ĐBQH Hoàng Hữu Phước. |
“Không phải trở thành đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rồi tôi viết blog để tìm kiếm sự nổi tiếng. Tôi viết bài cho Emotino, một trang mạng của cộng đồng DN, viết blog cả chục năm nay và xem môi trường mạng là nơi bày tỏ quan điểm, tình cảm và giới thiệu tác phẩm sáng tác.
Qua vụ việc này cũng xem như là một lời nhắc nhở. Đó là nhật ký điện tử mở ra trước công chúng, cứ viết một cách vô tâm, ai muốn đọc thế nào thì đọc, rõ ràng là sai, nhất là khi anh là ĐBQH” Ông Phước nói.
Blog như xô trà đá miễn phí
Nếu phản biện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm thì cộng đồng mạng sẽ không phẫn nộ đến như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng không chỉ phương pháp, hình thức trình bày không đúng như ông đã nói, cả về mặt nội dung văn bản cũng có nhiều chỗ xúc phạm đến cá nhân ĐB Dương Trung Quốc?
Tôi cho rằng những ý kiến đó hoàn toàn đúng và tôi không nói gì thêm.
Bỏ qua cách sử dụng ngôn từ có phần nặng nề, đến thời điểm này ông có còn cho rằng nội dung, ý kiến của ông trong bài viết là đúng?
Những chủ đề chính, chẳng hạn như không nên Luật hóa mại dâm, chưa cần có Luật biểu tình,… tôi vẫn bảo lưu quan điểm, chính kiến.
Còn hình thức trình bày quan điểm, cách diễn đạt trong bài, nội dung từng câu chữ thì tôi đã sai. Nếu còn bất đồng thì cứ tranh luận, phát biểu thẳng thắn trên nghị trường, không nên chỉ trích cá nhân trên blog.
Khi viết ra những điều đó, ông có nhớ mình là ĐBQH không? Và, ông có lường hết được hậu quả?
Trước kia, tôi cho rằng blog giống như thùng nước đá miễn phí trên đường, ai khát thì ghé vào uống. Bây giờ tôi nhận ra dù mục đích tốt nhưng nước trong thùng phải là nước tinh khiết, không gây ngộ độc cho người sử dụng. Viết blog cũng vậy. Phải viết nghiêm túc, có trách nhiệm nếu không sẽ gây ngộ độc, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Người dân Việt Nam không chấp nhận văn hóa nghị trường tại một số nước, các đại biểu hễ bất đồng chính kiến là cãi lộn, thóa mạ, đánh nhau …Tiếc là tôi đã không nhìn ra được vấn đề này.
Khi viết bài, tôi không có ý thóa mạ. Tôi chỉ vô tâm không để ý trong bài sử dụng những từ nhạy cảm. Từ “ngu” Khổng Tử nói, xét trên phương diện từ Hán Việt thì không sao nhưng đặt ở ngữ nghĩa Tiếng Việt thì đó là một sự xúc phạm. Đó là thóa mạ.
TS Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM từng khuyến cáo: Không phải chỉ khi ở nghị trường, đeo huy hiệu thì mới là ĐBQH. Thậm chí, các vị chở vợ đi chợ, các vị vẫn là ĐBQH. Ăn ở đâu, ngủ ở đâu quý vị cũng là ĐBQH.
Qua vụ việc này ông rút ra được kinh nghiệm gì cho hoạt động sắp tới?
Tôi nghiện viết blog nhưng qua vụ việc này tôi nhận ra vai trò của mình đã khác trước. Đã là ĐBQH thì không thể hành động tùy hứng, theo thói quen nữa.
Viết không khéo, không chỉ đụng chạm đến người khác, gây bất bình cho các cử tri mà còn có thể bị những thế lực xấu lợi dụng, chẳng hạn như qua vụ việc này, họ quy kết có thế lực nào đó đứng đằng sau ĐB Phước hay QH mất đoàn kết, hạn chế ĐB phát biểu trên nghị trường nên ĐB bức xúc giãi bày qua blog…
Đây là một bài học kinh nghiệm lẽ ra mình đã không phạm phải. Đáng tiếc là khi cộng đồng mạng bàn tán xôn xao, giận dữ thì mình mới nhận ra.
Ông từng nói rằng khi Huy Đức (nguyên PV báo Tuổi trẻ TP.HCM – NV) sang Mỹ, viết “Bên thắng cuộc”, ông đã có một bài viết phê phán, sau đó trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ĐB Dương Trung Quốc lại có cách nhìn khác?
Trong bài viết tôi cũng có đề cập với dụng ý rằng là một người có uy tín, lời nói của ĐB Dương Trung Quốc nặng tựa nghìn cân.
Quyền tự do ngôn luận là cái mà ĐBQH phải bảo vệ cho người dân, không thể vin vào đó để nói gì cũng được.
Qua việc này, tôi nhận ra rằng ĐBQH có chính kiến khác nhau, có thể tranh luận trên nghị trường nhưng nếu chính kiến của anh lẻ loi, chỉ là của thiểu số và không có lợi cho quốc gia thì cũng nên cân nhắc có phát biểu hay không.
Người ta dễ dàng nói ra một câu xin lỗi, thậm chí nói một cách hùng biện. Để chứng minh sự phục thiện, tôi mong muốn báo giới theo dõi hành động của tôi trong thời gian tới liên quan đến những gì đã đề cập trong thư xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc. Nội dung lá thư, tôi xin phép không tiết lộ.
