Viết tiếp vấn đề các tàu bị “xẻ thịt”: Giải pháp nào cho những “đống rác” trên biển?

Thứ tư, 30/01/2013, 14:23
"Hoá kiếp" cho những con tàu mang quốc tịch nước ngoài nhưng lại thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam đang vướng quy định của Luật Môi trường. Nhưng nếu không, "đống rác thải công nghiệp này" tiếp tục vật vờ tại vùng biển gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn hàng hải.
Tàu biển, xẻ thịt
Tàu Hufa Star 01 được mang sang Việt Nam để “xẻ thịt”. Ảnh: H.H

Lập đoàn kiểm tra liên ngành

UBND TP.Hải Phòng vừa có văn bản báo cáo về vụ việc tàu Green Viship bị “xẻ thịt”. Theo đó, TP.Hải Phòng yêu cầu CA TP chủ trì cùng các sở, ban, ngành  thu thập chứng cứ, xử lý các hành vi vi phạm của Cty CP thương mại Đại Huy và Cty TNHH Mạnh Thắng.

Thành phố cũng giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì cùng các sở, ban ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, xác định hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phá dỡ tàu.

Các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động trước ngày 31.1. Ông Phạm Quốc Ka - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng - cho biết: “Ngày 28.1, Sở Tài nguyên Môi trường đã chủ trì cuộc làm việc, thống nhất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các phương tiện neo đậu tại khu vực cảng, biển Hải Phòng”.

Tuy vậy, tới nay với trách nhiệm là đơn vị chủ trì hoạt động kiểm tra hiện trạng tàu cũ neo đậu và xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phá dỡ tàu cũ, Sở Tài nguyên Môi trường vẫn chưa đưa ra được một phương án cụ thể nào giải quyết tình trạng này.

Ông Đỗ Trung Thoại - PCT UBND TP.Hải Phòng - cho biết: Sau khi các ngành chức năng có kết quả rà soát, kiểm tra tình trạng tàu cũ neo đậu tại các vùng biển Hải Phòng, thành phố sẽ có hướng xử lý.

Việc phá dỡ tàu cũ là một nhu cầu cần thiết, nhưng phải đúng quy hoạch, đúng luật bảo vệ môi trường chứ không thể mạnh ai nấy làm.

“Còn quan điểm của thành phố là những đơn vị nào vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm” – ông Thoại nói.

Giải quyết những “đống rác thải” như thế nào?

PGS-TS Lê Hồng Bang - Trưởng khoa Đóng tàu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - khẳng định: “Việc phá dỡ một con tàu cũ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Hoạt động phá dỡ tàu sản sinh ra các hóa chất độc hại và chất thải nguy hại như dầu mỡ khoáng, amiăng, các kim loại nặng (thủy ngân, chì, đồng, kẽm, nhôm, sắt...) và các chất nguy hại khác như chất phóng xạ, hợp chất nhóm xyanua hữu cơ và cặn bể chứa nước dằn tàu có chứa nhiều vi khuẩn và sinh vật ngoại lai.

Đó là chưa kể mối nguy hại do phá dỡ những con tàu chuyên chở dầu, hóa chất, chất phóng xạ, chất thải hoặc các loại hàng hóa nguy hiểm khác. Đặc biệt, đối với những tàu chở dầu, khí hóa lỏng, axít còn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động”.

Tuy vậy ở bất cứ quốc gia có biển nào, hoạt động đóng tàu cũng đi liền với hoạt động tháo dỡ tàu cũ. Hoạt động phá dỡ tàu cũ phải được sự đồng ý của các cấp chính quyền cấp tỉnh, thành phố trên cơ sở bảo đảm 2 yếu tố chính là bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn lao động. Khi đã được sự đồng ý của cấp chính quyền, đơn vị phá dỡ phải trình ra phương án phá dỡ con tàu đó.

Trước thực trạng hàng trăm con tàu cũ mang quốc tịch nước ngoài nhưng lại thuộc quyền sở hữu của các DN Việt Nam chẳng thể tự di chuyển, không được phép vào cảng VN cũng chẳng nước nào “chứa”, PGS-TS Lê Hồng Bang cho rằng nên chọn phương án phá dỡ.

Nếu để những con tàu này nằm vật vờ trên biển sẽ tiếp tục phát sinh ô nhiễm, làm cản trở lưu thông của các phương tiện khác gây mất an toàn hàng hải.

Phương án mà ông Bang đưa ra là tại một số địa phương (ví dụ như Hải Phòng) cần quy hoạch một khu vực chuyên phá dỡ tàu cũ. Khu vực này phải cách xa khu dân cư, có các biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn lao động.

Ý kiến cho phép phá dỡ tàu cũ nhận được nhiều sự đồng tình của các doanh nghiệp mong muốn được phá dỡ tàu. Ông Lê Quốc Hùng - Giám đốc Cty TNHH Lê Quốc (trụ ở tại phường Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng), một đơn vị chuyên sửa chữa, hoán cải các phương tiện thủy nội địa bày tỏ ý kiến về quy định của Chính phủ và Bộ TNMT.

Theo ông Hùng, quy định cấm nhập khẩu tàu cũ trên 15 tuổi để phá dỡ và chỉ được phép nhập khẩu thân, vỏ tàu sau khi đã bỏ phần máy, chất thải là không khả thi vì nguyên liệu đã được phía nước ngoài làm sạch thì rất đắt, các DN trong nước không kham nổi. Trong khi Nhà nước cấm phá dỡ tàu nhập khẩu thì ngày ngày, các tàu đóng trong nước vẫn được phá dỡ.

Ông Hùng kiến nghị, Chính phủ chỉ nên cấm nhập để phá dỡ tàu hóa chất và tàu dầu, còn những loại tàu hàng nên cho nhập vì đây là nguồn nguyên liệu rất cần thiết cho các DN đóng mới và sửa chữa, giá cả phải chăng, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn