếp thì cứ ép tôi bắt anh ta nhận tội nên tôi nghĩ không thể về nhà mà thiếu bản thú tội của nghi can”, công tố viên mất việc chia sẻ. Với Ichikawa, lời khai đúng hay sai không phải là vấn đề với anh ta, miễn là có được bản thú tội của nghi can.

Trong khi cảnh sát và công tố viên Nhật Bản không bị buộc tội vì dùng những hình thức thẩm vấn khắc nghiệt như tra tấn, thì không ai bên ngoài phòng thẩm vấn thực sự biết điều gì đang diễn ra phía trong vì các cuộc thẩm vấn diễn ra phía sau cánh cửa đóng chặt mà không có luật sư chứng kiến.

Vậy tại sao hệ thống tư pháp Nhật Bản đánh giá cao sự thú tội như vậy? “Nó là vua của chứng cứ. Nếu bạn có thể bắt ai đó thú nhận tội danh, tòa án sẽ có cách buộc tội họ”, Jeff Kingston ở Đại học Temple tại Tokyo cho hay. Kingston cho hay, nếu một nghi can cảm thấy ăn năn trong quá trình thẩm vấn, các công tố viên sẽ đưa ra bản án nhẹ hơn.

Yoshiki Kobayashi, một thám tử của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia trong 25 năm qua, nghĩ rằng việc coi trọng các lời thú tội một phần do sự hạn chế quyền hạn trong quá trình điều tra của cảnh sát.

“Cảnh sát ở những nước khác có thể có thỏa thuận về việc bào chữa, các hoạt động bí mật và nghe trộm, nên họ dựa trên những kỹ thuật đó để buộc tội nghi can. Nhưng ở Nhật Bản, chúng tôi không được phép làm việc đó. Vì vậy, tất cả những gì chúng tôi có thể thực hiện là dựa vào lời thú tội của nghi can”, Kobayashi nói.

Theo Kobayashi, quyền lực hạn chế của cảnh sát là do các lý do lịch sử. Trước Thế chiến II, cảnh sát thường lạm dục quyền lực nên bị dân chúng yêu cầu từ bỏ sau chiến tranh.

Nhưng điều gì khiến các nghi can Nhật Bản mong muốn thú tội, thậm chí với tội danh họ không thực hiện? Luật sư Yoji Ochiai nghĩ rằng, cần có sự thay đổi trong suy nghĩ của người Nhật.

“Theo truyền thống, người dân nghĩ rằng họ không nên đứng lên chống lại chính quyền do vậy các tội danh được thú nhận một cách dễ dàng. Nhưng ở thế kỷ 21, ngày càng nhiều người, dù phạm tội hay không, đấu tranh cho quyền lợi của họ và sẽ không dễ dàng vâng lời và thú nhận”, Ochiai cho hay.

“Chính quyền vẫn cố gắng áp đặt lời thú tội bằng cách sử dụng những phương pháp cũ và đó là lý do tại sao họ đè áp lực lên nghi can để buộc họ thú tội, cho dù là đúng hay sai”.

Ngoài ra, việc cảm thấy xấu hổ của người Nhật về hành vi phạm tội và sự soi xét gia đình nghi can cũng đóng một vai trò quan trọng.

 Một phòng giam ở Nhật.

Sakurai nói rằng, khi bị bắt, cảnh sát nói với ông rằng mẹ ông muốn con trai thú tội. Đây là điều anh cảm thấy nghi ngờ nhưng không thể hỏi bà vì bà đã qua đời trước khi anh được thả tự do. Cha của sinh viên 19 tuổi buộc phải nhận tội trong vụ đe dọa giết người hồi tháng 6 nói rằng, sự soi mói đến gia đình cũng là động cơ khiến con trai ông xuyên tạc sự thật và nhận tội bừa.

“Cảnh sát có nghĩa vụ phải bảo vệ người dân. Họ không được phép bắt giữ và kết án sai một người vô tội, dù là một đứa trẻ, vì sự cẩu thả trong việc điều tra. Thật quá sức chịu đựng với tôi khi nghĩ về những gì xảy đến với tâm trí thằng bé, về việc nó phải nhận bừa và chờ một thời gian dài để được chứng minh vô tội.

Điều đáng buồn nhất là tôi, với tư cách một người cha, thậm chí còn nghi ngờ sự vô tội của nó”, người cha của sinh viên bị kết án nhầm tâm sự.

Thậm chí khi những người bị buộc tội sai tìm cách chứng minh sự vô tội, họ gần như không được nhận một lời xin lỗi chính thức của chính quyền. Sakurai nhận được 12.500 yen (148 USD) mỗi ngày cho khoảng thời gian bị giam giữ. Hiện ông đang kiện chính quyền và đòi tiền bồi thường nhiều hơn.

“Tiền bạc không phải là vấn đề với tôi và thậm chí không cần lời xin lỗi, nhưng tôi muốn thay đổi hệ thống tư pháp vốn cho phép cảnh sát, công tố viên, thẩm phán bỏ tù người vô tội và thoát khỏi sai lầm của họ”, Sakurai nói.

Một số thay đổi với hệ thống tư pháp Nhật Bản đang diễn ra. Kể từ tháng 7, một số phần của việc thẩm vấn nghi can đã được ghi âm, nhưng người dân đang tiếp tục yêu cầu phải ghi âm toàn bộ.

Trong nhiều thập kỷ, hệ thống tư pháp hình sự Nhật Bản có một hình ảnh gần như sạch bóng. Như con số tỷ lệ kết án 99%, tỷ lệ phạm tội 9,9% của Nhật Bản cũng thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

Bộ Tư pháp cho biết, hầu hết lời thú tội là đúng sự thật và chúng đóng vai trò quan trọng trong việc kết án tội phạm. Trong khi đó, khi được hỏi về lòng tin với cảnh sát, trung bình chỉ 7 trong số 10 người Nhật khẳng định có.

Theo infonet

Các tin cũ hơn