Sẽ không từ nhiệm
Ông tự ứng cử và đắc cử ĐBQH, sự kỳ vọng của cử tri với ông là rất lớn. Qua vụ việc này, ông có lo ngại niềm tin của cử tri dành cho ông sẽ bị giảm sút?
Phương châm hành động của tôi khi ứng cử là “biết lo trước nỗi lo của người dân”. Trong suốt hai năm qua, tôi đã cố gắng không phụ niềm tin đó và đã làm việc nghiêm túc.
Khi phát biểu về việc chưa cần có Luật biểu tình (vào tháng 9-2011), cũng như vụ việc vừa qua, tôi nhận được hàng nghìn ý kiến phản hồi, thư điện tử, cả đồng tình lẫn không.
Cử tri có quyền đòi hỏi ĐBQH phải đáp ứng yêu cầu ở mức tuyệt đối vì ĐBQH là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Cử tri sẽ sáng suốt, công bằng, không căn cứ vào một hai vụ việc để đánh giá cả quá trình hoạt động của ĐBQH.
Một ĐBQH đại diện cho toàn dân chứ không phải cho cử tri quận này, quận kia.
Sau khi sự việc xảy ra, thường trực Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ đã có phản ứng thế nào, thưa ông?
Tôi viết bài đưa lên mạng từ trước Tết. Trong dịp Tết, nhiều bạn bè gọi điện báo cộng đồng mạng phản ứng gay gắt, mới biết. Tôi đã yêu cầu người quản trị mạng gỡ bỏ nhưng tiếc là bài viết đã bị phát tán với tốc độ chóng mặt.
Sáng 18-2, ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Tỵ, làm việc với lãnh đạo Đoàn ĐBQH, tôi mới được biết hộp thư điện tử (mail) của mình bị tin tặc chiếm giữ và gửi hàng loạt thư điện tử vào hộp thư của các ĐB khác.
Sau khi tôi xác nhận bài viết là của mình và biết rõ quy định đối với ĐBQH, các vị có trách nhiệm cho rằng việc làm của tôi là không nên.
Tuy là ĐBQH tự ứng cử nhưng tôi nộp hồ ứng cử tại Ủy ban MTTQ TP.HCM. MTTQ giám sát, tổ chức lấy ý kiến tại nơi cư trú và cơ quan nên cũng có trách nhiệm. Trong ngày 18-2, lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP.HCM cũng đã làm việc với tôi.
Ông viết thư xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc là thực tâm hay do sức ép từ lãnh đạo Đoàn ĐBQH?
Tôi viết thư xin lỗi là do đã nhận thức mình sai, hoàn toàn không có một sức ép nào.
Nhiều ý kiến cho rằng hành vi của ông đã vi phạm quy định của Luật dân sự. Ông có nghĩ đến khả năng từ nhiệm?
Tôi sẽ không từ nhiệm. Tôi cho rằng sai đến đâu thì xử lý đến đấy. Là một công dân, là ĐBQH, tôi tuân thủ chấp hành mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Cám ơn ông.
Ông Hoàng Hữu Phước (SN 1957, quê quán Nam Định, thường trú phường 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM), có học vị Thạc sĩ kinh doanh quốc tế, Cử nhân Anh văn. Giai đoạn 1976 – 1981, ông học trường Đại học Tổng hợp, sau đó dạy tiếng Anh tại Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố (1982-1988). Từ năm 1988 -2005, ông làm việc cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tại TP.HCM như đại diện công ty Tico LTD (Nhật Bản); trợ lý đại diện công ty Cimmco (Ấn Độ); chuyên viên công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài (Fosco); Hiệu trưởng Trường Fosco Khai Minh; giám đốc điều hành trường Cao đẳng doanh thương Hoa Kỳ (American Business College); Giám đốc tuyển dụng và Giám đốc nhân sự công ty Manulife (Canada). Từ năm 2006, ông Phước là Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Doanh Thương Mỹ Á. Ông Phước được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu ra ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XIII, thuộc đơn vị bầu cử số 1 (gồm các quận 1, 3, 4) của thành phố. Nguồn: Wikipedia |
Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi thấy vị đại biểu này có tư duy không bình thường Trước sự việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Hữu Phước có nhiều phát biểu gây bức xúc dư luận trên blog của ông, về tư cách ĐBQH thì tôi không bàn nữa vì nhiều người đã đề cập.
Tôi đã theo dõi nhiều phát ngôn của đại biểu Hoàng Hữu Phước và thấy ông có tư duy không bình thường. Điển hình là bài viết đề nghị Anh hóa ngôn ngữ tiếng Việt, bài Tôi Hiến Kế Liên Hoành Cho Saddam Hussein, khoe mình đã trực tiếp viết thư cố vấn cho Saddam Hussein chống Mỹ nhưng ông Husein không nghe và lần này là phát biểu sai lạc nghiêm trọng về đại biểu Dương Trung Quốc. Bốn vấn đề đại biểu Hoàng Hữu Phước phê phán đại biểu Dương Trung Quốc đều hoàn toàn sai. Cử tri khó có thể chấp nhận một ĐBQH phát ngôn và mượn diễn đàn phát ngôn tùy hứng đại diện cho họ. Bởi như thế, ĐB đó khó có đủ tin cậy để chuyển tải tâm tư nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn QH. |
Theo Tienphong