Ức chế chưa hẳn đã chữa bệnh
Trước “cơn bão” xáo tam phân, Sở Y tế tính Khánh Hòa cho xét nghiệm loại rễ cây này tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế).
Theo kết quả nghiên cứu, cây xáo tam phân (tên khoa học là Paramignya trimera, dân địa phương gọi là “cây thuốc lạ”, “cây thần dược”…) do Sở Y tế Khánh Hòa cung cấp mẫu, có một số thành phần có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp ở thực nghiệm trên chuột nhắt trắng; có tác dụng độc (ức chế, tiêu diệt) đối với 5 dòng tế bào ung thư: ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8 và ung thư cổ tử cung Hela.
Thang thuốc thần kỳ đang được thầy thuốc Nam Lương Sinh dùng chữa bệnh. Ảnh: Mai Khuê
|
Tuy nhiên, TS Đinh Quý Lan- Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam cho biết, việc ức chế một vài tế bào ung thư cũng không thể khẳng định thuốc đó có thể chữa được ung thư, nhất là ung thư có tỷ lệ tử vong cao như ung thư gan, cần phải có sự kết luận của y học.
Còn lương y Vũ Quốc Trung – Hội Đông y Hà Nội, cho biết, cây xáo tam phân đã được sử dụng từ lâu như một vị thuốc có tác dụng hỗ trợ chức năng gan, chứ không phải bây giờ mới đột nhiên được tìm thấy và “phát tác” thần dược như lời đồn thổi. Tuy nhiên, chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh về tác dụng của nó trong việc chữa “bách bệnh”.
“Bất cứ loại thuốc nào cũng phải dựa trên cơ sở phổ quát, sử dụng cho nhiều người, có nghiên cứu lâm sàng trên nhiều người sử dụng, được cấp phép sản xuất hoặc sử dụng của các cơ quan chức năng thì người dân mới có thể sử dụng an tòan” – lương y Trung cho biết.
Lợi bất cập hại
Theo TS Đinh Quý Lan, ung thư gan là một bệnh nan y khó chữa, tỷ lệ tử vong của những người phát bệnh sau 5 năm gần như tuyệt đối. Thậm chí, có người tử vong sau 3 tháng phát hiện bệnh. Thuốc điều trị ung thư cũng đã được cả thế giới tìm tòi, nghiên cứu từ lâu, cây xáo tam phân cũng không lạ với giới y học. Vì thế, việc “cơn bão” xáo tam phân nếu chưa có nghiên cứu khoa học thì nên thận trọng khi sử dụng.
Lương y Trung cũng cho biết, người dân Việt thường có bệnh “phong trào”, theo lời đồn thổi, tin vào những điều siêu nhiên, không có thực. Thời gian qua cũng đã có nhiều loài cây được đồn thổi chữa bách bệnh, chữa bệnh nan y như thông đỏ, xạ đen, dứa dại… khiến nhiều người bỏ tiền tỷ ra mua, bây giờ bán rẻ như rau.
Hơn nữa, loài cây nào cũng chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, một bài thuốc đông y cũng cần phối hợp nhiều vị thuốc, tùy bệnh, tùy sức khỏe, tùy triệu chứng và chữa lâu dài chứ không thể chỉ uống một vị thuốc mà chữa bách bệnh hoặc khỏi ngay lập tức như “thần dược”.
Ông Trung cho biết, ví dụ như cây Sâm Ngọc Linh được bán với giá hàng trăm triệu đồng 1kg, nhưng phải trồng đến 60 năm mới thu hoạch và có giá trị chữa bệnh nên không thể “bán đầy rẫy ngòai thị trường”. Còn mới đây, tê tê cũng “lên đời” chỉ vì lời đồn uống vẩy tê tê có khả năng tăng lực, biến “không thành có”. “Chưa hề có bất kỳ sách y học hay nghiên cứu nào nói về tác dụng này của tê tê” – ông Trung cho biết.
Nhiều lương y cũng nhận định, rễ cây xáo tam phân muốn dùng làm thuốc cũng phải trồng lâu năm mới chiết xuất được dược chất có tác dụng chữa bệnh. Còn những cái rễ cây con “tận diệt” bằng que tăm, đầu đũa sẽ chỉ có tác dụng “bùa phép”.
Vì thế, việc người dân đổ xô đi tìm kiếm, mua bán những loại thuốc quý hiếm theo lời đồn thổi sẽ chỉ mắc bẫy những kẻ trục lợi mà thôi. Đó là chưa kể đến việc uống phải thuốc giả sẽ gây ngộ độc, bệnh nặng lại nặng hơn.