Sao vậy vé tàu?

Thứ hai, 07/01/2013, 09:28
Đó là câu hỏi ngỡ ngàng của mọi người khi tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo, đến ngày 3/1, số vé còn lại của các ngày cao điểm (từ TP.HCM đi các ga) còn tới 6.222 chỗ.  
Ùn ùn xếp hàng chờ mua vé tàu tết
 
Ùn ùn xếp hàng chờ mua vé tàu tết tại ga Sài Gòn 

Không ngỡ ngàng sao được khi trước đó hàng vạn người dân phải thức khuya, dậy sớm nhắn tin, vật vã suốt đêm xếp hàng nhằm ráng mua được tấm vé về quê. Nhưng không phải ai cũng may mắn mua được vé.

Không ít người đã phải tốn thêm mấy trăm ngàn đồng cho “cò” mới cầm được chiếc vé tàu. Đơn giản chỉ vì bao năm nay vé tàu tết luôn là “mặt hàng khan hiếm”. Nhiều hành khách “lỡ” mua vé chợ đen bảo rằng họ không dại, mà chẳng qua đó là “chiêu” của nhà tàu. Bởi nếu không có vụ bắt buộc công bố thông tin như trên thì có thánh mới biết vé tàu còn hay hết.

Hãy cứ nhìn vào cách của nhà tàu áp dụng mỗi mùa tết đến sẽ thấy họ đang múa máy với đủ chiêu trò khiến người dân phải hoa mắt. Đó là chuyện tréo ngoe trong phương thức bán: chỉ bán qua mạng, không bán qua đại lý.

Phương thức bán vé theo kiểu “áp dụng công nghệ hiện đại” nghe rất oai này giúp nhà tàu nắm thế độc quyền, một mình một chợ nên mặc sức cắt cứ. Còn cái công nghệ mới này (thực chất là thuê máy chủ của một đơn vị không chuyên nghiệp về công nghệ thông tin) nó có tắc hay nghẽn thì sẽ “giải thích” sau.

Như vậy, mong muốn của người dân về sự minh bạch của nhà tàu khi bán vé mỗi dịp tết phụ thuộc vào chính ngành đường sắt. Mặc dù năm nào cũng vậy, cứ sau chiến dịch vận tải tết, ngành đường sắt đều tổ chức hội nghị tổng kết công tác vận tải, đưa ra nhiều giải pháp để công tác phục vụ hành khách ngày một tốt hơn.

Nhưng điều này chỉ trở thành hiện thực khi chính ngành đường sắt phải xoá kiểu làm ăn độc quyền một mình một chợ: bán vé thông qua đại lý, làm chủ trang mạng vetau.com.vn, thường xuyên cập nhật thông tin số lượng vé chưa bán hết đến từng ga, chứ không đợi bị yêu cầu mới công bố thông tin như hiện nay.


 Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn