GS.TSKH Trần Duy Quý, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cảnh báo: Cần phải xét nghiệm ngay mẫu giống lúa này để kiểm tra xem đây có phải là giống lúa biến đổi gene hay không để có phương án giải quyết sớm tránh lẫn sang giống lúa nội địa.
Nguy hiểm
Từ cuối năm 2012, ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An xuất hiện người đàn ông Trung Quốc đến thuê đất tại cánh đồng nơi đây để trồng lúa. Người ta gọi ông với cái tên là Lji Wen. Ông Wen nhờ một người tên Trần Minh Nhu đứng tên thuê đất để ông trồng lúa.
Ông Lji Wen bỏ tiền thuê với giá 30 triệu đồng/ha/vụ, trong khi người dân, làm lúa ở đây nếu trúng mùa, trúng giá 1 năm cũng không có được 15 triệu đồng/ha.
Một người làm công cho ông Lji Wen kể, ông Wen yêu cầu chỉ gieo 56kg giống gồm 2 loại khác nhau cho mỗi ha đất (hiện tại, nông dân vùng này gieo khoảng 120kg giống/ha).
Khi mạ lớn, ông Wen thuê người cấy hàng, cứ 2 hàng “lúa cha” xen 12 hàng “lúa mẹ”. Khi lúa trổ bông thì ông Wen và các nhân công dùng cây sào, gạt cho phấn hoa từ “lúa cha” bay sang thụ phấn cùng “lúa mẹ”.
Giống lúa lạ đã trổ bông nhưng chính quyền địa phương không biết |
Theo GS Trần Duy Quý, cần phải phân tích ngay mẫu giống lúa này và khoanh vùng thửa ruộng để tránh nguy cơ giống lúa có thể lẫn sang giống của Việt Nam. “Nếu đây là cây trồng biến đổi gene thì là một hành động phá hoại. Chỉ cần giống lúa của Việt Nam bị lẫn lúa biến đổi gene, gạo xuất khẩu sẽ bị trả lại hết”, GS Quý nói.
TS Nông Văn Hải, Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, về khía cạnh khoa học với cây trồng biến đổi gene thì không vấn đề gì. Song hiện Trung Quốc đã phát triển lúa biến đổi gene khắp nơi và bị thế giới tẩy chay rất nhiều. Chính Trung Quốc cũng gặp nhiều rắc rối khi trồng lúa biến đổi gene. Do vậy nếu đây là cây trồng biến đổi gene rất đáng lo ngại vì Việt Nam là nước xuất khẩu lúa, gạo.
Theo TS Hải, xu thế của thế giới sẽ trồng cây biến đổi gene, bởi trên phương diện khoa học giống cây trồng biến đổi gene có thể khắc phục được những khiếm khuyết của giống trước đó. Tuy nhiên về mặt pháp lý thương mại thì đây là vấn đề lớn do liên quan đến cây lúa.
Làm sai nguyên tắc, phải khoanh vùng sớm
TS Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, do người ta làm vụng trộm nên chính quyền chưa biết và cũng chưa có báo cáo gì lên Cục.
“Nếu đây là giống mới nhập về khảo nghiệm mà chưa có trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh thì phải xin giấy phép của Cục Trồng trọt”, ông Quảng nói.
Theo TS Quảng: “Việc người Trung Quốc tự ý đưa giống lúa lạ vào trồng trên đồng ruộng của Việt Nam mà không được phép của cơ quan quản lý nhà nước là sai quy định. Chính quyền địa phương phải kiểm tra cụ thể tại thực địa và khoanh vùng lại, không cho mở rộng giống đã nghiệm thu từ diện tích này. Nếu ai muốn khảo nghiệm giống mới phải làm theo đúng trình tự quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”.
Theo Pháp lệnh Giống cây trồng ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BNN, ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PT&NT, việc khảo nghiệm giống quốc gia phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký khảo nghiệm với cơ sở khảo nghiệm. Sau đó cơ sở khảo nghiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm và gửi mẫu giống sau đó cơ sở khảo nghiệm tiến hành khảo nghiệm.
Việc khảo nghiệm phải được tiến hành ở một khu vực riêng biệt, kiểm soát nghiêm ngặt để tránh nguy cơ lan giống ra bên ngoài.
Thế nhưng ở đây ông Wen lại đưa vào thử nghiệm mà chưa đăng ký với Trung tâm Khảo nghiệm Phía Nam.
Theo GS Trần Duy Quý, không khó để xác định mẫu giống lúa lạ của người Trung Quốc này. Chỉ cần có cây mạ, hoặc bông lúa chuyển đến Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có thể phân tích ngay được đây có phải là giống cây trồng biến đổi gene hay không.
Hiện Việt Nam mới cho phép trồng khảo nghiệm cây trồng biến đổi gene là ngô và đậu tương.
Theo Baodatviet