Sau khi chỉ thị đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng việc làm này chưa thực sự khả quan và khó kiểm soát. Dưới góc nhìn văn hóa, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, đừng xem nặng vấn đề tặng quà cho sếp bởi đó có thể là một món quà nhỏ, chứ chưa hẳn là mục đích "nịnh bợ" hay biếu xén...
GS. Thịnh phân tích, tặng quà vào dịp tết đến xuân về là một nét văn hóa có từ lâu trong đời sống của người Việt. Việc tặng quà trong dịp này thường nhằm biểu lộ lòng thành để cảm ơn, tri ân những người giúp đỡ, dạy dỗ mình hoặc giữa những người thân có mối quan hệ trong làm ăn, buôn bán với nhau.
Tuy nhiên cũng có việc tặng quà tết bị lạm dụng và biến tướng bởi nhiều người đi tặng quà trong dịp này chủ yếu mục đích vụ lợi; cơ hội để hối lộ chạy chức chạy quyền, kiếm chác dự án, nịnh bợ lãnh đạo...
Cũng có không ít người nhận quà có tư tưởng không trong sáng và xem đây là dịp để thu chiến lợi phẩm cho bản thân, gia đình. Thậm chí bây giờ người tặng quà cũng chẳng cần phải đắn đo lựa chọn mua vật phẩm gì để tặng mà chỉ cần gói gọn trong chiếc phong bì. Và phong bì giờ đây là lựa chọn số một khi đi tết cho ai đó.
Với xu hướng thương mại hóa trong việc tặng quà trong dịp tết đã khiến cho không ít lãnh đạo của các ngành, địa phương năm nào cũng phải ra những chỉ thị, văn bản nghiêm cấm việc cán bộ, nhân viên tặng quà và nhận quà trong dịp tết nhằm phòng ngừa hiện tượng hối lộ và tham nhũng. Song việc chấp hành tốt quy định này đến đâu thì còn là một dấu hỏi lớn.
Điều này có thể cho thấy việc tặng quà trong dịp tết đang bị biến dạng, không còn là một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt.
GS. Thịnh cho biết thêm, vấn đề cấm biếu quà sếp đã được đề cập rất nhiều, thậm chí có tính chất ngược lại nghĩa là năm nào gần tết cũng có quy định này. Quà có hai mặt, nó là phương tiện giao tiếp thể hiện tình cảm và thiết lập quan hệ xã hội. Quà cũng có thể là đút lót, hối lộ với mục đích mua bán, "bôi trơn"...
Nếu như "quà" có bị tha hóa thành hối lộ thì cũng chỉ người biếu và người nhận biết, làm sao để phát hiện mà xử lý được. Vậy thì làm sao để phân tách được, và ai là người kiểm tra phân tách. Ngay như việc lãnh đạo xuống địa phương thăm hỏi cũng có hai mặt, rõ ràng ai cũng thấy cơ quan cấp trên về thăm địa phương là sự quan tâm. Cũng có trường hợp lãnh đạo này về để được người ta đón tiếp linh đình, để có quà mang về.
"Vấn đề là chính quyền ở ta quá cực đoan. Ví dụ như một vị lãnh đạo cấp bộ về một địa phương, người ta căng băng rôn, khẩu hiệu khắp nơi: "Mừng đồng chí... về địa phương công tác". Điều đó là phô trương, lãng phí và không cần thiết", GS. Thịnh bày tỏ.
Theo quan điểm của GS. Ngô Đức Thịnh, việc cấm biếu quà rồi sẽ chìm đi, không đi vào thực tế. Đó chỉ là hình thức, là khẩu hiệu hô hào, không phải cấm như thế là cấm được tham nhũng. Quan trọng là động cơ bên trong của người biếu quà và người nhận quà.
Nếu như biếu quà nhau, chúc tết nhau để thể hiện tình cảm, sự quý mến trân trọng nhau thì nó rất ý nghĩa đấy chứ. Chúng ta hãy nhìn hai mặt của vấn đề, đừng lúc nào cũng nghĩ xấu cho nó.
Quà tặng luôn tồn tại hai mặt, tặng quà cho nhau trong mỗi dịp xuân về là một nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời của các dân tộc trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Thế nên chúng ta chú trọng vào "văn hóa tặng quà" chứ không phải là giá trị vật chất của món quà.
Vậy để ngăn chặn quà là động cơ xấu thì mỗi cơ quan cần tuyên truyền, nhắc nhở nhau, thiết lập nên mối quan hệ trong đời sống con người. Các cơ quan chức năng cần thể hiện hết vai trò, trách nhiệm để chỉ thị đạt hiệu quả.
"Quà có muốn hay không muốn thì nó vẫn tồn tại. Cá nhân tôi nghĩ quà rất cần trong đời sống con người. Tại sao phương Tây có ngày Noel để mọi người tặng quà nhau. Bởi nó thể hiện tình cảm, sự quan tâm nhau. Hay hiểu đơn giản nó là sản phẩm của văn hóa thể hiện tình cảm của con người dành cho nhau trong dịp tết, đừng biến nó thành mục đích vụ lợi của cá nhân", GS. Ngô Đức Thịnh bày tỏ.
Theo Nguoiduatin