Ngày 23/9/2011, trong buổi lễ sinh nhật hàng năm, cựu cầu thủ Thể Công, người hâm mộ, và nhất là đông đảo cán bộ, chiến sĩ quân đội lại thêm một lần nữa bày tỏ niềm hy vọng đội bóng yêu quý của mình sẽ được tái sinh. Khi khát vọng ấy đăng trên mặt báo, ngay lập tức có sự cộng hưởng trong đại chúng, dù ai cũng biết rằng cái ngày tái sinh ấy sẽ còn rất xa, sẽ còn rất gian khổ.
Gian khổ như bản thân cuộc đời người chiến sĩ. Thể Công vốn có sức mạnh từ bề dày của một truyền thống, thì bây giờ Thể Công lại được cộng thêm sức mạnh của một ước mơ. “Tôi có một ước mơ”, câu nói của Martin Luther King, Jr, giờ cũng là tâm nguyện của rất nhiều fan Thể Công trên cả nước.
Dù không còn tồn tại nhưng cái tên Thể Công vẫn có sức sống bất diệt. Ảnh: Quốc Khánh
Từ ngày quyết tâm xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta chứng kiến thường xuyên và liên tục sự tử sinh của rất nhiều tên tuổi. Không chỉ các đội bóng vốn sinh thành trong thời bao cấp không còn, mà ngay cả những CLB sinh ra trong thời bóng đá chuyên nghiệp cũng mỗi chốc lại bị đổi tên hay xóa sổ. Cầu thủ theo những đội bóng kiểu như vậy vào Nam ra Bắc, trôi giạt tứ xứ, rồi nhiều khi không hiểu mình đang chơi cho mảnh đất nào.
Còn khán giả thì không biết gửi tình yêu bóng đá của mình vào đâu, bởi cái tình của người hâm mộ thì không thể dễ thay và nhanh thay như sự thay đổi của cái tên đội bóng. Đôi chân cầu thủ và trái tim khán giả thì vẫn còn, nhưng lắm lúc cũng xuất hiện cảm giác đơn côi của một linh hồn đã mất.
Trong trạng thái thay đổi đến mức bất định như vậy, vẫn có một cái gì đó có thể tạm gọi là bất biến: Thể Công. Những đội bóng khác mất tên là thường đi luôn vào dĩ vãng, nhưng Thể Công thì không. Đội bóng không còn, nhưng những người yêu Thể Công thì vẫn thường xuyên tụ tập, gặp gỡ, và họ vẫn nhận mình là cổ động viên của một đội bóng chẳng còn hiện hữu. Lớp lớp các thế hệ cầu thủ Thể Công vẫn duy trì sinh hoạt thường niên, gắng góp phần tạo nên cái giá đỡ truyền thống đủ sức nuôi dưỡng tình yêu cho người hâm mộ.
Thể Công luôn có chỗ đứng đặc biệt trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Ảnh: Quốc Khánh
Ngay đến như ở tận Berlin xa xôi, bạn bè cũng mời các cựu cầu thủ Thể Công sang thi đấu hữu nghị. Đứng trên sân cỏ châu Âu một ngày Thu, nhìn đội quân áo đỏ với những gương mặt quen thuộc ngày nào ra sân, mắt hướng về lá quân kỳ bay trên đỉnh cột, lại nghe khúc nhạc Tiến bước dưới quân kỳ hùng tráng vang lên qua loa phóng thanh, bạn sẽ hiểu đội bóng không chỉ là bóng đá, mà còn là đất nước. Đấy là “núi non xanh ngàn trùng xa”, đấy là “Tổ quốc bao la hiền hòa“, và đấy cũng là lúc “nghe rung trong lòng từng bước ta đi”... Cái sứ mệnh của bóng đá là cao cả đến thế, cái sức mạnh của bóng đá phải kỳ diệu đến thế. Tuy trình độ bóng đá là rất khác nhau, nhưng sức sống trường tồn của Thể Công trong đất nước mình có lẽ cũng chẳng thua gì những Real Madrid, Barcelona, Bayern, Manchester United hay Arsenal, Ajax... ở những cường quốc bóng đá khác.
Bây giờ, thi thoảng ghé qua khu Cột Cờ, chắc rằng bạn vẫn cảm thấy bóng dáng và không khí Thể Công, cho dù “Cơn lốc đỏ” đã từ lâu không còn thổi nữa. Bạn sẽ nhớ đến nhiều đội bóng mang tên Thể Công trong lòng CLB Quân đội, với đội bóng đá Thể Công trong vai trò hạt nhân. Rồi nghĩ kỹ, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên: Cái CLB của thời bao cấp ấy sao lại có một cấu trúc điển hình của một CLB thể thao hiện đại bên châu Âu đến thế. CLB Quân đội là nơi sinh hoạt, tập luyện của rất đông đảo thành viên, có sân bóng đá kèm đường chạy điền kinh, sân bóng rố, bóng chuyền, có nhà thi đấu, có bể bơi... Trên cái nền đại chúng ấy, là những đội bóng tập luyện và thi đấu trên tinh thần chuyên nghiệp, đội nào cũng có thành tích, đội nào cũng để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ cũng như trong lịch sử thể thao nước nhà, và đội nào cũng có sự nối tiếp thường xuyên của các thế hệ trẻ, được đào tạo ngay trong các đội bóng trẻ. Cái thiếu, cái chưa phù hợp của Thể Công, của CLB Quân đội chỉ là phương thức hoạt động tài chính mà thôi. Đáng nhẽ ra, chúng ta tiến hành một chuyển đổi theo kiểu “cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” thì chúng ta lại thực hiện các bước đi nào đó để cuối cùng là phải xóa sổ.
Cho nên, một trong những lý do tạo nên sức sống bền bỉ của Thể Công nằm ở cấu trúc của nó. Vững nền, sâu móng nên nhà cao mà lại bền gốc. Bóng đá chuyên nghiệp thể thao đỉnh cao chỉ có thể phát triển trên cơ sở những cấu trúc như vậy. Nhà nước đã từng rất thành công khi tạo ra những cấu trúc như thế, bây giờ cơ cấu kinh tế đã thay đổi, nhưng xã hội, cá nhân cũng có thể tạo ra những cấu trúc tương tự. Và không chỉ hy vọng mà còn tin tưởng, rằng, một lúc nào đó Thể Công sẽ tái sinh trong cơ cấu mới. Đấy là sức sống của mùa Xuân.
Theo Thethaovanhoa.