Kỳ tích của chị em “cô bé hạt tiêu”

Thứ hai, 23/01/2012, 07:01
Tuổi thơ vượt núi lội đèo đã tạo ra vận động viên “vàng” cho thể thao Việt Nam.

 

Làng Hòa Khê (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sau Sea Games 2011 vui như mở hội. Mấy ngày nay, cả làng cứ xôn xao về kỳ tích của hai chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng. Họ vừa trở về từ Sea Games 26 với tấm huy chương vàng và đồng môn đi bộ.

 

Gia đình thể thao

 

Ông Nguyễn Việt, cha của hai em, đang làm cơm đãi khách để ăn mừng chiến thắng của hai con. “Chị em nó đã đem lại niềm tự hào của cả gia đình tôi. Theo dõi chị em nó thi đấu, tôi luôn tin các con sẽ làm tốt và đem lại vinh quang cho thể thao nước nhà” - ông Việt hồ hởi.

Chị em “cô bé hạt tiêu” trong vòng tay của mẹ khi vừa
trở về từ Sea Games 26. Ảnh: LÊ PHI

Với người dân làng Hòa Khê, gia đình này đúng là một gia đình thể thao. Ở tuổi trung niên, ông Việt từng khiến mọi người nể phục bởi khả năng vượt bậc trong môn điền kinh. “Làng tổ chức thể thao, ổng luôn là người chạy nhanh nhất. Hồi đó, ổng chạy 3 km mà chỉ mất có mấy phút thôi. Chạy dễ sợ lắm!” - bà Nguyễn Thị Hoa tự hào khoe về tốc độ chạy bứt phá của chồng. Bà Hoa kể khi thấy hai con thi đấu và giành huy chương, bà đã không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc.

 

Nhờ tinh thần thể thao của cha, chị em Phúc cũng đam mê điền kinh và hăng say tập luyện mỗi ngày. Nhà có bảy anh em thì hết bốn người đeo đuổi bộ môn thể thao này. Tuy nhiên, do gặp tai nạn, chị của Phúc cũng từng được đôn lên đội tuyển của Đà Nẵng nhưng phải bỏ dở cuộc chơi. Hiện tại, Phúc, Ngưng và cô em gái Nguyễn Thị Hồng Duyên cùng tham gia đội tuyển thể thao của TP Đà Nẵng. Duyên đang miệt mài tập luyện ở cự ly chạy tiếp sức 800-1.500 m.

 

Khổ luyện không ngừng

 

Nhà hai chị em nằm bên mép núi, đường khá dốc. Muốn vào nhà mà không bị chuồi ra phía sau ngã ngửa, họ phải hai tay chống lưng, cúi đầu mà bước. Có lẽ cái dốc này và cuộc sống núi đồi đã sản sinh ra hai “chị em vàng”.

 

Những ngày còn bé, hai chị em phải đi bộ 5 km để tới trường. Vì phải vượt núi, lội đèo nên năm tháng đó trở thành bàn đạp cho thành công của hai chị em.

 

Năm 2006, cậu bé Ngưng, lúc đó đang học lớp 8, đã lon ton theo chị Phúc đến chỗ tập luyện. Thấy em có tiềm năng và tố chất, huấn luyện viên Trần Anh Hiệp đã cho Ngưng cơ hội tham gia tập luyện, thi đấu. Năm 14 tuổi, Ngưng tham gia giải trẻ của TP Đà Nẵng và giật ngay HCV. Kể từ đó, bất kỳ cuộc thi nào Ngưng cũng đạt HCV, HCB.

Nguyễn Thành Ngưng với niềm vui chiến thắng. Ảnh: LÊ PHI

“Mỗi ngày, hai chị em đi bộ hơn 20 km. Tụi em dậy tập luyện từ 5 giờ đến 7 giờ dưới sự nghiêm khắc dạy dỗ của huấn luyện viên” - Phúc kể. Ngưng thổ lộ thêm: Mỗi lần đi thi, em nghĩ mình như sắp ra trận vậy, phải thi đấu đến sức lực cuối cùng. Trên sân đấu, trong đầu em chỉ nghĩ đến việc phải về đích sớm nhất.

