Hai lá thư từ chiến trường được chuyển ra phía Bắc, một lá cho người yêu, một lá cho mẹ ruột, đều rơi vào tay lính Mỹ.
Và sau 36 năm lưu lạc, hai lá thư đã tìm về với chủ nhân của nó: cựu chiến binh Nguyễn Xuân Sanh (trú tại 73 Trưng Nữ Vương, TP.Đà Nẵng). Đằng sau câu chuyện về kỷ vật mà ông Sanh vừa được nhận lại là sự lý giải về cội nguồn sức mạnh đem lại chiến thắng hào hùng cho dân tộc Việt Nam.
Chuyện tình thời chiến
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy binh biến Quảng Bình, sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng Hải năm 1961, cậu thanh niên Nguyễn Xuân Sanh (SN 1941) lên đường nhập ngũ.
Ở cái tuổi 20 đầy nhiệt huyết, Sanh được điều động về Trường Thể thao quốc phòng (Xuân Mai, Hà Tây, nay là Hà Nội) học tập, huấn luyện… để chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam.
|
Vợ chồng ông Sanh thời trẻ. |
Đây cũng là khoảng thời gian Sanh gặp và làm quen với cô gái quê lụa Nguyễn Thị Khánh (SN 1944). Tuy nhiên, thời binh biến, họ mới chỉ kịp trao nhau lời ước hẹn qua một cái nắm tay. Năm 1962, Sanh được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu.
Suốt cả khoảng thời gian dằng dặc mười mấy năm xa cách, cô xạ thủ bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Khánh - từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế lúc bấy giờ - vẫn một lòng chờ đợi người con trai Quảng Bình.Niềm tin cũng như thông tin duy nhất giữa họ là những lá thư được gửi từ hậu phương ra tiền tuyến và ngược lại.
Song, có những giai đoạn, giữa hai người bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Và hai lá thư trong số rất nhiều lá thư mà họ gửi cho nhau đã không đến được địa chỉ người nhận.
Năm 1974, lúc này ông Sanh là đội trưởng đội đặc công nước (Đoàn 126 hải quân), từng phá tan một chiến hạm thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. “Cái giá” của ông khi ấy được quân địch treo giải lên đến 50.000 đô-la cho ai giết được ông.
Bất ngờ, ông được điều từ chiến trường miền Nam ra Hà Nội học khóa huấn luyện dành cho cán bộ trung, cao cấp của lực lượng đặc công để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam.
Vợ chồng người chiến sĩ đặc công nước năm xưa. |
Vậy là sau hơn 10 năm xa cách, đôi uyên ương mới có dịp gặp lại nhau. Ông Sanh cảm động đến nghẹn lòng khi biết những lá thư đầy ắp thương yêu của mình trong suốt những năm qua không hề đến được tay người yêu ở hậu phương nhưng cô vẫn một lòng chờ đợi.
Trong lá thư của ông Nguyễn Xuân Sanh gửi người yêu có đoạn:
“...Tuy anh ở xa nhưng anh vẫn biết được các sinh hoạt của em. Anh ở xa nhưng có đồng chí anh ở gần em và cung cấp tình hình cho anh. Anh vẫn sống mạnh khỏe, công tác và chiến đấu tốt. Ngày thống nhất anh sẽ trở về với em. Nếu em không đợi được đến ngày ấy thì anh cũng không trách em đâu, em cứ suy nghĩ và hành động theo ý nghĩ của em...”. |
Ít lâu sau đó, đúng vào ngày Quốc khánh (2/9/1974), Bộ tư lệnh đặc công đã tổ chức đám cưới cho hai người.
Cưới xong, chưa kịp bén hơi nhau, người vợ trẻ lại phải tiễn chồng lên đường gia nhập đơn vị hải quân giải phóng Hoàng Sa khi đứa con trai trong bụng chưa kịp chào đời.
Hòa bình lập lại, năm 1978, ông Sanh được điều vào công tác tại Sở Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).
Theo chồng vào mảnh đất miền Trung, bà Khánh tiếp tục những năm tháng thắt lòng chờ đợi khi ông lại nhận lệnh lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế 6 năm.
Đến tận năm 1984, gia đình họ mới thật sự đoàn tụ. Năm 1990, ông Sanh nghỉ hưu với hàm Trung tá. 3 năm sau đến lượt bà về nghỉ.
