Giới thiệu đại biểu còn hình thức

Thứ năm, 21/02/2013, 15:39
Trước việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Hữu Phước “công kích” ông Dương Trung Quốc, GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận định, việc giới thiệu ứng viên ĐBQH hiện mang nặng tính hình thức.
Giới thiệu đại biểu còn hình thức
GS Lưu Văn Đạt.

Thưa ông, vụ việc vừa qua cho thấy công tác tìm hiểu ứng viên ĐBQH trước khi giới thiệu trước cử tri còn thiếu sót?

Đúng vậy. Để xảy ra sự việc như báo chí phản ánh giữa hai ĐBQH chứng tỏ công tác tìm hiểu đại biểu ứng cử QH chưa tốt. Cụ thể trong trường hợp này MTTQ TP.HCM giới thiệu thì đó là khuyết điểm của Mặt trận.

Cần phải nhìn nhận rằng công tác tìm hiểu, thông tin về ứng viên ĐBQH của Mặt trận hầu như chỉ mang tính hình thức. Danh sách ứng viên thường do các cơ sở đưa lên, khoảng hơn 50 người, và Mặt trận có trách nhiệm tổng hợp.

Ngoài vài dòng thông tin ngắn ngủi thì Mặt trận không có thêm một thông tin nào về từng người một. Bố trí danh sách đề cử đó xuống địa phương lại do tổ chức ở trên sắp xếp chứ không thuộc trách nhiệm Mặt trận.

Đoàn đại biểu của MTTQ ngoài ra còn có trách nhiệm là xem xét ứng viên có đủ tư cách để ứng cử ĐBQH không. Nhưng căn cứ vào đâu để xem xét? Có muốn phản đối hay đồng tình thì cũng phải có cơ sở, xem người đó có hành vi nào không chuẩn mực hay không. Nhưng không có.

Để công tác tìm hiểu, giới thiệu ứng cử viên ĐBQH được thực chất hơn, theo ông cần phải có những cải cách gì?

Qua nghiên cứu, tôi cho rằng Luật về Đại biểu Quốc hội có nhiều điều còn mang tính hình thức. Ở nhiều nước, thông tin về ứng viên tham gia tranh cử được công khai để ai cũng biết, và biết đầy đủ.

Thông tin về ứng viên được điều tra rõ ràng xem có bê bối gì không. Nhưng ta vẫn còn hình thức khi nhiều người đến khi đi bầu mới chỉ đọc qua vài dòng thông tin về người mình sắp bầu.

Tôi cho rằng cần phải thay đổi nhiều. Mỗi người ra ứng cử phải được công khai 3 tiêu chí là lý lịch bản thân; tài sản sở hữu - hiện thông tin này không hề được cung cấp; quan trọng nhất là cam kết hành động nếu trở thành ĐBQH - cam kết này không phải là hứa hẹn. Nếu cam kết rồi mà làm sai thì căn cứ vào đó để xử lý. Nếu không thực hiện cam kết này sẽ phải từ chức.

Vụ việc này xảy ra trong thời điểm chúng ta đang có cuộc lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp. Đây không phải là chuyện Hiến pháp. Hiến pháp là đề ra những cái chung. Nhưng đây là việc thực hiện Hiến pháp. Nếu thực hiện mang tính hình thức là làm sai Hiến pháp.

Cảm ơn GS!

Theo Tienphong

Các tin cũ hơn