Niềm vui của người dân Xóm Gò

Thứ tư, 09/01/2013, 09:22
Báo SGGP ra ngày 16-5-2012 đăng bài “Ốc đảo giữa Sài Gòn” đề cập đến cuộc sống vất vả của người dân Xóm Gò (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) đang ngày ngày mong mỏi có một cây cầu bắc qua kênh Cống Lớn để thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là các em học sinh đỡ vất vả và nguy hiểm khi đi học…

Người dân Xóm Gò

Người dân Xóm Gò mơ ước một cây cầu bê tông thay
cho cây cầu xập xệ này. 

Để ước mơ của người dân Xóm Gò trở thành hiện thực, sau hơn nửa năm tích cực vận động và hoàn tất các thủ tục, ngày 8/1, Huyện đoàn TNCS Bình Chánh đã khởi công xây dựng cầu Xóm Gò.

Anh Trương Phi Hùng, Bí thư Huyện đoàn Bình Chánh cho biết, trước những khó khăn của người dân Xóm Gò, phát huy vai trò xung kích của thanh niên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh đã thống nhất chủ trương giao cho Huyện đoàn Bình Chánh làm chủ đầu tư thực hiện công trình cầu Xóm Gò với kinh phí gần 4,2 tỷ đồng.

Theo thiết kế, cầu Xóm Gò có 5 nhịp, dài trên 60m, chiều rộng mặt cầu 2,5m. Ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại do các đoàn viên thanh niên cùng các nhà hảo tâm ủng hộ.

Chủ tịch UBND xã Phong Phú Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, đến thời điểm này Xóm Gò (gồm 3 tổ 16, 17 và 18 thuộc ấp 1) có trên 170 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu sinh sống, tách biệt với khu dân cư bên ngoài.

Xóm Gò trước đây là vùng trắng 3 không (không đường, không điện, không nước sạch). Đến nay 100% hộ dân đã có điện, nước sạch cũng sẽ phủ kín trong năm nay… Riêng hệ thống giao thông đã hình thành đường nhánh xương cá nội bộ, tuy nhiên, do chưa có cầu bắc qua kênh nên người dân vẫn còn khó khăn trong việc mua bán hàng hóa.

“Ước mơ có được một cây cầu của người dân Xóm Gò bao nhiêu năm nay đã sắp thành hiện thực. Người dân ở đây chủ yếu là nuôi cá, tôm, cua, trồng cây bồn bồn… Khi cây cầu hoàn thành sẽ tạo điều kiện để người dân làm kinh tế vì hàng hóa phải giao thương được, chứ không phải thuê ghe chở qua chở lại rất tốn kém.

Có cầu, sướng nhất có lẽ là các em học sinh không phải ngày ngày lội bùn qua rạch đi học rất nguy hiểm” - bác Tô Văn Nghiệm, ngụ tổ 17, ấp 1 Xóm Gò, hồ hởi nói.

 Theo SGGP

Các tin cũ hơn