23 giờ ngày 29/1, chúng tôi đến tiệm internet P.P trên đường Nguyễn Sơn, quận Tân Phú - TP.HCM. “Giờ này công an thường đi kiểm tra. Cửa tiệm thì đóng nhưng bên trong vẫn chơi bình thường, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khách quen mới được vào, xớ rớ là bị “xử” liền” - E., anh bạn đi cùng tôi, giải thích.
Đêm đêm, các “game thủ” lại say sưa với những đấu trường đẫm máu tại tiệm net X.O, quận Thủ Đức - TP.HCM. |
Chưa sáng, không được về!
Cánh cửa tiệm P.P mở ra, mùi máy lạnh và khói thuốc xộc lên nồng nặc. Người quản lý nhìn tôi soi mói, hất hàm hỏi E.: “Ai đó?”. E. thản nhiên: “Bạn tao, lính mới”. Tay quản lý bớt nghi ngại, mở rộng cánh cửa cho chúng tôi lách vào.
Trong căn phòng nhỏ, hàng chục “game thủ” nhí đang cặm cụi dán mắt vào màn hình. Máy tính hiển thị vô số game với những hình ảnh chém giết, nổ súng…
Trong đó, game Kiếm thế được chơi nhiều nhất. Với game này, người chơi nhập vai chiến binh rồi phân tài cao thấp, tìm kiếm tài nguyên bằng các trận chiến. Để thắng trận, giành được phần thưởng, người chơi không chỉ cần kỹ năng “sát thủ” điêu luyện mà còn phải trang bị cho nhân vật của mình những vũ khí có tính sát thương cao.
Màn hình máy tính chớp lóe nhức mắt liên tục thay đổi. Với headphone riêng, “game thủ” vô tư thả mình trong thế giới ảo cùng những trận chiến long trời lở đất, âm thanh ầm ào. Thỉnh thoảng, tiếng văng tục bật ra từ những gương mặt non nớt vang lên giữa không gian ngột ngạt.
Càng về khuya, “game thủ” càng tỏ ra đuối sức. Vài cô, cậu tranh thủ gục mặt xuống bàn, chợp mắt ngủ; số còn lại vẫn “quyết chiến” đến cùng. Để chống chọi cơn mệt mỏi, một số “game thủ” quay sang bàn tán “chiêu” bổ sung “máu” và “mana” (bình phép, tăng năng lượng) rồi trở lại “cuộc chiến”. Trận đấu càng hăng, các “chiến binh” càng không ngừng buông những lời lẽ khó nghe.
Thấy tôi ngơ ngác, N.T.T (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) quay sang hướng dẫn tường tận cách thức chơi. Cậu ta tỏ ra sành sỏi: “Đêm khuya, mạng chạy mạnh, dễ thắng, kiếm được nhiều phần thưởng. Mọi người cùng tham gia, lập thành đội để khi chiến đấu còn có đồng đội hỗ trợ”.
Hơn 3 giờ, trong khi các “game thủ” vẫn cặm cụi “cày” game, một thiếu niên tóc tai rũ rượi, bơ phờ bước đến xin tay quản lý tiệm cho về sớm.
Lập tức, gã trợn mắt, quát: “Đã biết trước khi trời sáng không được về, xin xỏ làm quái gì”. Cậu thiếu niên cố nài nỉ: “Nhưng em mệt quá”. Tay quản lý khó chịu: “Mệt thì vào nằm lên bàn mà ngủ. Mày muốn công an vào bắt bọn tao hả? Lần sau biết thế đừng bén mảng vào nữa”. Khép đôi mắt lờ đờ, “game thủ” này bước về chỗ cũ, dán mắt vào màn hình chờ sáng.
Mãi đến 5 giờ, chúng tôi mới được “thả” về.
Tấp nập thâu đêm
Hôm sau, chúng tôi đến tiệm X.O ở Làng Đại học Thủ Đức (TP.HCM). Thấy khách lạ bước vào, chủ tiệm đon đả: “Vào chơi game hay lên mạng?”. Chúng tôi bảo cả hai và dọ hỏi thời gian “được thả”. Không như ở P.P, chủ tiệm X.O dễ dãi: “Tiệm mở cửa suốt đêm, lúc nào thích cứ về”.
Khoảng 0 giờ, chủ tiệm dắt xe vào trong, đóng cửa lại. Bên hông tiệm, một cánh cửa nhỏ vẫn hé mở để đón “game thủ” đến muộn. Tại đây, người chơi được phục vụ thuốc lá, bánh ngọt, các loại giải khát để “tăng cường sức chiến đấu”. Trong không gian chật hẹp, 28 máy tính nối nhau san sát thì 21 máy đã có người chơi. Khách hàng ở đây khá trẻ, hầu hết là sinh viên và học sinh cấp 2-3.
Khác với vẻ tĩnh lặng phía ngoài, bên trong tiệm, tiếng cười nói rôm rả thâu đêm. Lâu lâu, một “hiệp khách” trong Võ lâm truyền kỳ bị đối thủ dùng “tuyệt chiêu” đả thương phải về dưỡng sức đã tức tối la ó ỏm tỏi.
Hơn 2 giờ, các “game thủ” bắt đầu mệt mỏi, chuyển sang chế độ tự động. Ở chế độ này, các “chiến binh” vẫn tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu, nhặt đồ…
Hầu hết các “game thủ” trong tiệm đều quen biết nhau nên phân công thay phiên ngủ để “trực chiến”. Thỉnh thoảng, một người đang ngủ gà gật bỗng ngồi bật dậy, di di chuột, gõ lách cách bàn phím vài cái rồi tiếp tục… ngủ!
Gần 3 giờ, chúng tôi tính tiền rồi rời khỏi tiệm X.O. Trên đường về, dọc các trục đường của khu vực Làng Đại học Thủ Đức, chúng tôi thấy nhiều tiệm game như: V.N, T.H, N.C, H.B, T.T… vẫn còn sáng đèn.
Gia đình: Nơi quan trọng nhất
Trong những ca đã tư vấn, bà Trần Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam, nhớ nhất trường hợp một sinh viên quê Phú Yên, từng đỗ 3 trường đại học. Từ năm học thứ 2, cậu sa đà vào game online. Khi cậu bỏ học 1 năm, gia đình mới hay biết. Người cha đã lặn lội tìm đến chỗ trọ, chờ 1 tuần mới gặp được con. Lúc đó, cậu hứa sẽ thay đổi, cố gắng học hành.
Qua quá trình tiếp xúc, bà Liên mong mỏi người cha kiên nhẫn, tha thứ và quan tâm đến con nhiều hơn. Thế nhưng, chỉ còn 2 ngày nữa lớp cai nghiện game online của trung tâm khai giảng, người cha trong lúc tức giận đã chửi mắng, xúc phạm con khiến cậu thất vọng bỏ đi, đến nay vẫn bặt tăm.
Để đưa trẻ nghiện game trở về cộng đồng, theo bà Liên, quan trọng nhất chính là gia đình.
“Nhiều em khi tham gia lớp cai nghiện xong đã nhận thức được vấn đề, khát khao trở lại chính mình và mong muốn được thay đổi. Tuy nhiên, khi về nhà, chứng kiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ, thiếu tình yêu thương, sự quan tâm từ cha mẹ, các em thất vọng, buồn chán và lại tìm đến thế giới ảo.
Tôi hy vọng các bậc cha mẹ dù bận rộn đến đâu cũng nên dành thời gian yêu thương, quan tâm con cái. Chính gia đình mới là nơi tốt nhất để kéo các em trở về cuộc sống bình thường” - bà Liên trăn trở.
Theo Dantri