Lộ diện những phụ nữ “hạnh phúc nhất thế giới”

Thứ sáu, 25/01/2013, 07:15
Họ có thể là nghèo khó đến mức phải ăn cám thay cơm, tật nguyền hay thậm chí là mắc bệnh nan y, nhưng chính suy nghĩ lạc quan và ý chí kiên cường đã giúp những phụ nữ ấy tìm thấy hạnh phúc từ tột cùng đau khổ.

Cô gái 7 năm “chiến đấu” với căn bệnh ung thư máu

7 năm phát hiện bệnh ung thư máu là chừng ấy thời gian cô gái Hoàng Thị Diệu Thuần sống với nỗi đau thể xác và sự dồn nén cảm xúc.

Thuần biết mình mắc bệnh vào tháng 9/2005, khi bắt đầu vào học năm thứ nhất khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô kể, thời gian chờ lấy bằng tốt nghiệp, cuối tháng 5/2010, cô yếu đuối cả về thể xác lẫn tinh thần. Mỗi ngày Thuần đều phải truyền 10 chai thuốc từ sáng đến tối.

ung thu mau

Cô gái nghị lực Hoàng Thị Diệu Thuần

Khi sức khỏe đã tốt hơn, da dẻ hồng hào không còn xanh xám, Thuần quyết tâm đi làm kiếm tiền để tự nuôi bản thân và bù đắp những gì cậu, mẹ đã vất vả nhiều năm qua. Vào vòng phỏng vấn của một công ty xuất nhập khẩu nhưng Thuần đã chủ động rút lui vì sức khỏe không đáp ứng được công việc hay phải đi lại.

Thuần hy vọng một công việc khác nhưng lại bất lực vì cứ 2 tuần phải lên viện khám một lần và 3 tháng làm xét nghiệm tủy. Về nhà ở Quỳnh Hợp, những cơn đau ập đến khiến Thuần chẳng thể ngủ dù cô đã cố nghe nhạc, dịch tiếng Anh và tập guitar.

Nằm bẹp trên chiếc giường gỗ trong căn buồng bé nhỏ, cô vẫn cảm nhận "nắng vàng dịu nhẹ", "gió đang mơn man khẽ khàng trên những chiếc lá". Những lúc ấy, sự đau đớn của Thuần gần như bị quên lãng trong giây lát.

ung thu mau

Sức khỏe của Thuần đang dần bình phục sau ca phẫu thuật ghép tủy

Để quên đi những cơn đau nhức, cô trải lòng mình vào từng trang tự truyện. "Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi thực sự không hối tiếc khi được sinh ra và sống những ngày tháng này. Có những đau đớn và hạnh phúc xen lẫn, tôi cảm nhận cuộc đời này ý nghĩa hơn", Thuần bày tỏ suy nghĩ lạc quan.

Ngày 10/9/2012 Thuần nhập viện Huyết học truyền máu Trung ương tại Hà Nội. Hơn ba tháng điều trị, ca ghép tế bào gốc của Thuần được đánh giá thành công. Hiện bệnh tình của Thuần đã được đẩy lui, sức khỏe của cô dần bình phục.

Bà mẹ phi thường gần 10 năm ăn cám nuôi 4 con học đại học

Ở xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, Nghệ An, những người dân xung quanh nhà bà Tăng Thị Lộc vẫn nói về bà như một người phụ nữ hiếm có, khó tìm giữa đời thường. Những người phụ nữ ở xã Diễn Hạnh, có lẽ không ai khổ và vất vả nhiều như bà. Nhưng bà đã quen với sự khổ cực đến nỗi suốt mấy chục năm qua, bà rất ít khi nhận ra rằng mình khổ.

