Trong năm 2013, tình trạng ngập trên địa bàn TP.HCM liệu có giảm được không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Công: Hiện nay, toàn TP còn khoảng 21 điểm ngập. Mỗi điểm ngập khá rộng chứ không phải chỉ là một điểm nho nhỏ. Trong năm nay, chúng tôi đặt chỉ tiêu xóa phân nửa số điểm ngập này, đồng thời tiếp tục lắp đặt mới, thay thế các đường ống thoát nước đã xuống cấp.
Dự án Vệ sinh môi trường TP Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng chống ngập ở một số khu vực như đường Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng…
Cuối năm nay, khi dự án nâng cấp đô thị phía Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành, tình trạng ngập ở các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, 6, 8 sẽ được khắc phục đáng kể.
Tuy nhiên, người dân sẽ còn phải “rên” nhiều vì tình trạng ngập vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát một cách triệt để. Phải nói rằng TP vẫn bị ngập nhưng thoát nhanh.
Nếu chỉ có những giải pháp như lắp đặt cống thoát nước, lắp van ngăn triều mà không tính đến các giải pháp khác thì tình trạng ngập sẽ không được giải quyết một cách căn cơ?
- Dĩ nhiên rồi, ngoài việc tiếp tục chống ngập bằng cách thực hiện quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước mưa (Quy hoạch 752) và dự án kiểm soát triều (Quy hoạch 1547) được Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi đang xúc tiến thực hiện tiền khả thi dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2, trong đó có nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và 9 km cống bao.
Nhanh lắm thì đến năm 2014, TP mới có thể ký hiệp định vay với Ngân hàng Thế giới để đến cuối năm 2014 triển khai thi công. Hiện tại, chúng tôi cũng đang xây dựng quy hoạch hồ điều tiết (gồm hồ phân tán và tập trung) theo chủ trương của UBND TP.
Ví dụ, khi TP cấp cho nhà đầu tư khoảng 20 ha đất làm dự án thì nhà đầu tư phải để lại một ít đất để làm hồ trữ nước khi mưa xuống, hết mưa thì bơm nước ra.
Đây là điều bắt buộc phải làm. Hiện nay, chúng tôi đang thiết kế chi tiết bộ khung của hồ điều tiết. Ngoài ra, UBND TP cũng đã có chủ trương yêu cầu các nhà đầu tư làm tầng hầm chứa nước, kết hợp để dành chữa lửa luôn. Các cao ốc xây dựng sau này cũng phải có tầng hầm chứa nước kiểu này. Chúng tôi đang làm mẫu thử nghiệm, nếu thành công sẽ sớm đưa vào áp dụng đại trà.
Dự án nâng cấp đô thị phía Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành sẽ khắc phục được tình trạng ngập cho nhiều quận, huyện |
*Vậy dự án hỗ trợ kỹ thuật chống ngập nước trên địa bàn TP.HCM do Hà Lan tài trợ sẽ ảnh hưởng thế nào đến quy hoạch chống ngập của TP, thưa ông?
- Dự án này được triển khai từ năm 2010 bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan (tổng vốn khoảng 50 tỉ đồng).
Dự án nhằm đánh giá, thẩm định lại toàn bộ Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547 bằng những mô hình tính toán cụ thể, trong đó tính toán tác động của mưa, triều và biến đổi khí hậu. Sau buổi báo cáo này, chậm nhất là cuối tháng 2/2013, chúng tôi sẽ có báo cáo cuối cùng cho UBND TP.
Tôi tin rằng phía Hà Lan sẽ đưa ra phương án chống ngập một cách bền vững, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu từ đây đến năm 2050, 2100 vì họ là chuyên gia trong lĩnh vực chống ngập.
Tôi cũng chưa thể khẳng định được chúng ta có phải điều chỉnh Quy hoạch 1547 hay không nhưng nếu có điều chỉnh thì các chuyên gia Hà Lan cũng cố gắng làm sớm.
Hiện nay, TP đang thực hiện Quy hoạch 1547 nhưng do thiếu vốn (vốn khoảng 40.000 - 50.000 tỉ đồng) nên quy hoạch vẫn chỉ được thực hiện từng chút một. Vì vậy, những điều chỉnh, nếu có, cũng không chậm chút nào vì TP hiện đang không có tiền để thực hiện quy hoạch 1547. Tuy nhiên, muốn làm điều đó thì TP phải hoàn thiện Quy hoạch 752 trước.
TP cần tối thiểu 6.500 km kênh rạch và cống để thoát nước, đến nay mới làm được 2.400 km cống. Do đó, trong tương lai sẽ còn rất nhiều lô cốt mọc lên. Kỳ vọng rằng tới 2015, chúng ta sẽ hoàn chỉnh được toàn bộ phần cống ở khu vực nội thành.
“Né” điểm ngập bằng tin nhắn, theo ông Công, đến khoảng giữa năm 2013, Trung tâm Chống ngập sẽ hoàn thành bản đồ cảnh báo ngập cho TP.HCM bằng thời gian thật. Ông Công giải thích: Trong trường hợp dự báo 3 giờ nữa mưa, cơn mưa có vũ lượng chừng 50 mm thì phần mềm sẽ tính toán với hệ thống thoát nước hiện tại, mực nước triều như thế thì TP.HCM sẽ bị ngập ở chỗ nào, mức độ ngập ra sao. Sau khi tính toán xong, Trung tâm Chống ngập sẽ thông báo các dữ liệu này cho người dân trên phương tiện truyền thông đại chúng. Trung tâm Chống ngập cũng đang “rục rịch” đặt hàng các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone tự động gửi các thông tin này cho người dân bằng hình thức tin nhắn thông qua điện thoại di động. |
Theo NLĐ