Dùng tim, phổi ngoài cơ thể cứu bệnh nhân sốc tim

Thứ tư, 09/01/2013, 09:39
Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) đã cứu sống một một nữ bệnh nhân 27 tuổi bị sốc tim, nguy cơ tử vong gần 100%.

Đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ngày 20.12.2012, chị Thảo bị ho, sốt, khó thở, đau ngực vào bệnh viện huyện điều trị 2 ngày, tình trạng khó thở tăng lên, sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán nhồi máu cơ tim hoặc viêm cơ tim.

Thấy bệnh nặng, bác sĩ đã chuyển chị Thảo về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Lúc nhập viện bệnh nhân trong tình trạng khó thở, không đo được huyết áp, tim loạn nhịp liên tục. Ngay lập tức, chị Thảo được đặt một máy tạo nhịp cấp cứu trong buồng tim và đặt ống nội khí quản hỗ trợ hô hấp.

cuu song

 Bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo.

Cơ tim co bóp quá yếu không đủ sức đẩy máu vào hệ thống tuần hoàn dẫn đến tình trạng sốc nên đã chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, chị Thảo thở máy hoàn toàn, tim loạn nhịp, không đo được huyết áp, suy đa tạng do các tạng không được tưới máu vì sốc tim, chắc chắn sẽ tử vong.

Bệnh nhân ngay lập tức được khởi động hệ thống tim phổi ngoài cơ thể tại giường (gọi tắt là ECMO). Hệ thống máy sẽ làm thay nhiệm vụ trộn ôxy vào máu và tách khí cacbonic ra, rồi bơm vào hệ thống mạch máu, đem máu và ôxy đến khắp cơ thể. Sau hơn 6 ngày với 136 giờ thời gian thực hiện kỹ thuật này, tim của chị Thảo đã hồi phục có thể rút ống nội khí quản, tự thở bình thường.

Sau 2 tuần được điều trị và theo dõi sát sao, bệnh nhân Thảo đã khỏe mạnh hoàn toàn, tự thở, tự đi lại được mà không cần hỗ trợ nào.

Bác sĩ Mai Văn Cường và bác sĩ Phạm Thế Thạch - là những người đã trực tiếp tham gia cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo - cho biết: Để thực hiện được kỹ thuật ECMO, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ và đặt các ống thông vào động mạch chủ và tĩnh mạch chủ ở đùi để nối thiết bị tim phổi nhân tạo bên ngoài nhằm đảm bảo quá trình hoạt động bình thường, vận chuyển máu đến các cơ quan trong cơ thể.

Kỹ thuật ECMO được khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) triển khai từ năm 2009. Đến nay, đã có 10 bệnh nhân được cấp cứu bằng kỹ thuật này, trong đó có 6 trường hợp thành công (cả về mặt kỹ thuật lẫn sự sống bình thường cho người bệnh).

Theo Laodong

Các tin cũ hơn