Chồng bà bị cụt một chân vì mắc bệnh phong. Gia đình nhà chồng cũng là một gia đình nghèo, đông con. Khi bà về nhà chồng, cha mẹ chồng chia cho vợ chồng bà một mảnh đất và dựng cho một túp lều nhỏ để chui ra chui vào. Đó là “của hồi môn” duy nhất mà bố mẹ chồng có thể cho bà và người con trai tàn tật của họ.

phi thuong

Bà Tăng Thị Lộc

Từ khi lấy chồng, bà đã thực sự thấm thía thế nào là nghèo, là cơ cực, đói khát. Cái đói đó thấm thía hơn bao giờ hết khi lần lượt những đứa con của bà ra đời. 4 lần mang thai, sinh ra 4 đứa con 2 trai, 2 gái, chưa bao giờ bà biết thế nào là một ngày nghỉ đẻ, cũng chưa bao giờ bà được tẩm bổ, bồi dưỡng như những người phụ nữ đang mang thai khác. Cũng một phần vì thế mà con cái bà giờ đều thấp bé, gầy gò.

Nhưng ngay cả trong cảnh cùng khổ ấy, bà vẫn lạc quan: “Nhờ trời thương, nên ngần ấy năm ăn cám, tôi vẫn khỏe như người ta ăn cơm, vẫn lao động và nuôi ngần ấy đứa con. Mà tôi ăn cám riết thành quen, đến nỗi không còn cảm giác khó ăn nữa.

Đều đặn mỗi bữa tôi ăn 3 bát cám ngon lành. Người ta nhìn hoàn cảnh tôi, ai cũng nói tôi khổ. Nhưng ở trong cái khổ đó, tôi không thấy mình khổ. Khổ vì chồng, vì con, vì tương lai con cái, thì khổ thế chứ khổ nữa tôi vẫn chịu được”.

Gần 10 năm trời ăn cám lợn để ki cóp từng đồng nuôi 4 người con ăn học, có những lúc bà đã đứng giữa cánh đồng nắng chang chang và òa khóc vì tưởng rằng không còn đủ sức thực hiện ước mơ nhìn thấy con ăn học thành tài, nhưng tình yêu và sức mạnh phi thường của một người mẹ đã giúp bà vượt qua tất cả, để giờ đây sau một chặng đường dài đầy khó khăn của cuộc đời mình, bà đã có thể mỉm cười khi thấy 4 người con của mình đều đã học xong đại học và có những bước đi vững vàng trong cuộc sống.

Người mẹ tật nguyền nuôi con đỗ thủ khoa đại học

Người phụ nữ ấy tên Nguyễn Thị Quế, chân bị dị tật, tay trái co quắp, bước đi khó nhọc nhưng chưa từng đầu hàng trước thời tiết, trước số phận hẩm hiu của bản thân.

Ngoài 20 tuổi, chị Quế mang thai. Người thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh không ai biết rõ “tác giả” của bào thai trong bụng chị, nhưng hồi ấy, ai cũng thấy chị vui vẻ, hay cười và thi thoảng còn ậm ừ vài câu hát học lỏm trên loa xã. Ngày chị Quế sinh con, người ta nhìn thấy nơi khoé mắt người phụ nữ được mệnh danh “hồn nhiên nhất thôn Đại Lâm” những giọt nước mắt của hạnh phúc.

Con của chị được ông bà đặt tên là Hiếu Hạnh, cái tên chứa đựng nhiều ý nghĩa cũng như những ao ước về sự hiếu thảo, đức hạnh mà bậc sinh thành gửi gắm.

Mỗi ngày chị Quế đều dậy từ tinh mơ, khi màn sương vẫn còn lảng bảng khắp ngõ xóm, lặn lội tới lò bánh mỳ nhặt 50 cái và bắt đầu hành trình rong ruổi bán dạo, gom góp từng đồng bạc lẻ nuôi con.

tat nguyen

Chị Nguyễn Thị Quế bên làn bánh mỳ bán dạo quen thuộc

Ngày con gái Hiếu Hạnh đỗ thủ khoa khối A, khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Hà Nội, cầm tờ giấy báo trúng tuyển, hai mẹ con Hạnh ôm nhau khóc nức nở. Rồi, những ngày sau đó người ta thấy chị dậy sớm hơn ngày thường, vẫn cái dáng vội vã, tấp tểnh tới lò bánh mỳ, quýnh quáng lấy bánh và lại tiếp tục hành trình bán dạo.