Hiện nay, vợ chồng ông bà đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội tại Trung tâm Huynh đệ bảo trợ trẻ em mồ côi.
Sự trở về bất ngờ
Nhắc đến hai lá thư viết từ chiến trường về cho mẹ và người yêu gần 40 năm trước, ông Sanh xúc động nghẹn ngào. Người lính già bùi ngùi nhớ tới người bạn mà ông nhờ gửi thư - chiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (quê Thái Thụy, Thái Bình).
Lúc đó, Sơn là lính của đội đặc công nước do thiếu úy Nguyễn Xuân Sanh làm đội trưởng (đóng quân tại xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam).
Ký hiệu “354 Thanh Khiết” ở đầu thư là bí số riêng của ông Sanh (thư từ thời chiến đều không ghi rõ địa chỉ người gửi, mà chỉ dùng ký hiệu - PV). Khi ấy, nhân dịp Sơn ra Bắc, ông Sanh đã viết thư nhờ đồng đội mang ra giùm.
Thư gửi đi mà chẳng thấy hồi âm, nên cũng chẳng biết được nó có đến tay người nhận hay không. Đâu ngờ, hai lá thư lại thấm máu của người đồng đội yêu quý.
Mãi đến tận ngày giải phóng, ông Sanh mới biết Sơn đã hy sinh và hai lá thư của ông đã rơi vào tay lính Mỹ. Để rồi sau mấy mươi năm, với hành trình vượt qua đại dương, hai lá thư mới tìm về với chủ nhân của nó.
Vào cuối năm 2003, đại diện tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam (VVA) khi ghé thăm Đà Nẵng đã trao cho cơ quan hữu quan Việt Nam hai lá thư của một chiến sĩ "Việt cộng" gửi từ chiến trường miền Nam ra hậu phương miền Bắc.
Theo mẩu thông tin có số lưu trữ 267 của VVA, đây là những lá thư lấy được từ thi thể của một chiến sĩ giải phóng, thời gian viết vào khoảng năm 1967 - 1968 tại một địa điểm cách Đà Nẵng chừng 50 dặm về phía Tây Nam.
Trên góc trái bì thư có đề “354 Thanh Khiết”, bên phải phía dưới ghi người nhận là Nguyễn Thị Khánh, Trường Thể thao quốc phòng, Xuân Mai, Hà Tây...
Mẩu thông tin ấy được các phương tiện truyền thông đăng tải đã giúp hai lá thư tìm về địa chỉ của cả người gửi và người nhận trong niềm xúc động vô bờ.
Hai lá thư trở về sau 40 năm lưu lạc trên đất Mỹ. |
Sau này, khi ông Sanh tìm hiểu vì sao người lính Mỹ năm xưa lại giữ lá thư của một người lính Việt Nam, người này đã trải lòng: “Đọc những lá thư chất chứa yêu thương và thấy được niềm tin vào tình yêu, tình mẫu tử của người lính cộng sản vô danh giữa chiến trường máu lửa gửi về quê nhà nên tôi không nỡ bỏ đi.
Tôi thực sự xúc động… Vì thế, tôi nhặt lấy, cất giữ giống như "nó là của mình" với quy tắc đặt ra: nhất định sẽ có ngày tìm và đưa cho được lá thư về đúng nơi nó cần đến”.
Cũng người lính Mỹ này cho ông Sanh biết, thông qua lá thư, người Mỹ đã phần nào hiểu được đâu là cội nguồn sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Cội nguồn sức mạnh ấy không gì khác ngoài niềm tin, tình yêu và lòng chung thủy.
Ngồi bên chồng, bà Khánh tâm sự: “Hai lá thư mà ông nhà tôi viết hiện đang được giữ ở Viện Bảo tàng quân đội. Có hẳn một bài giới thiệu thông tin về nó để ai cũng hiểu. Hầu hết các lá thư ông ấy gửi, tôi đều không nhận được. Song, tôi vẫn cứ hy vọng và chờ đợi ông ấy trở về. Trước lúc đi, những kỷ vật, quân trang mà ông để lại, tôi xem nó như một lời đính ước và tôi tin vào ngày đoàn tụ”.
Theo Dòng Đời