Ảnh nguồn: Laodong |
1.Viết thế nào là quyền của mỗi người, nhưng sử dụng blog như đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước thì quả là quá thất vọng. Cứ nghĩ một người như ông nghị Phước là phải viết những lời hay ý đẹp, biết biến hóa tài hoa cái chữ của “thánh hiền”.
Đáng tiếc là ông nghị Phước lại bộc lộ bản năng thô lỗ của mình qua những lời lẽ vốn bị ngăn chặn bởi những thói quen xã giao, luật pháp, tiêu chuẩn văn minh. Viết trên blog, ông nghị Phước không chỉ mạt sát đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là ngu, ông còn bày tỏ một thái độ ngạo mạn, hằn học khi viết về những người có quan điểm khác biệt với mình.
Đọc một số bài viết của ông nghị Phước, những người có văn hóa cảm thấy xấu hổ cho một nhân cách bị xé toang cái vỏ hào nhoáng bên ngoài.
2. Tranh luận là lẽ thường tình, đại biểu Quốc hội thì tranh luận lại càng cần thiết. Nếu muốn tranh luận, ông nghị Phước có nhiều diễn đàn để đưa ra ý kiến như họp Quốc hội, gửi kiến nghị, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ báo chí... Những nơi đó không ai cấm ông Phước phát biểu.
Cũng không ai cấm ông Phước thể hiện chính kiến trên các trang mạng xã hội, nhưng dẫu sao đây vẫn là cách làm hạ sách, không phải chỗ được coi là chính thống khi đề cập những chuyện quốc gia đại sự. Điều cần nói hơn cả là tranh luận thế nào cho xứng tầm.
Một người như ông Phước là phải rất tự trọng khi tranh luận, không thể ăn nói bừa bãi, lại càng không thể xúc phạm người khác dù người đó là nghị sĩ hay “phó thường dân”. Ông Phước đã tự hủy diệt mình bằng một lối tranh luận chợ búa, điều mà ngay cả những người bình thường cũng phải tránh.
3. Ông Hoàng Hữu Phước là đại biểu của nhân dân, hàng trăm ngàn cử tri đã gửi gắm niềm tin của mình qua lá phiếu bầu cử. Giờ đây biết bao người đang tỏ ra bức xúc khi bầu nhầm một đại biểu không xứng đáng. Sự thật là có nhiều ý kiến cho rằng không thể chấp nhận thái độ của ông Phước, cần phải xem xét lại tư cách đại biểu của ông này.
Còn nhớ, cách đây không lâu báo chí có đăng tải một vụ kỷ luật đuổi học một học sinh do có lời lẽ xúc phạm thầy cô trên trang mạng xã hội. Học sinh là con trẻ, ăn chưa tới, nghĩ chưa cùng mà còn bị trừng trị nặng nề như vậy. Chuyện ông Phước có lẽ còn nghiêm trọng hơn, nếu bỏ qua e rằng người đời không tâm phục, khẩu phục.
4. Quốc hội là cơ quan quyền lực, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân. Từ khi nước Việt có Quốc hội đến nay, trong các đại biểu vẫn có nhiều cuộc tranh luận, thậm chí là gay gắt mỗi khi đối mặt với vấn đề không đồng nhất quan điểm.
Nhưng tranh luận kiểu như ông nghị Phước là quá giới hạn, khiến cả dư luận ngỡ ngàng. Trước một sự kiện kỳ dị như vậy, nếu không “thổi còi” là đồng lõa với việc buông lỏng kỷ cương, tạo điều kiện cho những hành vi văn hóa tầm thấp tự do chà đạp lên các nguyên tắc đạo đức bình thường.
Theo Tuoitre