Chị vốn là một người đàn bà “bất thường”, không biết chăm chút, ăn diện. Có khi đi bán cua, bán ốc về vẫn vẹn nguyên cái mùi tanh nồng của bùn tươi, nhưng lúc ấy người ta thấy chị cười rạng rỡ. Bởi chỉ cần cái ốc, con tôm, cái bánh mỳ được bán sạch, dù có bẩn bết là mấy, nụ cười vẫn bừng sáng trên đôi môi chị. Với Hạnh, lúc ấy mẹ thật đẹp.

Hạnh bảo rằng: “Em không bao giờ cho phép mình cãi mẹ hoặc to tiếng với mẹ. Đời mẹ khổ và chứa đầy nước mắt. Nên, sau này em chỉ muốn những giọt nước mắt của mẹ là những giọt châu của hạnh phúc”.

Hành trình vượt khó của cô gái chỉ cao 1,3m

Mang trong mình di chứng chiến tranh từ người cha, Nguyễn Thị Hương (26 tuổi, quê ở Nghệ An) chỉ có chiều cao khiêm tốn 1,3m. Nhưng Hương là một cô gái luôn biết vượt lên để mỉm cười với cuộc đời.

Hương sinh ra tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành, một trong những mảnh đất nghèo khó nhất của tỉnh Nghệ An. Lớn lên trong một gia đình mà cả bố, mẹ đều làm ruộng, gia cảnh nghèo khó, chỉ trông vào năm sào ruộng, từ nhỏ, cô đã biết đỡ đần cha mẹ.

hat tieu

Hương "hạt tiêu" có nụ cười rạng rỡ, yêu đời

Hương kể lại ngày tháng tuổi thơ với ánh mắt long lanh: "Nhìn bé hạt tiêu thế này thôi nhưng Hương làm được nhiều việc lắm nhé: Học lớp 2 mình đã biết nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, nuôi gà, nuôi lợn tinh tươm, lớn thêm chút nữa, mình đi cấy, gặt lúa, trồng tỉa, thu hoạch hoa màu. Vui nhất là đi chăn bò ngoài bãi. Chắc mình không bao giờ quên được những buổi chiều ở quê".

Đến khi bắt đầu học cấp II, Hương mới thấy cơ thể mình có gì đó bất thường. Ban đầu thì chỉ thấy chậm lớn hơn các bạn, nhưng rồi trong khi các bạn khác lớn phổng ở tuổi dậy thì, Hương vẫn như một đứa trẻ lớp 6. Cứ thế, đến tận bây giờ, Hương vẫn sở hữu chiều cao của một cô bé lớp 6.

Cái khiếm khuyết ấy đã khiến Hương sống nhạy cảm và hướng nội nhưng cũng giúp cô trở nên mạnh mẽ hơn. Nhờ nỗ lực phi thường, Hương liên tục dẫn đầu trường trung học về kết quả học tập và thi đỗ vào khoa Hán Nôm, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Bốn năm đại học, cô liên tục nhận được học bổng sinh viên vượt khó. Giờ đây, cô gái nhỏ bé đang thực hiện ước mơ của mình trong một công ty xuất bản.

Sau rất nhiều trải nghiệm và thử thách, giờ đây Hương "hạt tiêu" bé nhỏ đã thực sự bước vào cánh cửa cuộc đời. Không nhỏ mãi như chiều cao 1,3m của mình, cô bé tí hon đã làm nên phép màu cổ tích bằng chính nội lực mạnh mẽ, ý chí vượt lên khó khăn và tinh thần lạc quan.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích