Tờ China Daily ngày 30/1 dẫn lời Tổng bí thư (TBT) Tập phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc nói rằng nước này không bao giờ từ bỏ cái mà ông gọi là “quyền và quyền lợi hợp pháp”.
Ông tuyên bố: “Đừng nước nào nghĩ rằng chúng ta sẽ mua bán những quyền lợi cốt lõi của mình và hy vọng chúng ta sẽ nhận quả đắng vốn gây tổn hại chủ quyền, an ninh và quyền lợi phát triển đất nước”.
Ông Tập Cận Bình nhiều lần hô hào quân đội tăng cường sức chiến đấu |
Ngoài ra, như những phát biểu trước đây của giới lãnh đạo Trung Quốc, TBT Tập mới đây lại hứa hẹn nước này sẽ “phát triển hòa bình”, không tổn hại lợi ích các quốc gia khác. Tuy nhiên, trong thực tế, những hành động của Bắc Kinh thời gian qua đối với vấn đề chủ quyền trên biển Đông khiến các nước không khỏi lo ngại.
Kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm ngoái, ông Tập đã nhiều lần đi thăm các quân khu và kêu gọi quân đội tăng cường tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Mới đây nhất, vào ngày 29/1, ông Tập đi kiểm tra cảnh sát vũ trang ở Bắc Kinh và kêu gọi lực lượng này tuyệt đối trung thành với ĐCS Trung Quốc.
TBT Tập tuyên bố về chủ quyền sau khi Philippines quyết định đưa yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông ra Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS). Phản ứng sau quyết định của Philippines, các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Bắc Kinh ra đối chứng trước tòa.
Ngoài ra, nhiều bên khác đã lên tiếng ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua những biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và khẳng định Manila “có quyền hợp pháp” về việc kiện Bắc Kinh. Nhận định về vụ kiện, tờ China Post hôm qua đăng bài viết cho rằng Philippines về cơ bản đã “ra tay thông minh” vì Trung Quốc có thể phải làm rõ quy mô và cơ sở của yêu sách “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh lâu nay vẫn lập lờ.
Trong một diễn biến khác, Nhật Bản dường muốn giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Reuters hôm qua dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe ngày 29/1 tuyên bố sẵn sàng họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm xây dựng lại quan hệ song phương vốn bị tổn thương do tranh chấp trên.
Tuy nhiên, ông Abe khẳng định “không có chỗ” cho việc đàm phán về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Mặt khác, tờ Daily Yomiuri ngày 30/1 đưa tin Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật sẽ thành lập một lực lượng với 600 thành viên chuyên trách giám sát quần đảo này.
Theo Thanhnien