Hạn chế số lượng phương tiện cá nhân ở mức nhất định
Vấn đề quá tải phương tiện cá nhân tại TP.HCM đã được nhắc đến từ lâu. Tính đến giữa tháng 11/2012, số lượng phương tiện đăng ký tại thành phố đã là 520.000 xe hơi và hơn 5.300.000 xe môtô, tức gần 6 triệu xe cơ giới. Đó là chưa kể cả triệu xe cơ giới từ các tỉnh đến thành phố mỗi ngày. Trong khi đó, thành phố chỉ có khoảng 3.700km chiều dài đường với tổng diện tích khoảng 27 triệu m2.
|
Số lượng phương tiện cá nhân phát triển chóng mặt là vấn đề nan giải mà TP.HCM đang phải đối mặt |
Do đó, từ năm 2010 thành phố đã đề nghị nghiên cứu triển khai cấp COE. Đến năm 2012 thì chính thức lập thành dự án nghiên cứu. Trong kế hoạch kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông 2013, UBND TP tiếp tục giao cho các cơ quan liên quan thực hiện tiếp Báo cáo kết quả thẩm định nghiên cứu khả thi của Đề tài quản lý các phương tiện đăng ký mới thông qua COE.
COE là một giải pháp quản lý phương tiện cá nhân được áp dụng khá thành công tại Singapore.
Theo hình thức này, mỗi người dân muốn mua xe phải đấu giá để sở hữu COE. Cứ 2 tháng 1 lần, cơ quan quản lý sẽ tổ chức đấu giá COE với số lượng hạn chế dựa trên trên cơ sở cân đối số xe hiện có, đảm bảo cho tổng lượng xe không tăng đột biến.
Hình thức này vừa giúp hạn chế sự phát triển quá nhanh của phương tiện cá nhân, ngân sách nhà nước lại có thêm một khoản thu đáng kể đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia giao thông đều không ủng hộ áp dụng COE tại Việt Nam. Bởi khi áp dụng COE thì tổng chi phí để sở hữu 1 phương tiện giao thông sẽ rất cao.
Nếu áp dụng trên địa bàn cả nước thì rất thiệt thòi cho người dân có thu nhập trung bình tại các tỉnh nghèo. Nếu chỉ áp dụng cục bộ tại vài địa phương như TP.HCM hay Hà Nội thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng xe tỉnh tràn vào các thành phố này.
Theo các chuyên gia thì sở dĩ COE thành công tại Singapore vì đây là đảo quốc, dân số ít và diện tích nhỏ hẹp. Ngoài ra, thu nhập bình quân của dân cư nước này ở mức cao, chấp nhận được mức chi phí cao để sở hữu phương tiện giao thông cá nhân. Tình hình Việt Nam lại rất khác Singapore.
Dù vậy, TP.HCM vẫn đang tiếp tục triển khai giải pháp này. Dự kiến trong quý II/2013, các cơ quan chức năng sẽ hoàn tất Báo cáo kết quả thẩm định nghiên cứu khả thi của giải pháp này. Nếu được HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm tại TPHCM.
Phát triển mạnh giao thông công cộng và hạ tầng đường bộ
Ngoài COE, trong năm 2013 TP.HCM tiếp tục nghiên cứu biện pháp thu phí xe cơ giới vào khu trung tâm thành phố, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện một số giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân khác…
Đồng bộ với giải pháp hạn chế xe cá nhân, UBND TP cũng chỉ đạo phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng theo chiến lược phát triển phương tiện giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Cụ thể, UBND TP chỉ đạo nghiên cứu các đề án, có kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, phát triển hệ thống giao thông công cộng tiếp cận cho nguời khuyết tật, nguời cao tuổi và trẻ em đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể nhiệm vụ trong năm 2013 là hoàn thiện Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng TP.HCM đến năm 2020 kết nối với Đề án phát triển vận tải hành khách bằng đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh; Triển khai thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt các giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020.
Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo đổi mới tổ chức giao thông đường bộ hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải; Thường xuyên rà soát, phát hiện xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và kịp thời khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến giao thông đường bộ.
Thành phố cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp kỹ thuật cần ít vốn đầu tư nhưng vẫn đảm bảo tăng cường khả năng thông xe như: Tăng cường phân luồng giao thông một chiều, tách làn xe hơi với môtô, xe máy; Sắp xếp, phân bố lại các làn xe để tăng năng lực thông xe; Xây dựng cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông trọng điểm; Cải tạo kích thước hình học, mở rộng lòng đường, các nút thắt cổ chai; Mở rộng các đường hẻm nối thông các đường chính để giảm áp lực giao thông…
Theo Dân trí