 

Hai chị em lúc nào cũng như hình với bóng. Họ cùng tập luyện, cùng thi đấu và tâm sự mỗi khi có chuyện vui buồn. Với Ngưng, chị Phúc là thần tượng và là người có ảnh hướng lớn nhất đời em. Khi thấy chị dẫn đầu, Ngưng thi đấu càng “sung” hơn. Còn với Phúc, Ngưng là một cậu em trai đáng tự hào.

 

Đối với hai chị em, ba mẹ là người có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Họ vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là người uốn nắn nhân cách sống. Vì thế, hai chị em rất ngoan hiền và hiếu thảo. Những lúc phạm lỗi, hai chị em cũng bị phạt đòn như thường.

 

Chị em “cô bé hạt tiêu”

 

Với chiều cao khiêm tốn 1,53 m và cân nặng 42 kg, Phúc thường được bạn bè, thầy cô gọi là “cô bé hạt tiêu”. Trên đấu trường Sea Games 26, “cô bé hạt tiêu” đã buộc những người cao lớn hơn phải ngước nhìn em bước lên bục vinh quang nhất để nhận huy chương vàng. “Chị ấy thấp và hạt tiêu thế thôi nhưng bước chân của chị ấy bằng bước chân của một người cao tới 1,7 m. Cứ mỗi lần tham gia thi đấu là chân chị ấy như được gắn máy, đi sung lắm” - Ngưng kể.

 

Phúc và Ngưng tâm sự khi lên bục nhận huy chương, họ vô cùng mừng rỡ vì đã mang vinh quang về cho Tổ quốc. “Thành công này là nhờ những người thầy, huấn luyện viên và gia đình đã giúp đỡ em trong những ngày tập luyện. Em không bao giờ quên những người đã luôn theo sau bước chân của bọn em, từ giây phút tập luyện cho đến ngày tháng vinh quang” - Phúc nghẹn ngào trước những nỗ lực đã được ghi nhận.

Phúc, Ngưng và mẹ. Ảnh: LÊ PHI

Ngưng cho biết ước mơ của em ngày trước là học kiến trúc và báo chí. Giờ thì em chọn con đường sự nghiệp là tiếp tục cống hiến cho thể thao. Năm 2011 là năm rực rỡ, gặt hái nhiều thành công nhất của Ngưng với huy chương vàng giải trẻ quốc gia và phá kỷ lục đi bộ 10 km, huy chương vàng giải đi bộ quốc tế tổ chức tại TP.HCM, HCV vô địch quốc gia... Năm 2010, Ngưng giành HCV giải học sinh ở Malaysia, HCV giải đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ sáu...

 

Hai chị em tham dự giải nào thì ẵm HCV giải đó. Đến giờ, bộ sưu tập huy chương của hai chị em đã lên trên 50 tấm. Mẹ của em phải mua hẳn một cái rương để đựng vì không có chỗ để. “Mỗi tấm huy chương là mồ hôi và cả nước mắt trong những tháng ngày tập luyện, phấn đấu không biết mệt mỏi” - Phúc tự hào nói về những tấm huy chương của hai chị em.

 

Khi hai chị em vừa đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, hàng trăm người ra chào đón như những anh hùng vừa đánh trận trở về. Hôm đó, “cô bé hạt tiêu” Nguyễn Thị Thanh Phúc đã ôm chầm lấy mẹ và òa khóc vì hạnh phúc không nói nên lời.

 

Sau Sea Games 26, hai chị em chỉ được về nhà ở bên ba mẹ hơn một tuần, sau đó phải quay về tập luyện để tránh tạo sức ỳ trong tập luyện, lơ là thi đấu. Dù quyến luyến gia đình, hai em vẫn nhận thức rõ mình phải “quên việc riêng mà lo chuyện chung”.

 

Theo Phapluattp.

 

 

 

Các tin cũ hơn