Nhiều người bán hàng rong cho rằng, Thông tư 30 của Bộ Y tế về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố có hiệu lực, họ sẽ rơi vào cảnh “mất việc làm”.
Thức ăn đường phố vẫn là lựa chọn đầu tiên của sinh viên. Ảnh TN |
“Oái ăm quá!”
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các tuyến đường của TP.HCM đều kín mít những gánh hàng rong, xe đẩy không đạt theo chuẩn như Thông tư 30 của Bộ Y tế đề ra: người bán thực phẩm đường phố phải khám sức khỏe, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, có đủ nước sạch, bàn cao, hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ nguyên liệu…
Chẳng hạn, tại các trường Đại học Sư phạm TP.HCM (Q.5), Đại học Giao thông Vận tải (Q.Bình Thạnh), Đại học Công nghiệp (Q.Gò Vấp), Bệnh viện Hùng Vương, Chợ Rẫy… hàng rong, bánh mì, bánh bao, hủ tíu, cháo lòng, bắp luộc… được để trên những chiếc xe đạp cũ kĩ, đôi khi chỉ là cái thúng, rồi bốc bằng tay đưa cho khách hàng.
“Mỗi ngày tôi rong ruổi khắp các ngóc ngách Sài Gòn, thu nhập cũng chỉ vài chục nghìn đồng một ngày sau khi đã trừ chi phí ăn ở, đi lại. Tối cũng chỉ dám nghỉ ngơi trong những căn phòng ổ chuột, chật chội và ẩm thẩp, miễn sao được ngả lưng vài tiếng qua đêm rồi lại chuẩn bị cho bán hàng sáng. Giờ cơ quan chức năng mà siết chặt là tôi chết chắc luôn, vì tôi già cả rồi lại có một thân một mình thì sức khỏe làm sao đảm bảo được”, cụ bà Lê Thị Nga, 80 tuổi bán hàng rong tại công viên 23/9 (Q.1) thở dài.
Chủ một tiệm hủ tiếu vỉa hè trên đường Lê Quý Đôn (Q.3) cũng cho hay: “Tôi thường mua nguyên liệu để làm thức ăn tại các chợ đầu mối lớn trên địa bàn thành phố. Những chợ này đều không có giấy tờ hàng hóa gì hết mà chỉ cần tiền trao cháo múc. Trong khi các cơ quan chức năng không quản lý thực phẩm từ gốc mà bắt buộc chúng tôi phải có giấy tờ về hàng hóa. Như vậy thật là oái oăm quá!”.
Hàng ngàn người “mất việc”?
Sau 3 ngày kể từ khi Thông tư 30 có hiệu lực (20/1/2013) không chỉ những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thờ ơ và xem như không có thông tư này mà ngay cả người tiêu dùng cũng vậy.
Theo bạn Nguyễn Thị Thi, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, trước cổng trường lúc nào cũng đông nghịt các bà, các chị bán hàng rong và chúng đã trở thành món ăn không thể thiếu của phần lớn sinh viên trong trường. Bởi mọi trang trải của sinh viên đều phụ thuộc vào gia đình nên thường xuyên chọn những món ăn đơn giản, rẻ tiền với phương châm tiết kiệm là trên hết.
Theo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM, hiện cả thành phố có hơn 28.000 điểm bán thức ăn đường phố trong đó bao gồm người nghèo thành phố, nông dân từ các tỉnh đổ về, già có, trẻ có. Vì vậy, việc quản lý thức ăn đường phố đến nay vẫn rất khó khăn.
Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM cho biết, cả thành phố đang phải “sống chung” với thức ăn đường phố bởi điều kiện kinh tế khó khăn bắt buộc sinh viên, người lao động nghèo phải sử dụng thức ăn đường phố. Nếu kinh tế phát triển, đời sống nhân dân đi lên thì không ai lại đi chọn thức ăn đường phố đâu.
Ông Hòa cho biết thêm, hàng rong tồn tại đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông. Nếu kiểm soát quá chặt sẽ vô tình dẫn đến những hệ quả như đẩy người dân đến chỗ mất việc làm, cuộc sống của cả gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Khi những người nghèo bị đẩy vào đường cùng, tệ nạn xã hội sẽ tăng lên.
Vì vậy, UBND TP.HCM mới thông báo sẽ thực hiện miễn phí hoàn toàn chi phí cho các lớp tập huấn bán hàng rong cho người bán hàng rong. Người bán thức ăn đường phố có thể liên hệ với trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng phường - xã nơi mình cư ngụ để có thông tin về tập huấn.
Theo Infonet