Bãi rác Hòa Phú (xã Hòa Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long) hình thành từ năm 1997, nằm lộ thiên cách quốc lộ 1 khoảng 200 m, là nơi chứa rác hằng ngày của tỉnh Vĩnh Long.
Theo ước tính, khối lượng rác ở đây vào khoảng 350.000 - 400.000 tấn và hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 tấn rác mới. Rác được tập kết nhiều năm chất cao như núi, bốc mùi hôi thối quanh năm. Nhiều ao hồ, đồng ruộng quanh khu vực bãi rác bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn nước đen kịt, đặc quánh.
Cách bãi rác chỉ vài trăm mét là khu dân cư đông đúc nên ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều người.
|
Theo lời mời gọi đầu tư của tỉnh, tháng 5/2011, Công ty CP phát triển xây dựng Phương Thảo (Cần Thơ) đã đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao ngay tại bãi rác Hòa Phú.
"Tôi mà là công ty thì cứ ký hợp đồng trước sau đó hoạt động vài tháng rồi làm báo cáo tài chính, thuê đơn vị đánh giá lại xem có lỗ không, nếu lỗ thì đề xuất điều chỉnh giá." ÔngNguyễn Hoàng Học,Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long |
Nhà máy được đầu tư theo công nghệ của Đức với tổng kinh phí xây dựng, máy móc, thiết bị lên đến 238 tỉ đồng, công suất xử lý 300 tấn rác/ngày.
Đến tháng 10/2012, mọi cơ chế vận hành máy móc đã hoàn thành và có thể đi vào hoạt động. Dự kiến nhà máy sẽ xử lý lượng rác mới khoảng 100 tấn/ngày và cả lượng rác cũ ở bãi rác.
Tuy nhiên, sau khi chạy nghiệm thu, giữa chủ đầu tư và UBND tỉnh không thống nhất được giá xử lý rác và kinh phí tạm ứng cho việc xử lý rác cũ. Vì vậy đến nay nhà máy vẫn chưa thể hoạt động.
Phía chủ đầu tư đề nghị mức giá xử lý là 240.000 đồng/tấn bởi theo Quyết định 322 của Bộ Xây dựng thì với công nghệ, mức đầu tư của nhà máy có thể áp dụng giá từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn rác.
Hơn nữa mức giá tham khảo từ các nhà máy xử lý rác khác cho thấy đây là mức giá thấp nhất hiện nay. Chủ đầu tư cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Long cho tạm ứng một phần kinh phí xử lý lượng rác cũ ước tính khoảng 350.000 - 400.000 tấn, thời gian xử lý khoảng 2 năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Học, Chánh văn phòng UBND tỉnh (người phát ngôn của UBND tỉnh Vĩnh Long) cho biết, UBND tỉnh chỉ chấp nhận giá xử lý rác là 220.000 đồng/tấn và không đồng ý cho tạm ứng kinh phí xử lý rác cũ bởi ngân sách đang hạn hẹp.
Ông Học gợi ý: “Tôi mà là công ty thì cứ ký hợp đồng trước sau đó hoạt động vài tháng rồi làm báo cáo tài chính, thuê đơn vị đánh giá lại xem có lỗ không, nếu lỗ thì đề xuất điều chỉnh giá”.
Trong khi đó, bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển xây dựng Phương Thảo, nói: “Mức giá 220.000 đồng/tấn quá thấp, nhà máy sẽ không thể duy trì hoạt động. Hiện tại không có nơi nào có thể hoạt động với giá thấp như vậy. Đơn cử như ở Cà Mau, giá xử lý cũng là 290.000 đồng/tấn”.
Cũng theo bà Thảo, để vay được ngân hàng 127 tỉ đồng, giữa công ty, ngân hàng và UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản thỏa thuận đảm bảo công ty hoạt động có lời để trả nợ.
Bây giờ, khi công ty đã đổ tiền xây xong nhà máy, tỉnh Vĩnh Long lại đưa giá quá thấp, không cho tạm ứng kinh phí xử lý rác cũ chẳng khác nào làm khó doanh nghiệp. Trong khi đó, mỗi ngày doanh nghiệp không hoạt động nhưng vẫn phải gánh lãi ngân hàng, lương nhân viên, chi phí bảo trì... trên 100 triệu đồng.
Theo Thanhnien