Một con cá heo được chọn để đem bán..
Thoạt nhìn, những người này có vẻ như đang chăm sóc thật nhẹ nhàng cho một loài động vật đáng yêu và có trí thông minh gần bằng con người. Nhưng trên thực tế, họ chính là những tay lái buôn cá heo sống, đang lựa chọn hàng hóa trong ngành kinh doanh ước tính trị giá hàng tỷ USD mỗi năm.
Những con vật tốt nhất (thường là cá heo cái còn nhỏ), được tách khỏi đàn để bán cho các công viên, viện hải dương học hoặc cá nhân nuôi làm cảnh với giá từ 80.000 – 160.000 USD/con. Những con không đạt tiêu chuẩn, có vết xước dù là rất nhỏ trên da, sẽ bị xẻ thịt ngay trên bờ biển tại đảo Taiji, phía Nam Nhật Bản.
Nhiều con bị các ngư dân dùng xiên sắt đâm liên tục hoặc bị chân vịt của các thuyền máy chạy vòng quanh cắt rách da. Những con cá heo khác bị dìm dưới nước cho đến chết. Đôi khi họ lại dùng một cây sắt có đầu nhọn đâm mạnh vào lưng nhằm khiến loài động vật có vú bị gẫy xương sống. Sau đó một cái nút bần được luồn qua cái lỗ nơi cây gậy sắt xuyên qua nhằm giảm lượng máu cá chảy ra biển để che giấu sự việc khỏi tai mắt dư luận.
Thỉnh thoảng một vài con cá heo có thể may mắn lao mình lên mặt nước và vượt qua vòng vây lưới để trở lai biển. Dù vậy, trong làn nước đỏ ngầu máu, hầu hết những con đã bị bắt vào đây hoặc bị bán hoặc sẽ bị xẻ thịt. Những cảnh tượng này được phóng viên điều tra của tờ Daily Mail ghi lại trước dịp Giáng Sinh, đúng vào mùa săn cá heo của ngư dân Nhật.
Ước tính cứ mỗi con cá heo bị bắt và được huấn luyện để làm xiếc, có 4 con khác đã bị giết thịt. Ngư dân Nhật bán thịt cá heo với giá khoảng 16 USD/kg (tương đương gần 340.000 đồng). Họ cho rằng cá heo là một loài gây hại bởi chúng làm giảm lượng cá tại Thái Bình Dương.
Cuộc sống của những con cá heo “đủ chuẩn”, không bị giết thịt cũng chẳng phải dễ dàng. Áp lực từ đợt vây bắt, vận chuyển và bị giam giữ trong một bồn nhỏ khiến tuổi thọ của chúng giảm mạnh. Theo các chuyên gia môi trường, trong khi những con tự nhiên sống được 60 – 70 năm, những con bị bắt thường sống không quá 8 năm. Một số con quá căng thẳng vì bị vây bắt thậm chí đã tự sát.
Ric O’Barry, 73 tuổi, một nhà huấn luyện cá heo từng nổi danh trên các kênh truyền hình tại Mỹ và Anh là một trong những người vận động nhiệt tình nhất để bảo vệ loài cá này. 40 năm qua, ông đã đi khắp thế giới để tuyên truyền về tình cảnh khó khăn mà những con cá heo bị nuôi nhốt tại các công viên, viện hải dương học gặp phải.
Ông bắt đầu làm vậy sau khi chứng kiến một trong những con cá heo chính mà mình huấn luyện tại viện hải dương học Miami, Mỹ chết vì không muốn tiếp tục sống. O’Barry cho biết Taiji chính là địa điểm số một trong việc bắt cá heo và cung cấp cho các cơ sở nuôi nhốt.
“Sau khi phải chịu đựng quá trình vận chuyển kéo dài và đau đớn, những con cá heo được đưa vào các bể bơi chật hẹp với điều kiện sống không phù hợp. Cá heo là loài ưa tự do với bộ não lớn chủ yếu chỉ để cảm nhận âm thanh. Thế nhưng, không ít con lại bị đưa vào làm cảnh tại bể bơi của các casino, nơi tiếng ồn rất lớn.
Những môi trường như vậy là địa ngục với một loài đã quen với việc bơi hàng trăm km mỗi ngày. Họ đã cướp mất của chúng 2 yếu tố cơ bản nhất của cuộc sống là thế giới âm thanh đại dương và gia đình”, ông O’Barry nói.
Cách đây 2 năm, tại công viên hải dương học Churaumi ở Okinawa, hàng trăm du khách tại đây đã trầm trồ khi thấy một con cá heo lớn lao mình khỏi bồn nước và giữ thăng bằng tạm thời trên vách kính của bể bơi. Sau đó nó bật mình lao xuống đất. Một hành động mà ông O’Barry khẳng định là để tự sát.
Theo Dantri